Đề xuất ngừng bắn tại Gaza của Tổng thống Biden

04:00' 07-06-2024
Đề xuất ngừng bắn ở Gaza do ông Biden công bố gây nhiều hoài nghi về giải quyết vấn đề cốt lõi của xung đột, song có thể mang tới tác động tích cực.


    Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 thông báo Israel đã đưa ra "một đề xuất mới mang tính toàn diện để hướng tới lệnh ngừng bắn lâu dài cùng việc trả tự do cho toàn bộ con tin" ở Dải Gaza. Đề xuất có ba giai đoạn, giai đoạn một sẽ kéo dài trong 6 tuần, bao gồm lệnh ngừng bắn hoàn toàn và việc quân đội Israel rút khỏi tất cả các khu vực có dân cư ở Gaza.

    Trong giai đoạn này, một số con tin bị Hamas giữ, gồm người già và phụ nữ, sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine ở Israel. Người dân Gaza sơ tán sẽ được trở về nhà và Israel sẽ cho phép 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào dải đất mỗi ngày.

    Lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn trong quá trình Tel Aviv và Hamas đàm phán về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận, bước tiến mới so với các đề xuất trước đó. Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ đảm bảo quá trình đối thoại vẫn tiếp diễn cho tới khi các bên hoàn toàn nhất trí về việc chuyến sang giai đoạn hai, theo ông Biden.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 31/5. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Mỹ

    Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 31/5. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Mỹ

    Trong giai đoạn thứ hai, Israel và Hamas sẽ "chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch". Mọi con tin còn sống ở Dải Gaza sẽ được trả tự do, bao gồm các binh sĩ nam, và quân đội Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ.

    Ở giai đoạn thứ ba, các bên sẽ khởi động kế hoạch tái thiết quy mô lớn tại Dải Gaza, trong đó các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ đảm bảo Hamas không thể tái vũ trang. Những hài cốt còn lại của các con tin thiệt mạng tại dải đất sẽ được trả về cho gia đình.

    Đề xuất, nếu được chấp thuận, sẽ "đảm bảo an ninh cho Israel, mang đến một ngày mới tốt đẹp hơn cho Gaza khi Hamas không còn nắm quyền, đồng thời tạo tiền đề cho một giải pháp chính trị" với cả Israel và Palestine, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

    Hamas cho biết sẵn sàng tham gia "theo cách tích cực và mang tính xây dựng" với mọi đề xuất giúp dẫn tới lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.

    Dù vậy, đề xuất do ông Biden công bố lại làm dấy lên nhiều hoài nghi trong dư luận và truyền thông Israel, khi một số câu hỏi lớn về bản chất xung đột vẫn chưa được giải quyết.

    Trong bài phát biểu, ông Biden gọi đây là "đề xuất mới". Câu hỏi mà truyền thông Israel đặt ra là nội các chiến tranh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chấp thuận đề xuất này khi nào và liệu nội dung ông Biden công bố có hoàn toàn là những gì Tel Aviv mong muốn hay không.

    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự hội nghị của đảng Likud hôm 20/5. Ảnh: ToI

    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự hội nghị của đảng Likud hôm 20/5. Ảnh: ToI

    Theo Channel 13, Thủ tướng Netanyahu hôm 23/5 đã cho phép đội ngũ đàm phán thảo luận về "lệnh ngừng bắn lâu dài" trong các cuộc đối thoại gián tiếp với Hamas. Kênh này cũng cho biết bài phát biểu của ông Biden đã phần nào "tiết lộ" đề xuất được nội các Israel chấp thuận vài ngày trước, song không đề cập cụ thể nội dung kế hoạch ngừng bắn của phía Tel Aviv.

    Trong khi đó, Kan cho biết trong cuộc họp hôm 26/5, nội các chiến tranh Israel đã mâu thuẫn gay gắt trước đề xuất của Hamas về việc Israel phải chấm dứt chiến dịch để đổi lấy sự tự do của các con tin. Đây cũng là điều khoản trong đề xuất được Tổng thống Mỹ công bố.

    Một số bộ trưởng tin rằng hai bên vẫn có thể đàm phán thêm về vấn đề này, trong khi ông Netanyahu coi việc chấp thuận đề xuất trên không khác gì hành động đầu hàng nhóm vũ trang.

    Trong tuyên bố ngày 3/6, ông Netanyahu nói rằng vẫn có những "khoảng trống" giữa đề xuất ngừng bắn mà chính phủ Israel phê chuẩn với phiên bản được Tổng thống Biden công bố, thêm rằng cách Mỹ mô tả về thỏa thuận này là "chưa toàn diện".

