Độc đáo lễ hội lợn quay ở Lạng Sơn
ảnh minh họa
Xem Video: Du Lịch Lạng Sơn cảnh đẹp Suối Xanh Y Tịch - Chi Lăng - Lạng Sơn
Thịt lợn quay cúng Tiên nữ
Năm nào cũng vậy, vào đúng ngày Rằm tháng Giêng, người dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) lại tổ chức lễ hội chùa Bắc Nga. Từ sáng sớm, hàng vạn đồng bào Tày, Nùng, dao, Hoa... đã về trung tâm xã Gia Cát để tham dự lễ hội và chờ thưởng thức món lợn quay.
Chùa Bắc Nga gần núi Mẫu Sơn, nằm trên sườn đồi rộng thoải, mặt hướng ra đường quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng. Truyền thuyết kể rằng: Thủa Người và Tiên thường gặp nhau trên Trái đất, Tiên nữ thấy cảnh nhà trời cung đình nguy nga tráng lệ nhưng vô cùng tẻ nhạt, thường rủ nhau bay về nơi đây vui chơi.
Với mong muốn Tiên nữ phù hộ cho dân làng một cuộc sống bình an hạnh phúc, nhiều công thần, văn sĩ đã phát tâm bỏ tiền của xây miếu thờ Tiên, sau xây thành chùa thờ Tiên, thờ Phật gọi là chùa Bắc Nga, đặt tên chữ là “Tiên Nga Tự”.
Lễ hội Bắc Nga đặc sắc bởi những món ẩm thực độc đáo như lợn quay, khẩu shi, bánh gật gù. Đặc biệt, lễ hội Bắc Nga còn được gọi là lễ hội thịt quay nên lễ vật cúng Thánh cũng là những con lợn quay vàng rộm. Khách đến hội ai cũng phải thưởng thức món lợn quay được tẩm ướp bằng những gia vị lá cây đặc biệt của vùng đất xứ Lạng.
Thịt lợn quay nguyên con nhồi lá mắc mật từ lâu đã thành đặc sản truyền thống của người Lạng Sơn, đặc biệt những người dân các huyện Văn Quan và Cao Lộc, nơi phần đông người dân tộc thiểu số Tày - Nùng sinh sống. Tại lễ hội, hàng trăm con lợn quay được bày bán, những người đến hội mua thịt và thưởng thức ngay trên các bãi cỏ ở sườn đồi ven chợ.
mất chợ tình, sinh chợ lợn
Còn tại chợ Ba Xã (Văn Quan) diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm khiến nhiều người không khỏi choáng ngợp. Đây là lễ hội truyền thống, được tổ chức quy mô thu hút hàng vạn người tham gia. Theo lời các cụ tại chợ Ba Xã, tiền thân là lễ hội thịt lợn quay chính là chợ tình.
Trước đây, hàng năm vào ngày 27/3 âm lịch, để chứng tỏ tình cảm của mình với đối phương, các đôi trai gái hẹn gặp nhau tại khu vực chợ Ba Xã để cùng đi ngắm chợ, thưởng thức lợn quay, sau đó lên khu đồi vừa trò chuyện tâm tình vừa thưởng thức đặc sản quê hương sau bao ngày xa cách.
Người dân trong làng thấy có nhiều người tập trung nên bắt lợn để quay bán. Trải qua thời gian, chợ tình ít người nhắc tới và dần trở thành lễ hội lợn quay như ngày nay.
Chủ một lò lợn quay cho biết: “Hàng năm đúng ngày 27/3 âm lịch, người dân lại tất bật quay lợn mang ra chợ bán. Theo thời gian, lượng lợn quay được bày bán ngày càng tăng, có năm lên tới 300 con, bán từ đầu đến cuối chợ”.
Từ chạng vạng hôm trước lễ hội, trên bãi cỏ những con lợn da trắng hồng, chân ngắn đều được mổ bỏ hết lòng ruột đặt thành dãy. Những người chuyên quay lợn ở đây khẳng định rằng, lợn phải chọn những con có lông mượt, dày và dài, có trọng lượng từ 25 – 40kg.
Chọn được lợn rồi là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu tẩm ướp chính gồm lá mắc mật tươi, quả mắc mật, đậu phụ nhự và tàu choong. Đây là một loại tương đậu nành làm theo công thức của người Tày. Ngay cả mật ong để đánh màu cũng phải là loại tốt, nếu không con lợn không thể lên màu đều và đẹp.
Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con, có màu vàng rộm. Khi ăn sẽ cảm thấy được vị ngọt của thịt, giòn của da lợn, đặc biệt là mùi thơm không thể lẫn vào đâu được của quả và lá mắc mật.
Tạo màu cho lợn quay là một trong những bước quan trọng nhất tạo nên độ bắt mắt cho món lợn quay. Để da của lợn quay nổi rộp, người thợ dùng một cây kim dài, vừa quay vừa châm vào da, đồng thời phết mật ong và quay đều tay cho đến khi da lợn xuất hiện màu nâu cánh gián.
Thịt lợn quay Lạng Sơn không chỉ là món đặc sản của riêng nơi đây. Món ăn này ngày càng nhiều người biết đến và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, được nhiều người yêu thích và nhớ đến như một nét đẹp gắn với phong tục tập quán của người dân xứ Lạng. Dù đi đâu, khi đặt chân đến Lạng Sơn, thịt lợn quay là món ăn du khách không thể bỏ qua.
Vì thế ở Lạng Sơn ngày nay, bất kỳ lễ hội nào cũng xuất hiện những quầy thịt lợn quay bắt mắt, thơm lừng. Tuy nhiên, để thưởng thức thịt lợn quay theo đúng bản sắc văn hóa thì lễ hội chùa Bắc Nga và lễ hội Ba Xã hội tụ đủ những tinh hoa ẩm thực của lợn quay mắc mật.
Lễ hội chùa Bắc Nga không chỉ là lễ hội riêng của bà con dân tộc thiểu số địa phương mà còn là nét văn hóa xứ Lạng. Rất nhiều du khách từ khắp các nơi về dự và thưởng thức món thịt lợn quay. Bởi vì ẩm thực lợn quay gắn liền với huyền tích Tiên nữ giáng trần nên đa số du khách đều đánh giá là có mùi vị thơm ngon hơn các nơi khác - Ông Đặng Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Cát (Cao Lộc).
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2733323