Để ngày mới không trở nên vô nghĩa, cần loại ngay 7 việc làm này
Khi một ngày dường như gần khép lại, chúng ta ngồi bần thần và nuối tiếc rằng dường như mình chẳng làm được gì ra hồn cả. Một ngày trôi qua vô nghĩa như thế, là bởi vì chúng ta đã sử dụng thời gian vào những việc rất sai. Bạn biết vì sao không? Thời gian nguy hiểm nhất và cũng là quan trọng nhất trong ngày chính là buổi sáng. Có người từng nói rằng, nếu bạn đánh mất 1 tiếng đồng hồ vô bổ vào buổi sáng, bạn sẽ mất cả ngày để tìm lại nó, đồng nghĩa, bạn sẽ chẳng làm được việc gì trong ngày cả.
Thế nên, hãy cùng xem 7 điều tối kỵ chúng ta thường xuyên mắc phải, để loại trừ chúng ra khỏi buổi sáng của mình nhằm hướng tới một ngày làm việc hiệu quả, năng động, ý nghĩa.
1. Lập chức chạm điện thoại ngay khi ngủ dậy
Theo một nghiên cứu của IDC năm 2020, 63% của gần 7.500 người được khảo sát cho biết họ sẽ ngay lập tức chạm vào điện thoại sau khi ngủ dậy. Con số này tăng lên 74% đối với những người trong nhóm 18-24 tuổi. Thêm nữa, 79% người được khảo sát cho biết họ sử dụng smartphone trong vòng 15 phút sau khi thức dậy. Đối với người 18-24 tuổi, con số này tăng lên 89%.
Sự thật, sau khi ngủ dậy, nhiều người thích nằm trên giường lướt điện thoại, cập nhật tin tức thay vì rời khỏi giường và làm những việc cần thiết khác. Tuy nhiên thói quen này vô cùng nguy hiểm. Nó khiến cơ thể rơi vào "chế độ hoảng loạn", tăng căng thẳng, cao huyết áp, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý cũng như sức khỏe thể chất về lâu dài.
Nhiều người ngoài cập nhật tin tức còn lên mạng xã hội, tiếp nhận luồng thông tin cả tích cực và tiêu cực. Thử hỏi, nếu ngay buổi sáng sớm, bạn đã tiếp cận với những nguồn thông tin tiêu cực, thì cả ngày đầu óc của bạn sẽ bị chi phối bởi những thông tin đó, việc nạp những nguồn tri thức khác sẽ bị ảnh hưởng.
Nó như chuyện, bạn lấp đầy chiếc bụng đói của mình bằng những miếng thịt mỡ và cả ngày hôm đó bạn không còn muốn ăn gì nữa.
Thay vào đó: hãy, để điện thoại xa nơi mình ngủ.
2. Làm việc ngay lập tức
Buổi sáng là thời điểm hoàn hảo để chăm sóc sức khỏe và lấy lại cảm hứng. Nhưng nhiều người chọn làm việc ngay khi ngủ dậy. Vì deadline đã tới gần, vì hôm nay có buổi họp với sếp... Điều này khiến bạn thấy áp lực thần kinh và mệt mỏi, thậm chí ngại luôn cả việc thức dậy.
Thay vào đó, hãy dành chút thời gian để làm những việc có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần, như chuyện tập thể dục, tắm, ăn sáng, nghe nhạc không lời hoặc đơn giản chỉ là ra vườn tưới cây và hít thở không khí.
3. Nạp đường ngay khi thức dậy
Về lâu dài, việc tiêu thụ nhiều đường không chỉ dẫn đến việc giảm năng suất, thiếu năng lượng mà còn dẫn đến tăng cân và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu: Những người giảm đường và carbohydrate trong bữa ăn sáng sẽ có xu hướng giảm các lo lắng trong ngày.
Tốt nhất, hãy kiểm soát bữa sáng bằng cách suy nghĩ từ hôm trước. Vậy là buổi sáng bạn hoàn toàn có thể chủ động về nguồn dinh dưỡng nạp vào người cũng như sức khỏe thể chất.
4. "Ngủ thêm 5 phút nữa!"
Việc bấm hoãn báo thức một hoặc hai lần (hay nhiều hơn thế nữa) tưởng có vẻ vô hại, vì nếu không sợ trễ giờ, việc ta nằm thêm chút nữa đâu có sao, thậm chí còn mang lại cảm giác "may quá, tranh thủ thêm được tí".
Tuy nhiên, theo Steven Bender - phó giáo sư ĐH Texas A&M (Mỹ), việc này có thể gây hại cho não và sức khỏe. Nguyên nhân là làm thế sẽ đảo lộn nhịp sinh học - thứ chi phối sức khỏe thể chất, tâm thần và hành vi của chúng ta.
