Dạy con cách ứng xử trước sự "bất công"
ảnh minh họa
Con trẻ thường thắc mắc rằng tại sao bạn này được cái này, bạn kia được cái kia mà con không được. Bạn đừng cố gắng đáp ứng cho con vì về lâu dài điều đó là không thể. Hãy cung cấp cho con những hiểu biết về bản chất và cách ứng xử trước sự "bất công" ấy.
“Không công bằng” ở đâu cũng có nhưng mọi sự nỗ lực và cố gắng luôn được ghi nhận
Hành khách ở khoang hạng nhất thì được ưu tiên lên máy bay; khách VIP của ngân hàng thì được miễn xếp thứ tự… tất cả những ví dụ trên đều thể hiện cho việc: Cuộc sống vốn không có sự bình đẳng tuyệt đối. Tuy nhiên, cuộc sống cũng luôn ghi nhận mọi nỗ lực và cố gắng của mỗi người.
Trước kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở trường học nọ, trò chơi “Thử thách giới hạn” đã làm một thí nghiệm chạy thi như sau: Gọi 20 học sinh xếp hàng ngang trước vạch xuất phát để chạy thi, sau đó ban giám khảo ra 6 câu hỏi cho các học sinh, ai trả lời đúng một câu thì được bước lên phía trước 1 bước. Nếu may mắn trả lời được hết 6 câu tức là bạn ấy sẽ được đứng trước vạch xuất phát 6 bước.
Câu hỏi cuối cùng vừa xong, có vài học sinh đã vượt lên cách xa vạch xuất phát một bước, hai bước, ba bước.... thậm chí sáu bước.
Chỉ có học sinh Mã do không trả lời được câu hỏi nào nên vẫn đứng nguyên chỗ cũ.
Thế là thay vì thông thường mọi người dự thi sẽ xếp hàng bằng nhau trước vạch xuất phát thì bây giờ kẻ trước người sau rất lộn xộn.
Tiếng pháo lệnh nổ vang, tất cả học sinh ào ào chạy về đích.
Học sinh Mã tuy bị xếp ở nhóm cuối cùng nhưng Mã không bận tâm, bạn ấy cố gắng, miệt mài chạy hết sức, nỗ lực vô cùng của bạn ấy đã được đền đáp xứng đáng. Mã nhanh chóng vượt lên dẫn đầu. Rõ ràng Mã đã về đích trước tiên trong tình trạng là người xuất phát sau cùng trước khi chạy.
Cuộc chạy đua của các học sinh trong trò chơi thử thách này chứng tỏ rằng: Cuộc đời của mỗi người cũng như một cuộc thi marathon, ai có xuất phát điểm tốt hơn thì người đó sẽ có ưu thế hơn, nhưng người nào hưởng được vinh quang khi trận đấu kết thúc thì vẫn chưa biết được.
"Không công bằng" làm cho sự cố gắng càng có ý nghĩa
Có người bạn đã đạt được thành công trong cuộc sống, quay nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, anh ta vẫn ấm ức: Sao cuộc đời này bất công quá. Trong khi anh phải vật vã, chạy thụt mạng trên đường đua thì bạn bè anh ta lại dễ dàng thăng tiến nhờ gia đình giàu có, cha mẹ "làm to" lo lót chạy chọt gửi con em vào chỗ "ngon ăn". Nhưng ai cũng nhìn thấy sự thành công mà anh có được hôm nay là do nỗ lực, cố gắng, kiên trì trên chính thực lực của anh. Điều ấy đáng quý biết nhường nào.
Nhiều cha mẹ lấy xuất thân, gia thế làm đòn bẩy để nâng con mình lên. Thậm chí dùng tiền mua điểm, mua vị trí công việc cho con cái một cách gian lận, xảo trá. Chính những người này đã góp phần tạo nên sự bất công trong xã hội.
Nhiều bạn nhỏ phản ứng một cách bi quan: "Người ta có tiền mua điểm rần rần như vậy, con có cố gắng lắm cũng uổng công". Hãy chỉ ra cho con chúng ta thấy thực tế đã chứng minh có rất nhiều em học sinh xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, cơm không đủ no nhưng nhờ vào nghị lực, cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để thành đạt. Các em đã chứng minh xã hội càng tạo ra bất công càng khiến cho mọi nỗ lực thành công của các em thêm nhiều ý nghĩa.
Việc chứng tỏ được năng lực thật sự cũng như bãn lĩnh và nỗ lực của cá nhân làm nên giá trị của một người
Chấp nhận sự bất công không phải là thỏa hiệp với cái sai trái, là“nhắm mắt xuôi tay" phó mặc cho số phận mà chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Bên cạnh sự đấu tranh để có được công bằng, thì việc chứng tỏ được năng lực thật sự cũng như bản lĩnh và nỗ lực của mình mới cần thiết, quan trọng và nên làm hơn.
Cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho những hiện tượng tiêu cực rồi buông xuôi, triệt tiêu ý chí phấn đấu của bản thân
Hãy nói với con trẻ rằng, những gì con tự tay giành lấy mới là những thứ có giá trị thực sự, hơn cả những chỗ đứng mà ba mẹ của các bạn con tạo ra cho chúng bằng hành vi không minh bạch. Cuộc sống càng không công bằng thì sự cố gắng nỗ lực của con càng có ý nghĩa.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2545791