“Deadpool”, “Logan” và những bộ phim anh hùng không dành cho trẻ em bởi bạo lực và đen tối
01:00' 28-09-2019
“Deadpool”, “Logan” hay “Joker” tới đây là những tác phẩm điện ảnh mang đề tài siêu anh hùng nhưng không dành cho trẻ em bởi mức độ bạo lực, đen tối.
Darkman (1990): Trước khi được cả thế giới nhìn nhận như một ngôi sao hành động với loạt Taken, tài tử Liam Nesson thực tế từng có lần vào vai siêu anh hùng. Đó là Peyton Westlake - vị khoa học gia xuất sắc trở về từ cõi chết và tìm cách trả thù bọn cướp đã thiêu sống mình. Tuy không sở hữu siêu năng lực, nhưng Peyton có thể sử dụng gương mặt giả để trà trộn vào hang ổ kẻ thù, gây hoang mang cho chúng. Hạn chế nằm ở chỗ đám mặt nạ chỉ có thời gian tồn tại ngắn ngủi. Bộ phim bạo lực cũng chính là tác phẩm giúp đạo diễn Sam Raimi củng cố danh tiếng trước khi thực hiện loạt Spider-Man sau này. |
The Crow (1994): Đây là tác phẩm siêu anh hùng đen tối được nhiều người nhớ tới bởi tai nạn trường quay khiến Brandon Lee - con trai duy nhất của Lý Tiểu Long - qua đời vì tai nạn liên quan tới súng đạo cụ. The Crow mang đậm bầu không khí gothic với phần âm nhạc não nề, nội dung u ám. Nhân vật do Lee thủ vai trở về từ cõi chết để báo thù những kẻ đã giết hại vị hôn thê của mình. Nhiều năm qua, Hollywood ấp ủ kế hoạch remake bộ phim, nhưng các đạo diễn, tài tử cứ thế đến rồi đi. Công chúng đến giờ vẫn chưa biết lúc nào The Crow phiên bản mới mới có thể ra đời. |
Blade (1998): Nhân vật thợ săn ma cà rồng là vai diễn để đời của nam diễn viên Wesley Snipes. Dẫu mang trong mình một nửa dòng máu ma cà rồng, siêu anh hùng Blade vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp thợ săn, quyết truy diệt những con quỷ khát máu người và bảo vệ nhân loại. Blade bị gắn nhãn R vì rất nhiều cảnh máu me, bạo lực. Nhưng nhờ vậy, khán giả được thưởng thức những pha chiến đấu mãn nhãn, gay cấn. Sự thành công của tác phẩm tại phòng vé đã “bật đèn xanh” cho hai tác phẩm hậu truyện. Song, tới đây, MCU sẽ làm mới Blade với ngôi sao Mahershala Ali. |
V for Vendetta (2005): Tác phẩm dựa trên loạt truyện tranh cùng tên xoay quanh thế giới giả tưởng nơi nhân loại bị cai trị bởi chính phủ thần quyền tàn bạo. V là nạn nhân của một chương trình thí nghiệm vũ khí sinh học từ nhiều năm trước. Gã lập nên kế hoạch tinh vi nhằm trả đũa những kẻ đứng đầu, đồng thời thúc đẩy tinh thần đấu tranh của người dân. V for Vendetta mang nặng màu sắc chính trị và bạo lực, nhưng sở hữu sức lan tỏa lớn lao, tới nỗi nhóm hacker nổi tiếng Anonymous chọn mặt nạ Guy Fawkes giống nhân vật V trên phim làm biểu tượng. |
Watchmen (2009): Dựa trên cuốn tiểu thuyết truyện tranh cùng tên của Alan Moore và Dave Gibbons, Watchmen ra đời năm 2009 và được đánh giá cao không chỉ bởi cốt truyện có chiều sâu, mà còn nhờ hiệu ứng thị giác, âm thanh ấn tượng. Xây dựng một thế giới giả tưởng, dùng câu chuyện của các siêu anh hùng hai thế hệ, Watchmen đề cập đến nhiều vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Mỹ đầu thập niên 1980 như chiến tranh Việt Nam, cuộc đua vũ khí hạt nhân với Liên Xô, và sự suy đồi trong đời sống thành thị. |