Tự cho mình thêm 5-10 phút trên giường khi báo thức reo không mang lại cho ta giấc ngủ đủ để tái tạo năng lượng, mà còn khiến cả não và cơ thể bị rối, lẫn lộn giữa việc thức và ngủ.
Thông thường nếu dậy ngay, ta chỉ uể oải khoảng 15-30 phút, để cơ thể và tinh thần bắt đầu bắt nhịp trở lại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bệnh viện Brigham and Women's (Mỹ), nếu ta níu kéo giấc ngủ, cảm giác mệt mỏi này sẽ kéo dài từ 2-4 giờ sau khi thức dậy.
Khắc phục thói quen nguy hại bằng cách đặt đồng hồ báo thức ở những nơi xa chỗ ngủ, khiến bạn phải thức dậy, bước xuống giường, chạy tới chỗ để đồng hồ/điện thoại và tắt đi.
5. Than phiền
Có người mở mắt là than phiền về thời tiết khi nhìn thấy trời xầm xì sắp mưa, than phiền sắp hết năm chưa kịp làm gì, than vãn tắc đường, kẹt xe...
Khởi đầu một ngày mới với những điều tiêu cực như vậy thì cả ngày phía trước của bạn cũng không khá được là bao đâu.
Thế nên, thay vì tìm kiếm những điều để phàn nàn, hãy tập trung vào những điều bạn biết ơn.
Tất cả những gì bạn cần làm là chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ và viết ra những điều bạn biết ơn như một phần của thói quen buổi sáng.
Hãy biết ơn những điều nhỏ nhất thường bị bỏ qua: Biết ơn vì đã khỏe mạnh; Biết ơn vì có một mái nhà để bắt đầu đi làm và trở về khi cuối ngày; Biết ơn vì có cơm ngon, áo đẹp; Biết ơn vì được sống yên ổn, có một công việc để phấn đấu...
Khi bạn biết những điều may mắn của bản thân mình, bạn sẽ có nhiều nguồn cảm hứng và năng lượng hơn để làm việc.
6. Lên kế hoạch
Nhiều người khuyên nên lên kế hoạch trước vì đây là một trong những thói quen mà người trưởng thành nên duy trì mỗi ngày. Nhưng đừng nhầm lẫn, lên kế hoạch là đúng, nhưng thực hiện nó vào sáng sớm là sai.
Bởi vì bạn sẽ cảm thấy không muốn tiếp tục nếu như có một lịch trình quá dày đặc hoặc đầu óc trống rỗng có thể khiến bạn quên mất mình cần phải làm gì.
Thay vào đó: Bạn nên làm việc này từ tối hôm trước. Không có cảm giác nào tốt hơn là đi ngủ và biết rằng mọi thứ đã được sắp xếp đâu ra đó vào ngày hôm sau rồi.
Đặc biệt, khi lập kế hoạch, đừng quên sắp xếp những việc quan trọng vào khung giờ mà các bạn cảm thấy bản thân có nhiều năng lượng nhất, có người là vào buổi sáng, nhưng cũng có người là vào buổi tối! Mỗi người sẽ có một "đồng hồ" của riêng mình.
7. Buộc bản thân phải đưa ra quá nhiều quyết định
Bạn càng có nhiều lựa chọn ngay từ sáng sớm, não bạn càng khó quyết định, và cuối cùng, nó tìm đến lối tắt, thường theo một trong 2 cách:
- Một là trở nên liều lĩnh: Hành động một cách bốc đồng thay vì hao phí năng lượng để nghĩ về hậu quả trước mắt.
- Hai là tiết kiệm năng lượng cuối cùng: không làm gì cả. Thay vì khổ sở đau đớn thì sẽ tránh né bất kì lựa chọn nào. Né tránh quyết định thường tạo ra những vấn đề lớn hơn trong tương lai nhưng ở hiện tại, nó làm giảm áp lực tinh thần. Bạn bắt đầu kháng cự bất cứ thay đổi nào, bất cứ bước chuyển biến nào tiềm ẩn rủi ro
Thay vì rơi vào "mê cung" giữa các quyết định ngay từ buổi sáng, hãy vạch sẵn những quyết định nhỏ này trước khi đi ngủ vào buổi tối hôm trước. Đôi khi chỉ là những việc rất nhỏ, như chuẩn bị trang phục cho ngày hôm sau, ăn gì trong bữa sáng, lập lịch trình và sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên... bạn đã có một buổi sáng hoàn hảo, "nhẹ đầu".
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/7-dieu-toi-ky-khong-duoc-lam-buoi-sang-de-duoc-nhe-dau-20220912072855802.chn