Đảo chính bất thành tại Bolivia
Chiều 26/6, một số đơn vị quân đội Bolivia tập trung tại quảng trường ở thành phố La Paz, nơi đặt trụ sở chính phủ. Một xe bọc thép tìm cách tông vào cổng Phủ Tổng thống để mở đường cho binh sĩ tiến vào, trong khi Tổng thống Luis Arce gọi đây là hành động đảo chính.
"Đất nước đang đối mặt với một cuộc đảo chính, đối mặt với âm mưu phá vỡ nền dân chủ", Tổng thống Arce phát biểu trong video hiệu triệu người dân, xung quanh ông là các thành viên nội các. Ông tuyên bố chính phủ sẽ "đứng vững" trước bất kỳ âm mưu đảo chính nào, kêu gọi người dân Bolivia "bảo vệ nền dân chủ".
Người dẫn đầu lực lượng quân sự bao vây Phủ Tổng thống là tướng Juan Jose Zuniga, người vừa bị Tổng thống Arce cách chức tư lệnh lục quân một ngày trước đó.
Tướng Zuniga nói rằng người dân Bolivia đang giận dữ vì tình hình kinh tế xuống dốc, ngân hàng trung ương cạn tiền dự trữ và áp lực lớn với đồng nội tệ do mất nguồn xuất khẩu khí đốt. Ông khẳng định công chúng ủng hộ nỗ lực của mình, kêu gọi thành lập nội các mới, nhưng không đề cập khả năng lật đổ Tổng thống Arce.
Tổng thống Arce sau đó chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của tướng Jose Wilson Sanchez, người thay thế tướng Zuniga làm tư lệnh lục quân. Ngay sau khi nhậm chức, ông Sanchez đã kêu gọi các binh sĩ đảo chính trở về doanh trại để tránh đổ máu.
Sau lời kêu gọi của Zuniga, binh sĩ tham gia đảo chính bắt đầu rút khỏi quảng trường và cảnh sát triển khai để kiểm soát tình hình, kết thúc ba giờ bất ổn.
Theo AP, cuộc đảo chính hụt là hệ quả của tình trạng căng thẳng đã âm ỉ suốt nhiều tháng tại Bolivia, quốc gia Nam Mỹ hơn 12 triệu dân. Người dân Bolivia nhiều lần đổ ra đường phố biểu tình trong bối cảnh kinh tế nước này khủng hoảng nghiêm trọng. Trong khi đó, ông Arce và người tiền nhiệm Evo Morales đang cạnh tranh để kiểm soát đảng cầm quyền MAS trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2025.
Cựu tư lệnh lục quân Bolivia Juan Jose Zuniga (giữa) bị bắt sau cuộc đảo chính bất thành ngày 26/6. Ảnh: AFP
Arce, 60 tuổi, từng học ngành kinh tế tại London, Anh và làm việc tại ngân hàng trung ương Bolivia từ năm 1987. Ông từng lập kế hoạch kinh tế, giúp ông Morales đắc cử tổng thống năm 2005 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2019.
Những người ủng hộ nói rằng Arce là kiến trúc sư của "Điều kỳ diệu Bolivia" vào thập niên 2000, khi kinh tế tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn này, giúp nhiều người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Bolivia đã xây dựng hệ thống cao tốc, cáp treo, giúp các thành phố phát triển.
Các cải cách kinh tế theo hướng tân tự do những năm 1990 đã giúp Bolivia trở thành quốc gia sản xuất năng lượng quan trọng, đưa nước này từ nhóm thu nhập thấp lên trung bình, theo Ngân hàng Thế giới. Kinh tế Bolivia tăng trưởng đều trên 4% trong những năm 2010, cho đến khi Covid-19 bùng phát.
Cùng với đà đi xuống của giá hàng hóa, thu nhập tại Bolivia bắt đầu suy giảm năm 2014. Chính phủ của ông Morales bắt đầu dùng đến dự trữ ngoại hối để duy trì chi tiêu công, tiếp đó là dự trữ vàng và bán trái phiếu USD, khiến nền kinh tế đi xuống. Tháng 11/2019, Morales quyết định từ chức và tháo chạy sang Mexico rồi đến Argentina, sau khi người dân Bolivia đổ xuống đường trong nhiều tuần để phản đối ông.
