''Di sản'' cuối cùng của Donald Trump
Trong nhiều tuần lễ, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh 6/1 sẽ là ngày định đoạt. Ông Trump kêu gọi người biểu tình đổ tới thủ đô Washington D.C., gây sức ép lên quốc hội và Phó tổng thống Mike Pence để lật ngược kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020 và giữ lại nhiệm kỳ tổng thống cho bản thân.
Sáng 6/1, trước Nhà Trắng, ông Trump cổ vũ hàng nghìn người ủng hộ, kêu gọi họ "hành quân" tới Điện Capitol - trụ sở quốc hội - để tiếp tục cuộc chiến chống lại điều mà ông cáo buộc là cuộc bầu cử "bị đánh cắp".
"Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng, không bao giờ chịu thua. Đất nước đã chịu đựng quá đủ. Chúng ta sẽ không chấp nhận thêm nữa", ông Trump nói.
Đám đông người ủng hộ Tổng thống Trump sau đó đã tuần hành từ Nhà Trắng tới bên ngoài Điện Capitol. 6/1 trở thành ngày có lẽ người dân Mỹ không bao giờ quên, khi người biểu tình, dưới sự kích động của đương kim tổng thống, tấn công trụ sở quốc hội.
Cuộc biểu tình tại Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: AP. |
Nội các bàn khả năng phế truất tổng thống
"6/1 sẽ trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây là lời cảnh báo cuối cùng cho đất nước về hậu quả khi có một tổng thống khó lường, cho những người đã tiếp tay cho ông, cho các hãng truyền thông đăng tải những lời sai trái của ông ta, và cho những người đã theo chân ông ta đưa nước Mỹ tới bờ vực", lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer chỉ trích Tổng thống Trump.
Công kích từ một quan chức Dân chủ nhắm vào ông Trump được hưởng ứng bởi vô số chỉ trích từ chính các đảng viên Cộng hòa.
"Chúng ta vừa có một đám đông tấn công vào Điện Capitol nhằm ngăn chặn các nghị sĩ thực hiện nghĩa vụ theo hiến pháp. Không nghi ngờ gì nữa, tổng thống đã triệu tập họ, kích động họ, chỉ đạo họ", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Lynne Cheney nói.
Những chính trị gia từng lớn tiếng ủng hộ ông Trump cũng quay lưng với đương kim tổng thống. Thượng nghị sĩ Tom Cotton thẳng thừng chỉ trích ông Trump, điều chính trị gia đại diện tiểu bang Arkansas chưa từng làm trước đây.
"Đã đến lúc tổng thống chấp nhận kết quả bầu cử, chấm dứt khiến người dân Mỹ hiểu nhầm, và lên án hành vi bạo lực của đám đông", ông Cotton nói.
Ngay cả Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, một trong những đồng minh trung thành nhất của ông Trump, cũng tuyên bố phản đối lật ngược kết quả bầu cử, và kỷ nguyên Trump đã chấm dứt.
"Đủ rồi, mọi chuyện đã chấm hết", Thượng nghị sĩ Graham phát biểu trước Thượng viện hôm 6/1.
Ít nhất 3 trợ lý tại Nhà Trắng là Stepanie Grisham, Sarah Matthews và Rickie Niceta đã nộp đơn từ chức. Có thể sẽ có thêm nhiều đơn từ chức khác được nộp tới bàn làm việc của ông Trump.
CBS đưa tin các quan chức trong nội các của ông Trump đang thảo luận khả năng sử dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ để phế truất tổng thống
Theo đó, các nghị sĩ và quan chức nội các có thể kết luận ông Trump không còn phù hợp để đảm đương chức vụ tổng thống, cần phải bị thay thế.
Các quan chức lo ngại đất nước không thể trụ thêm hai tuần, với ông Trump vẫn nắm quyền và có thể hành động liều lĩnh, gây thêm hỗn loạn, nguy hiểm.
Di sản của Donald Trump?
Dù có bị phế truất hay không, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ kết thúc trong 2 tuần nữa, chấm dứt 4 năm đầy biến động.
Sau ngày 20/1, khi nhắc tới Donald Trump, người ta sẽ nhớ những gì về thành tựu của vị tổng thống từng là kẻ ngoại đạo nhưng đã đánh bại tất cả đối thủ sừng sỏ từ cả hai đảng Dân chủ - Cộng hòa để bước vào trung tâm quyền lực của nước Mỹ?
Với những người ủng hộ, di sản lớn nhất của Tổng thống Trump là đánh thức lưỡng đảng cũng như toàn bộ đất nước trước mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức quyền lực của Mỹ. Cứng rắn với Bắc Kinh là một trong số ít chính sách có được sự nhất trí của lưỡng đảng Cộng hòa - Dân chủ, và sẽ được chính quyền kế nhiệm của ông Biden tiếp nối.
