Doanh nghiệp Mỹ tìm cách ứng phó với đòn thuế của ông Trump
Trung tâm Công lý Tự do (LJC) đại diện cho 5 doanh nghiệp Mỹ là các nhà xuất nhập khẩu, phân phối rượu, đồ điện tử, đồ câu cá, ống nhựa, hàng may mặc ngày 14/4 đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, cho rằng chính sách thuế với các đối tác thương mại của ông vượt thẩm quyền.
"Không cá nhân nào nên được trao quyền áp thuế dẫn đến những hậu quả kinh tế toàn cầu sâu rộng như vậy", Jeffrey Schwab, cố vấn cấp cao của LJC, cho biết trong tuyên bố. "Hiến pháp Mỹ trao quyền thiết lập mức thuế, gồm cả thuế quan thương mại, cho quốc hội, không phải tổng thống".
Tổng thống Trump ngày 2/4 công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 đối tác thương mại. Theo đó, khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu mức thuế đối ứng cao hơn nhiều lần áp dụng từ 9/4.
Dù Tổng thống Mỹ đã hoãn thi hành thuế đối ứng với phần lớn đối tác, ngoại trừ Trung Quốc, trong 90 ngày để đàm phán, đòn thuế mới của ông Trump đã gây chấn động toàn cầu, khiến thị trường chao đảo và châm ngòi phản ứng dữ dội, kể cả trong giới kinh doanh Mỹ.
Simplified, một công ty nhỏ ở Florida sử dụng vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, gần đây cũng nộp đơn kiện thuế quan của ông Trump. Đại diện cho nguyên đơn là Liên minh Tự do Dân sự mới, nhóm vận động pháp lý do giáo sư luật Philip Hamburger của Đại học Columbia thành lập.
Neil Bradley, giám đốc chính sách của nhóm vận động hành lang Phòng Thương mại Mỹ, cho biết mức thuế đối ứng mà ông Trump công bố nếu được thực hiện sẽ gây ra "hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng".
Nhiều nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Phòng Thương mại Mỹ cùng với Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng và các nhóm khác đã thảo luận về vụ kiện tiềm năng chống lại đòn thuế của ông Trump. Họ được cho là sẽ cáo buộc Tổng thống áp dụng không đúng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp để áp đặt chính sách thuế quan mới.
"Các luật sư dường như đồng thuận rằng điều này là bất hợp pháp. Sẽ có những vụ kiện được tiến hành và quốc hội sẽ buộc phải hành động", Gary Shapiro, giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng, nói, song không cho biết liệu nhóm này có tham gia kiện hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu tại Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters
Giới quan sát cho biết chưa có tổng thống Mỹ nào thực thi quyền lực đơn phương như vậy đối với dòng chảy thương mại quốc tế.
Hiến pháp Mỹ ban đầu quy định quốc hội chịu trách nhiệm về chính sách thuế, gồm cả thuế quan, và kiểm soát ngoại thương. Bắt đầu từ những năm 1930, quốc hội bắt đầu chuyển một số quyền lực trong vấn đề này cho Nhà Trắng, khi thông qua những đạo luật cho phép tổng thống áp thuế quan để đối phó các hành vi vi phạm hiệp ước thương mại, rào cản thương mại bất công và những tình huống khẩn cấp khác.
Tuy nhiên, ông Trump đang áp thuế dựa vào Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp, được ban hành năm 1977 và không đề cập cụ thể đến thuế quan. Đạo luật này trao cho tổng thống quyền hạn khẩn cấp để kiểm soát ngoại thương nhằm đối phó các mối đe dọa "bất thường và phi thường" đối với an ninh quốc gia hoặc nền kinh tế.
Các tổng thống Mỹ đã viện dẫn đạo luật này hàng chục lần, thường là để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc đóng băng tài sản của những phần tử khủng bố nước ngoài hay các thành phần tội phạm khác. Ông Trump cũng từng dùng đạo luật này để trừng phạt công ty dầu mỏ của Venezuela.
Tuy nhiên, ông Trump là người đầu tiên dùng đạo luật này để áp thuế với các đối tác. Ông đã tuyên bố áp thuế cao hơn với mục tiêu chống buôn bán fentanyl, nhập cư bất hợp pháp và mất cân bằng thương mại.
