Đế chế Tesla đang lung lay vì điều gì?
Tesla
Tờ CNBC đưa tin nhà sản xuất xe điện Tesla vừa bị loại khỏi chỉ số ESG của S&P500. Trong khi đó, Apple, Microsoft, Amazon và cả công ty đa quốc gia dầu khí Exxon Mobil vẫn có tên trong danh sách.
Được biết chỉ số S&P500 ESG sử dụng dữ liệu về môi trường, xã hội và quản trị để xếp hạng và đánh giá các công ty cho giới đầu tư. Tiêu chí bao gồm hàng trăm điểm dữ liệu liên quan đến cách doanh nghiệp tác động lên môi trường và đối xử với các cổ đông, khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, đối tác.
Đại diện quản lý chỉ số ESG cho biết Tesla đã "thiếu chính sách duy trì lượng carbon ở mức thấp" cũng như "quy tắc ứng xử trong kinh doanh". Ngoài ra, các bê bối xoay quanh tình trạng phân biệt chủng tộc, điều kiện làm việc tồi tệ tại nhà máy Fremont, California cũng như các cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý an toàn giao thông Quốc gia cũng ảnh hưởng tiêu cực lên điểm dữ liệu của Tesla.
"Có thể Tesla đang giúp nước Mỹ dần hạn chế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu, song nếu xét trên chỉ số ESG, công ty này lại đang tụt hậu so với các đối thủ", đại diện ESG cho biết.
Cổ phiếu Tesla tiếp tục giảm 6% trong phiên ngày hôm nay do bị loại khỏi chỉ số ESG của S&P500
Thay vì đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững như cam kết, hồi tháng 2 năm nay, Tesla bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường điều tra sau nhiều năm vi phạm Đạo luật Không khí sạch và bỏ qua việc theo dõi lượng khí thải. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế chính trị U-Mass Amherst, hồi năm ngoái, Tesla xếp thứ 22 trong top 100 công ty gây ô nhiễm, trong khi Exxon Mobil đứng thứ 26.
Trong hồ sơ quý đầu tiên của Tesla, công ty cũng tiết lộ bản thân đang bị điều tra về quá trình xử lý chất thải ở bang California, đồng thời phải nộp phạt cho giới chức Đức vì không đáp ứng đủ trách nhiệm trong việc thu hồi pin đã qua sử dụng.
Cùng lúc, Bộ Việc làm và Nhà ở California (DFEH) cũng kiện Tesla vì hành vi quấy rối và phân biệt đối xử với người da màu tại nhà máy xe hơi Fremont. Đại diện cơ quan này cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Tesla thường xuyên hạ vai trò của các công nhân da màu, giao cho họ những nhiệm vụ nguy hiểm, vắt kiệt sức lao động và thậm chí "trả đũa’’ nếu những nhân viên này phản ứng lại.
DFEH dẫn lời các công nhân da màu cho biết họ phải nghe những lời miệt thị và phỉ báng chủng tộc thường xuyên từ 50 đến 100 lần một ngày. Trong đó, các giám sát viên và quản lý nhà máy là những người tham gia "tích cực’’ hơn cả.
Những công nhân này còn bức xúc lên tiếng về loạt hình vẽ mang tính xúc phạm nghiêm trọng trên khắp các bức tường phòng vệ sinh, tủ để đồ, ghế dài, khu làm việc, bàn ăn trưa và khu nghỉ riêng cho nhân viên.
Nhà máy Tesla
"Đối với nhiều công nhân da màu và người Mỹ gốc Phi, áp lực từ tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng nhiều, nguy cơ cao dẫn đến xung đột. Sự phân biệt này thực sự rất trắng trợn, ngang nhiên, và người lao động có phàn nàn cũng vô ích. Dần dần, họ không chịu đựng được nữa và buộc phải nghỉ việc’’, DFEH cho biết.
Đáp lại, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho rằng danh sách lần này của S&P500 đã "mất đi tính toàn vẹn". Ông thậm chí còn công khai phản ứng gay gắt trên trang Twitter cá nhân: "Tôi ngày càng nghi ngờ rằng ESG chính là hiện thân của Qủy’’.
"Báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị ESG không đo lường phạm vi tác động tích cực mà chỉ tập trung vào những giá trị rủi ro. Chắc các nhà đầu tư cá nhân, những người ủy thác vào quỹ ESG, không biết rằng tiền của họ có thể đang được dùng để mua cổ phiếu các công ty gây ô nhiễm môi trường’’, đại diện Tesla cho biết.
Cùng với đó, Tesla cũng khẳng định các nhà sản xuất ô tô vẫn có thể đạt xếp hạng ESG cao ngay cả khi không giảm phát thải khí nhà kính và tiếp tục sản xuất những chiếc xe động cơ đốt trong.
Elon Musk công khai phản ứng gay gắt trên trang Twitter cá nhân sau khi Tesla bị loại khỏi chỉ số ESG của S&P500
Theo CNBC, cổ phiếu Tesla giảm hơn 6% trong phiên ngày hôm nay trong bối cảnh thị trường bán tháo ồ ạt. Tính từ đầu năm nay, cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 30%, trong đó, quyết định của Elon Musk đối với trang mạng xã hội Twitter được cho là yếu tố tiên quyết khiến Tesla bị bán tháo nhiều đến vậy.
Theo tờ Telegraph, có rất nhiều lý do để Elon Musk mua lại Twitter, thế nhưng đi đôi với đó là những mặt trái mà Tesla phải gánh chịu. Việc giành quyền kiểm soát mạng xã hội mới sẽ bòn rút thời gian, công sức và tiền bạc của Musk, trong bối cảnh ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang cần một sự bứt phá.
"Vụ thâu tóm Twitter đã trở thành một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu Tesla", nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định.
Trong phiên giao dịch hôm 26/4, vốn hóa của Tesla đã bốc hơi kỷ lục khoảng 126 tỷ USD do cổ phiếu hãng xe điện giảm 12%. Bloomberg cho biết việc Elon Musk chuẩn bị hoàn tất thương vụ mua lại Twitter, đồng thời dự định thế chấp số cổ phiếu Tesla chính là nguyên nhân khiến giới đầu tư hoảng loạn. Trước đó, người đàn ông giàu nhất thế giới này cũng bán đứt 4 tỷ USD cổ phiếu Tesla sau khi đạt thoả thuận mua Twitter với giá 44 tỷ USD.
Thoả thuận này đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro đối với Tesla – công ty mà Musk giữ vai trò CEO từ năm 2008 và hiện đang là cổ đông lớn nhất. Nhà đầu tư lo rằng một khi có Twitter trong tay, Musk sẽ xao nhãng công việc ở Tesla.
Elon Musk đang chấp nhận rủi ro bằng cách sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp
"Musk đang chấp nhận rủi ro bằng cách sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp. Việc cổ phiếu nhà sản xuất ô tô điện này đột ngột sụt giảm sẽ gây ra nhiều sự khó chịu cho thị trường", Russ Mold, chuyên gia AJ Bell nhận định.
Ngoài ra, giá cổ phiếu Tesla suy giảm một phần cũng do lạm phát tại Mỹ, đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc (nơi đặt nhà máy của Tesla) cũng như chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED.
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/de-che-tesla-lung-lay-vi-su-bao-thu-cua-elon-musk-20220519142941198.chn