Kick-Ass (2010): Kick-Ass là sự kết hợp giữa cuộc sống đời thường như Peter Parker trong Spider-Man, chất hiện thực của The Dark Knight và sự hài hước mỉa mai của Iron Man. Nhưng rõ ràng, tác phẩm không dành cho trẻ em bởi chứa đựng quá nhiều cảnh bạo lực, ngôn từ tục tĩu. Nhân vật chính của loạt phim - anh chàng Dave Lizewski (Aaron Taylor-Johnson) - không có năng lực gì đặc biệt, thậm chí còn kém cạnh so với bạn bè đồng trang lứa. Quá trình trở thành người hùng của Dave luôn đi kèm sự so sánh với các siêu nhân tên tuổi trong truyện tranh. |
Dredd (2012): Dredd là một sĩ quan cảnh sát trong tương lai, thời điểm mà lực lượng trị an được thay thế bởi các Judge - “Thẩm phán”. Họ được toàn quyền phán xét và tiêu diệt tội phạm ngay giữa hiện trường. Và Dredd là kẻ hung bạo nhất trong số đó, trở thành nỗi ác mộng cho lũ tội phạm. Phiên bản làm lại với Karl Urban đóng chính theo sát nguyên tác và tuân theo tinh thần “kẻ ác phải chết”, chứ không “nhẹ nhàng” như phiên bản của Sylvester Stallone hồi 1995. |
Deadpool (2016): Đầu 2016, Deadpool gây ra bất ngờ lớn và dập tắt định kiến cho rằng phim siêu anh hùng bị gắn nhãn R vì bạo lực rất khó ăn khách. Với tài năng tuyệt vời, Ryan Reynolds đã xuất sắc hóa thân thành Deadpool, giúp bộ phim thu hơn 783 triệu USD. Thành công ấy mở đường cho Deadpool 2, và phần hậu truyện tiếp tục mang về 785 triệu USD. Đến nay, tên lính đánh thuê mồm mép, ưa bạo lực chắc chắn không bị Disney “trảm” sau khi “nhà chuột” thâu tóm Fox và thương hiệu X-Men. |
Logan (2017): Sau thành công của Deadpool, Logan là bước đệm tiếp theo cho kỷ nguyên siêu anh hùng bị gắn nhãn R. Trong lần cuối nhập vai Wolverine của Hugh Jackman, anh cùng đạo diễn James Mangold mang lại cảm xúc nghẹn ngào cho khán giả. Xuất hiện với hình ảnh một chiến binh đã già cỗi và mệt mỏi sau vô số cuộc phiêu lưu điên rồ, Logan thêm một lần nữa đứng trước nhiệm vụ bất khả thi: bảo vệ người thầy Charles Xavier đã nhiều phần nghễnh ngãng và đưa một cô bé dị nhân có nguồn gốc bí ẩn tới vùng đất hứa huyền thoại. Bên cạnh phần nội dung cảm động, Logan còn mang tới nhiều cảnh hành động bạo lực, máu me không dành cho khán giả yếu tim. |
Joker (2019): Không phải là một siêu anh hùng, nhưng Joker lại là nhân vật phản diện được yêu thích bậc nhất trong toàn bộ thế giới truyện tranh cũng như phim ảnh chuyển thể. Sau nhiều lần làm kép phụ trong các bộ phim về Người Dơi, gã rốt cuộc có “sân khấu” riêng để tung hoành. Trong tác phẩm mang đậm nét tâm lý Joker của đạo diễn Todd Phillips, Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) mơ ước trở thành danh hài độc thoại, nhưng số phận lại biến gã thành tên tội phạm nguy hiểm nhất Gotham. Tại Liên hoan phim Venice mới đây, tác phẩm đã giành giải cao nhất là Sư tử vàng. |
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/loat-phim-sieu-anh-hung-noi-tieng-bi-gan-nhan-17-post994589.html