Về lý thuyết, bất kỳ công ty Mỹ nào nhập khẩu và phân phối hàng hóa do nước ngoài sản xuất chịu thiệt hại tài chính do mức thuế cao hơn đều có thể khởi kiện chính phủ.
Tuy nhiên, động thái này cũng đi kèm với rủi ro. Các cố vấn của ông Trump cảnh báo rằng việc doanh nghiệp công khai đứng ra kiện Tổng thống chỉ khiến ông quyết tâm hơn với chiến lược thuế quan gây tranh cãi. Họ thêm rằng các vụ kiện có thể vấp phản ứng gay gắt hơn và khiến doanh nghiệp chịu nhiều rắc rối hơn.
Các đơn kiện gần đây của doanh nghiệp Mỹ đều nói rằng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp không trao quyền cho tổng thống về thuế quan, thêm rằng lời giải thích áp thuế cao hơn với Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng buôn bán fentanyl là không hợp lý.
Một vụ kiện chống lại thuế quan mới cũng có thể lập luận rằng tình trạng mất cân bằng thương mại lâu nay mà ông Trump trích dẫn không đủ để được xem là mối đe dọa "bất thường" mà đạo luật yêu cầu.
Trong khi đó, những người ủng hộ hành động pháp lý để thách thức thuế quan nghĩ rằng họ cần sớm đệ đơn kiện, để có thể yêu cầu lệnh hoãn thực thi tạm thời và lập luận rằng doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại không thể bù đắp vì thuế quan.
Tuy nhiên, các tổ chức thương mại đại diện cho hàng nghìn công ty ở Washington đang chia rẽ và phải đối mặt với Tổng thống Trump với lập trường quyết liệt ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ.
Trong nhiều tuần trước khi ông Trump công bố thuế quan, các công ty đã tìm cách thuyết phục quan chức chính quyền thu hẹp danh sách áp thuế, nhưng phần lớn thất bại. Ông Trump sau đó đã tuyên bố áp thuế với gần như tất cả đối tác thương mại của Mỹ, kể cả các đồng minh thân cận nhất.
Một lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ giấu tên cho hay cách tiếp cận tốt nhất là thảo luận riêng với ông Trump và nhóm cố vấn, lập luận rằng chính sách thuế có thể làm tổn hại nhóm cử tri cốt lõi của ông khi giá cả trong nước leo thang.
"Đó sẽ là cuộc vận động hành lang nhắm tới các cố vấn chính sách của ông ấy, gồm cả Scott", một lãnh đạo doanh nghiệp nói, đề cập tới Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang California, Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP
Ông Trump cho hay một trong những mục tiêu của chiến lược áp thuế là đưa sản xuất trở về Mỹ nhằm "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Tuy nhiên, Bob Iger, giám đốc điều hành Disney, bày tỏ lo ngại rằng sẽ không dễ để các công ty Mỹ có thể chuyển dây chuyền sản xuất về nước, vì sẽ mất lực lượng lao động cùng các chuyên gia nước ngoài có tay nghề. Iger dẫn ví dụ về các cơ sở Foxconn của Apple tại Trung Quốc, nơi công ty sản xuất phần lớn các thiết bị của họ.
Iger cũng cảnh báo Disney cũng chịu ảnh hưởng, vì giá thép tăng do thuế sẽ khiến chi phí đóng tàu du lịch của công ty cao hơn.
Bất chấp những lo ngại, ông Trump cho hay chính sách thuế quan mới là cần thiết để "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", song để ngỏ cánh cửa đàm phán với các đối tác.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett ngày 14/4 cho hay chính quyền ông Trump đã gần đạt được thỏa thuận thương mại với hơn 10 nước, nhưng chỉ công bố khi "Tổng thống hài lòng với chúng".
Các quan chức Nhà Trắng sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đàm phán hơn 90 thỏa thuận thương mại với các đối tác trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, nhiều người dân và doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bày tỏ nỗi lo về tác động tiêu cực nếu các cuộc đàm phán không thành công.
"Cử tri muốn biết thời gian thực hiện, khi nào các cuộc đàm phán được tiến hành và chúng tôi có kế hoạch như thế nào, bởi họ đang phải vật lộn với công việc kinh doanh của mình", thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford nói.

Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-my-tim-cach-ung-pho-voi-don-thue-cua-ong-trump-4871593.html