    "Cuộc chiến sẽ dừng lại để đưa con tin trở về, sau đó chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc thảo luận. Có nhiều chi tiết khác trong đề xuất mà Tổng thống Mỹ chưa nêu ra", Thủ tướng Israel nói.

    Tuần trước, các quan chức phương Tây đã khuyên Israel nên thăm dò phản ứng của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar bằng cách đưa ra đề xuất bao gồm việc áp đặt lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza, tái thiết dải đất, thiết lập cơ chế quản lý không có sự tham gia của Hamas, cũng như buộc các lãnh đạo của nhóm vũ trang phải sống lưu vong, theo Channel 12.

    Người dân Israel trưng biểu ngữ kêu gọi đưa con tin tại Gaza về nhà bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Israel hồi tháng 3. Ảnh: ToI

    Người dân Israel trưng biểu ngữ kêu gọi đưa con tin tại Gaza về nhà bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Israel hồi tháng 3. Ảnh: ToI

    Một quan chức cấp cao Mỹ đã tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp khi được hỏi về sự vênh nhau giữa đề xuất của ông Biden với kế hoạch mà chính phủ Israel đưa ra. "Tôi tin rằng thỏa thuận sẽ được định hình bởi cả Hamas và Israel, song chúng tôi biết thỏa thuận này sẽ có những gì và kỳ vọng của các bên như thế nào", người này nói.

    Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu ông Biden có phối hợp với ông Netanyahu khi công bố đề xuất ngừng bắn hay không.

    Truyền thông Israel đưa ra nhiều thông tin khác nhau về vấn đề này. Channel 12 cho biết Nhà Trắng đã thông báo cho Văn phòng Thủ tướng Israel (PMO) và đại sứ Israel tại Mỹ Mike Herzog một số chi tiết về nội dung bài phát biểu khoảng 2 đến 3 giờ trước khi ông Biden đọc.

    Trong khi đó, Channel 13 tiết lộ một số thành viên PMO đã hết sức tức giận vì Israel không được cập nhật đầy đủ tình hình. Một nguồn tin Israel nói với Times of Israel rằng bài phát biểu của ông Biden đã khiến ông Netanyahu "bất ngờ".

    Vấn đề lớn khác là Tổng thống Mỹ đã không giải thích rõ ràng một số chi tiết quan trọng trong đề xuất được công bố. Ông Biden cho biết giai đoạn một kéo dài 6 tuần của thỏa thuận sẽ bao gồm lệnh ngừng bắn "đầy đủ", nhưng không đề cập điều đó có nghĩa cụ thể là gì.

    "Liệu lệnh ngừng bắn có bị phá vỡ nếu một quả rocket được phóng vào thành phố Sderot? Nếu nó do nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) bắn chứ không phải Hamas thì sao? Israel có được phép trả đũa không?", cây viết Lazer Berman của Times of Israel đặt câu hỏi.

    Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cho biết Israel sẽ rút quân khỏi "tất cả các khu vực có dân cư" tại Dải Gaza trong giai đoạn một của thỏa thuận. Tuy nhiên, ông không nói rõ đó là những vùng nào và có bao gồm các địa điểm quan trọng như Hàng lang Netzarim, tuyến đường chia cắt dải đất thành hai nửa, cũng như Hành lang Philadelphi trải dọc toàn biên giới Gaza - Ai Cập mà quân đội Israel vừa kiểm soát hay không.

    Quân đội Israel tại Dải Gaza trong bức ảnh đăng ngày 27/5. Ảnh: IDF

    Quân đội Israel tại Dải Gaza trong bức ảnh đăng ngày 27/5. Ảnh: IDF

    Tổng thống Mỹ cũng cam kết rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi vùng lãnh thổ trong giai đoạn hai của thỏa thuận. Trong khi đó, Tel Aviv đang thiết lập vùng đệm dọc biên giới ở bên trong Dải Gaza, đồng thời xây dựng hạ tầng mới để đảm bảo hiện diện an ninh lâu dài của Israel tại đây. "Liệu Tel Aviv có từ bỏ những thứ đó không?", Berman nêu nghi vấn.

    Đề xuất do ông Biden công bố nhấn mạnh chỉ dân thường mới được phép quay trở lại miền bắc Gaza. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không cho biết ai sẽ đảm bảo điều này một khi quân đội Israel đã rút hết khỏi dải đất và lực lượng Hamas hoàn toàn có thể tận dụng điều này để tái kiểm soát vùng lãnh thổ, theo Berman.

