Độc đáo mâm cúng “phi đội gà bay” trong ngày rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

16:59' 16-02-2022
Cứ đến rằm tháng Giêng hàng năm, nhiều dòng họ ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại tổ chức làm mâm cúng rất độc đáo với các thế gà bay, gà quỳ, gà ngồi để dâng lên bàn thờ tổ tiên.


    Ngoài những đồ vật dùng để làm mâm cúng, thì gà cúng được nhiều dòng họ, gia đình nơi đây đặc biệt chú trọng.

    Anh Lê Quang Hải (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) cho biết: "Việc các gia đình, dòng họ tổ chức làm mâm cúng độc đáo với các thế gà bay, gà quỳ, gà ngồi để dâng lên bàn thờ tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây từ nhiều năm nay".

    Theo anh Hải, để có được mâm cỗ đẹp với những chú gà tạo thế đẹp phải trải qua nhiều công đoạn công phu.

    Đầu tiên là công đoạn chọn gà. Gà làm cỗ "gà bay" phải được lựa chọn kỹ càng, được tìm mua khắp các địa phương trong tỉnh trước cả tháng trời. Con gà phải già vừa, với trọng lượng khoảng 3 -5kg, đẹp mã. Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Sau khi làm sạch, gà được tạo thế bay, quỳ, đứng, ngồi… với sự hỗ trợ của dây thép, que tre.

    Công đoạn tạo dáng cho gà đã khó và mất nhiều thời gian, thì luộc gà lại là khâu quyết định đến tính thẩm mỹ.

    "Sau khi tạo dáng cho gà thì phải dùng loại nồi chuyên dụng, kích thước lớn. Khi luộc phải căn chỉnh lửa, thời gian sao cho phù hợp để gà vừa chín mà không bị nứt. Muốn gà giữ được màu sắc tươi sáng, không bị thâm đen cũng phải biết cách ngâm gà qua nước muối pha loãng với tỷ lệ hợp lý", anh Hải cho biết.

    Mâm cỗ "gà bay" đã thành nét văn hóa riêng của người dân nơi đây (Ảnh: Văn Nam).

    Để hoàn thành được một con gà thế đứng, quỳ, bay… đáp ứng đúng yêu cầu phải mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ và không phải ai cũng làm được. Người dân nơi đây phải dậy từ 3-4h sáng để làm gà cúng.

    Nếu làm gà, tạo thế gà đòi hỏi công phu và kỹ thuật cao thì trang trí, bày biện mâm cỗ cũng khó không kém. Những người khéo tay, cẩn thận nhất sẽ được chọn để bày mâm cỗ, xếp tầng vật phẩm, trang trí ở từ đường.

    Với bàn tay khéo léo, không chỉ gà cúng được tạo hình theo các tư thế mới lạ, người dân nơi đây còn nghĩ ra những cách bày biện rất độc đáo như gà ngậm hoa, gà đứng trên mình rùa, gà đậu cành đào, cành mai… khiến nhiều người trầm trồ, xuýt xoa.

    Người dân phải mất 3-4 tiếng đồng hồ mới làm xong một con gà cúng như thế này (Ảnh: Văn Nam).

    Theo ông Nguyễn Đình Tịnh, Trưởng ban nghi lễ dòng họ Nguyễn Đình (xã Bình An, huyện Lộc Hà), thông thường 10 năm dòng họ sẽ tổ chức đại lễ lớn một lần. Do tình hình dịch Covid-19 năm nay chỉ làm dâng lễ thường, nên bàn cúng năm nay không đặc sắc như đại lễ. Đa phần gà dâng lên bàn thờ người dân tự làm. Mỗi gia đình đều tự làm mâm cỗ để đến dâng trong nhà thờ.

    "Ngoài thể hiện sự tài hoa, tâm huyết của người làm và lòng thành kính tổ tiên, tục bày mâm cúng, chồng cỗ tầng cao của một số dòng họ còn là một nét văn hóa riêng có, là dịp để con cháu tề tựu, gặp mặt đông đủ sau một năm đi làm ăn xa. Năm nay, do dịch Covid-19 nên con cháu về họ cũng ít hơn", ông Nguyễn Đình Tịnh chia sẻ.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?
Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3398263


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