Ông Arce nhậm chức tháng 11/2020, trong bối cảnh Bolivia chịu tác động nặng nề bởi Covid-19 và căng thẳng xã hội tăng cao. Ông Arce khi đó mô tả kinh tế Bolivia suy thoái nghiêm trọng nhất 40 năm.
Gần đây, Tổng thống Bolivia nói sản lượng xăng dầu không còn đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bolivia phải nhập khẩu 86% nguồn cung diesel và 56% xăng. Các hộ gia đình chật vật ứng phó giá cả leo thang. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính kinh tế Bolivia năm nay tăng trưởng chỉ 1,6%, thấp nhất 25 năm nếu bỏ qua năm 2020 bị Covid-19 ảnh hưởng.
Xe bọc thép và cảnh sát quân sự bên ngoài Phủ Tổng thống Bolivia ở La Paz ngày 26/6. Ảnh: AP
Ông Arce chưa giải quyết được tình trạng thiếu hụt USD đang gây áp lực lớn cho kinh tế Bolivia, khiến nước này bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới hạ bậc trái phiếu chính phủ xuống mức "rác".
Chính phủ Bolivia đã ký thỏa thuận với một số công ty nước ngoài để khai thác trữ lượng lithium khổng lồ của nước này. Đây là kim loại thường được dùng trong pin xe điện, điện thoại và máy tính xách tay. Tuy nhiên, quốc hội Bolivia còn bất đồng và chưa phê duyệt thỏa thuận nào.
Tướng Zuniga nói chính phủ của ông Arce đang "làm nghèo đất nước".
Trong khi đó, căng thẳng nội bộ đảng MAS cầm quyền gia tăng. Tháng 11/2023, ông Arce chỉ trích các đối thủ của mình, cáo buộc họ "mơ về một cuộc đảo chính".
Ông Morales về nước ngay khi ông Arce thắng cử và hai người trở thành đối thủ, mỗi người dẫn dắt một phe trong đảng cầm quyền MAS. Sự cạnh tranh này khiến chính phủ của ông Arce không thể giải quyết vấn đề kinh tế. Đồng minh của Morales tại quốc hội liên tục chặn các nỗ lực của ông Arce nhằm giảm áp lực nợ.
Một ngày trước khi bị cách chức tư lệnh lục quân, tướng Zuniga đã đe dọa sẽ bắt Morales nếu ông ra tranh cử năm 2025. Zuniga gọi Morales là "kẻ phản bội", cáo buộc cựu tổng thống âm mưu lật đổ chính phủ đương nhiệm và nhấn mạnh hiến pháp Bolivia cấm ông trở lại nắm quyền.
Vị trí thành phố La Paz, Bolivia. Đồ họa: BBC
Bolivia đã chứng kiến hơn 190 âm mưu đảo chính và cách mạng kể từ khi giành độc lập năm 1825. Xung đột thường xuyên nổ ra giữa giới tinh hoa chính trị ở đô thị và người dân vùng nông thôn.
Nỗ lực đảo chính của Zuniga kết thúc chóng vánh, khi binh sĩ giải tán, còn cựu tư lệnh lục quân bị cảnh sát áp giải lên một xe tải trắng. Trước khi bị bắt, Zuniga đưa ra cáo buộc gây sốc rằng chính Tổng thống Arce đã đề nghị ông dàn dựng nỗ lực đảo chính để giúp chính phủ có thêm sự ủng hộ từ người dân. Ông Arce chưa bình luận về cáo buộc này.
Văn phòng Tổng công tố Bolivia cuối ngày 26/6 thông báo truy tố Zuniga, triển khai mọi nỗ lực cần thiết để xác định những người liên quan và sẽ áp hình phạt tối đa với kẻ đứng sau.
Nhà phân tích người Bolivia Raul Penaranda không coi biến cố ngày 26/6 là "âm mưu đảo chính thực sự". Theo ông, nó diễn ra quá ngắn, không thành công và được dẫn dắt bởi người chỉ được một bộ phận quân đội ủng hộ.
"Đó chỉ là vấn đề thoáng qua, một vết đen trong lịch sử của chúng tôi", Penaranda nói với Washington Post.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguon-con-co-the-khien-tuong-bolivia-tim-cach-dao-chinh-4763179.html