    Do lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn chừng nào các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc, Hamas có thể sẽ cố tình câu giờ bằng cách trì hoãn, đưa ra những câu trả lời mập mờ hoặc giả vờ yêu cầu Israel giải thích thêm, qua đó tiếp tục kéo dài lệnh ngừng bắn mà không phải trả tự do cho các con tin, vốn là "lá bài tẩy" của nhóm, Berman nhận định.

    Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng không đề cập cụ thể bao nhiêu con tin sẽ được thả trong giai đoạn đầu của thỏa thuận và theo lịch trình ra sao. Trong đề xuất cách đây một tháng, Hamas chấp thuận trả tự do cho 33 con tin trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, thay vì 40 người như Israel mong muốn. Nhóm vũ trang cũng yêu cầu phóng thích những tù nhân bị Israel bắt lại sau khi đã được thả theo thỏa thuận trao đổi hồi năm 2011.

    "Điều đó có thể sẽ giúp Hamas tăng cường sức mạnh và làm suy yếu Chính quyền Palestine, vốn được ông Biden kỳ vọng sẽ sớm là thực thể quản lý Gaza và nhà nước Palestine", Bermin cho hay.

    Theo cây viết này, phần gây hoài nghi nhất trong đề xuất của ông Biden là dự đoán về "ngày mới tốt đẹp hơn" cho người dân ở Dải Gaza sau khi Hamas không còn nắm quyền.

    Bermin không cho rằng việc trao cho các nước Arab và cộng đồng quốc tế nhiệm vụ đảm bảo nhóm vũ trang không thể tái vũ trang sẽ khiến Hamas không thể lấy lại quyền lực ở Gaza, đặc biệt sau khi quân đội Israel đã rút hết khỏi dải đất theo thỏa thuận, cũng như ngăn Hamas tham gia quá trình tái thiết hậu chiến sự và có chân trong chính quyền mới ở đây.

    Quang cảnh đổ nát tại khu vực bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza sau chiến dịch của Israel hồi tháng 4. Ảnh: AFP

    Quang cảnh đổ nát tại khu vực bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza sau chiến dịch của Israel hồi tháng 4. Ảnh: AFP

    Nhóm vũ trang nhận được ủng hộ sâu rộng của người dân địa phương và từng chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2006.

    Times of Israel dẫn lời quan chức giấu tên của Tel Aviv cho biết nước này sẽ "phá hủy năng lực quân sự, dân sự, giải thoát tất cả các con tin và đảm bảo Gaza không còn là mối đe dọa với Israel" trước khi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn theo đề xuất của Tel Aviv có hiệu lực.

    "Thế nhưng, Hamas còn lâu mới bị loại khỏi cuộc chiến và Israel sẽ không thể đạt được bước tiến đáng kể theo hướng nước này mong muốn trong thời gian hai bên đình chiến ở giai đoạn một của thỏa thuận", Bermin nhận định.

    Bên cạnh đó, ông Biden cũng không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào với Hamas nếu nhóm vũ trang không chấp nhận thỏa thuận. Thay vào đó, lãnh đạo Mỹ chỉ nói đây là cơ hội của Hamas "để chứng minh" mình thực sự muốn đạt được lệnh ngừng bắn.

    Điều này khó có thể giải quyết được vấn đề cốt lõi khiến hai bên lâu nay chưa đạt thêm thỏa thuận ngừng giao tranh, đó là tìm được giải pháp đáp ứng các yêu sách chính của cả Hamas lẫn Israel.

    "Đây là cuộc đối đầu một mất một còn. Hoặc Hamas bị lật đổ và Israel chiến thắng, hoặc Hamas giữ được vũ khí, giành lại Dải Gaza và Israel thất bại nặng nề. Không lời nói nào của ông Biden có thể giải quyết được bài toán trên", Bermin cho hay.

    Cũng theo cây viết này, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ đã cố tình công bố một đề xuất mập mờ, vì ông không cho rằng Hamas sẽ chấp nhận tuân thủ nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận, trả tự do cho các con tin và từ bỏ quyền lực.

    "Đưa ra đề xuất được hiểu theo nhiều nghĩa ít nhất có thể khiến Hamas đồng ý thực hiện giai đoạn đầu đầu tiên và thả nhiều con tin hơn, so với trường hợp ông Biden không thực hiện bài phát biểu nào", Bermin nêu quan điểm.

    Vị trí các đô thị ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC

    Vị trí các đô thị ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hoai-nghi-ve-de-xuat-ngung-ban-o-gaza-cua-ong-biden-4753579.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