Những con số không nói dối. Nhiệm kỳ Tổng thống Trump chứng kiến một nền kinh tế Mỹ bùng nổ trong 36 tháng đầu tiên, thị trường chứng khoán tăng cao kỷ lục, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới 4%, thấp nhất trong hàng chục năm.
Tổng thống Trump cùng lãnh đạo Israel, UAE và Bahrain trong lễ ký thỏa thuận hòa bình lịch sử. Ảnh: AFP. |
Ông Trump tiến gần tới mục tiêu kiến tạo hòa bình giữa Nhà nước Do Thái và thế giới Arab, bằng việc giúp Israel bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain, Morocco và Sudan.
Ông Trump cũng quyết liệt thực hiện lời hứa từng bước rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, xóa sổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban.
Nhưng, khi ngay cả những người từng trung thành nhất cũng đã quay lưng, chỉ trích từ mọi phía dồn dập ập đến, sẽ không còn nhiều người nhớ về những thành tựu đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Trump.
Di sản của Tổng thống Trump giờ đã bị chôn vùi sau một năm thất bại đối phó với đại dịch Covid-19, bị đẩy lên cao trào trong mùa hè nóng bỏng với tình trạng bất ổn dân sự vì vấn đề bạo lực chủng tộc, đạt tới đỉnh điểm sau cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ, và kết thúc bằng vụ tấn công trụ sở quốc hội.
Dù còn chưa rời nhiệm sở, ông Trump được nhiều tờ báo lớn của Mỹ miêu tả là một tổng thống gây chia rẽ sắc tộc thay vì đoàn kết nhân dân, với những hành động và phát ngôn làm lung lay tận gốc rễ các nguyên tắc dân chủ và thượng tôn pháp luật đã kiến tạo nên 300 năm lịch sử nước Mỹ.
Sau ngày 20/1
Vào thời điểm ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, các lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ bước vào một thời kỳ khó khăn mới. Ông Trump ra đi để lại đảng Cộng hòa ở phe thiểu số tại Hạ viện, đồng thời mất Nhà Trắng cũng như quyền kiểm soát Thượng viện.
Đảng Cộng hòa đồng thời có một cựu tổng thống tai tiếng sau 4 năm đầy tranh cãi, kết thúc bằng vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội, nhưng mặt khác vẫn có sức ành hưởng to lớn đối với bộ phận không nhỏ cử tri bảo thủ.
Không ít đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho Tổng thống Trump bởi tình thế ngặt nghèo của đảng này hiện nay. Việc đảng Dân chủ thắng cả 2 ghế thượng nghị sĩ ở Georgia, qua đó giành quyền kiểm soát Thượng viện, có một phần trách nhiệm của ông Trump, khi tổng thống liên tục tung ra cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ, đồng thời chỉ trích các quan chức Cộng hòa tiểu bang.
Tổng thống Trump dự lễ bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Ảnh: AP. |
"Chiếc gậy" duy nhất phe Cộng hòa còn có thể trông cậy là thế đa số tại Tòa án Tối cao, với 6/9 thẩm phán thuộc phe bảo thủ, trong đó 3 người do chính ông Trump bổ nhiệm.
Những diễn biến trong ngày 7/1 có thể đóng vai trò quyết định cho cuộc chiến định hướng lối đi của đảng Cộng hòa trong tương lai, khi các lãnh đạo đảng tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của ông Trump và người ủng hộ.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, hay Thượng nghị sĩ bang Utah Mitt Romney, sẽ đóng vai trò lãnh đạo của đảng trong quá trình chuyển giao.
Hai chính trị gia kỳ cựu này sẽ bị thách thức bởi những người có xu hướng dân túy giống với Tổng thống Trump như Thượng nghị sĩ Missouri Josh Hawley, người đầu tiên tuyên bố phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở Thượng viện.
"Mọi cuộc khủng hoảng đều có thể mang lại cơ hội chính trị, và nhiều chính trị gia sẽ không ngần ngại tận dụng để giành lợi thế", BBC bình luận.
Về phần mình, ông Trump lúc này vẫn đang là tổng thống của nước Mỹ. Sau những ngày đầy hỗn loạn, ông Trump chỉ có thể ở lại bên trong Nhà Trắng, "nhấm nháp" thời gian tại vị ít ỏi còn lại với tư cách "tổng thống vịt què", ít nhất cho tới ngày 20/1.
"Và một khi đã rời Nhà Trắng trở về Mar-a-Lago ở Florida, ông Trump có thể bắt đầu lên kế hoạch cho những dự định tiếp theo, rất có thể, ông sẽ trở lại cuộc đua và một lần nữa nắm quyền, xây dựng lại di sản Trump mới, thay cho một di sản mà nay đã nằm dưới đống đổ nát", BBC bình luận.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/di-san-cuoi-cung-cua-tong-thong-trump-post1171098.html