Đằng sau thảm họa chìm tàu Titanic là vô vàn câu chuyện cảm động về tình yêu và tình người
Ngày 10/4/1912, con tàu Titanic bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên, khởi hành từ Southampton - một thành phố cảng ở phía Nam nước Anh, dự định băng qua Đại Tây Dương đến thành phố New York của Mỹ.
Thế nhưng, vào lúc 11h40 tối ngày 14/4/1912, tàu Titanic đụng phải tảng băng trôi. Hai giờ đồng hồ sau, tàu chìm, có tổng cộng 705 người được cứu sống, 1.502 người chết. Đây được xem là vụ tai nạn đường biển lớn nhất thế kỷ 20.
Đã hơn 100 năm kể từ khi thảm họa đắm tàu xảy ra, công chúng vẫn không thôi quan tâm đến câu chuyện về những phận người có mặt trong thời khắc định mệnh ấy.
Những số phận bất hạnh đó đã phần nào được khắc họa qua bộ phim điện ảnh Titanic (1997) của đạo diễn James Cameron, từng gây chấn động màn ảnh.
Một phân cảnh xúc động giữa Jack và Rose trong Titanic - bộ phim tái hiện lại thảm họa kinh hoàng năm nào. |
Thế nhưng, ám ảnh và xúc động hơn cả vẫn là những câu chuyện được kể lại trong hồi ký của Phó thuyền trưởng tàu Titanic và trong ký ức của những người còn sống hay gia đình của những nạn nhân xấu số.
Những câu chuyện về lòng cao thượng
Charles Lightoller là Phó thuyền trưởng của tàu Titanic. Ông là người cuối cùng được kéo lên thuyền cứu hộ, cũng là người giữ chức vụ cao nhất trên tàu còn sống sót. Trong những năm cuối cùng của đời mình, Charles đã viết 17 trang hồi ức thuật lại chi tiết nhiều mẩu chuyện xảy ra trong đêm gặp nạn của con tàu Titanic.
Hồi ký của ông có viết về vị Thuyền trưởng Edward John Smith - người cho đến lúc chết vẫn không từ bỏ nhiệm vụ chèo lái. Đứng trước tai nạn chìm tàu, thuyền trưởng ra lệnh đưa phụ nữ và trẻ em lên thuyền cứu hộ trước. Vào 2h sáng ngày xảy ra sự cố, ông nhận được điện báo rời tàu. Thay vì làm theo thông báo đó, vị thuyền trưởng ấy vẫn bình tĩnh ngồi trong khoang điều khiển, không ngừng nhấn nút điện báo phát đi thông điệp "SOS". Ông vẫn giữ nguyên tư thế đó cho đến giây phút cuối cùng.
Chân dung Charles Lightoller - Phó thuyền trưởng của tàu Titanic. Ảnh: BBC. |
Cũng theo hồi ức của Charles, khi chiếc thuyền cứu hộ thứ nhất được hạ xuống, ông có hỏi một phụ nữ đang đứng trên boong tàu có tên Straw rằng: "Quý bà có muốn cùng tôi lên chiếc xuồng cứu nạn kia hay không. Đáp lại Charles là cái lắc đầu cương quyết của bà Straw: "Không, tôi nghĩ rằng ở trên tàu vẫn tốt hơn".
Bấy giờ, chồng của Straw thắc mắc: "Vì sao em không muốn lên thuyền cứu nạn?" Straw mỉm cười: "Không, em chỉ muốn ở bên anh". Đôi vợ chồng ấy không còn, nhưng tình yêu của họ chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức của Charles.
Cũng trong chuyến tàu định mệnh ấy, ông Isidor Straus - người giàu thứ hai thế giới lúc bấy giờ, nhà sáng lập thương hiệu bách hóa Macy nổi tiếng đã một mực khuyên vợ mình bước lên chiếc thuyền cứu sinh số 8. Nhưng phu nhân Ida Straus dứt khoát cự tuyệt: "Bao nhiêu năm qua anh đi đâu em luôn theo đó, em sẽ đi cùng anh đến bất kỳ nơi đâu anh muốn".
Người phụ trách chiếc thuyền cứu sinh ấy đã dành một vị trí tốt cho quý ông này và ra sức thuyết phục: "Tôi tin rằng sẽ không có ai phản đối một người lớn tuổi như ngài xuống thuyền cứu hộ". Nhưng Straus không đồng tình: "Tôi tuyệt đối sẽ không bước xuống thuyền cứu sinh như những người đàn ông khác". Nỗ lực thuyết phục phu nhân Ida Straus thất bại, người đàn ông giàu có 67 tuổi ấy đã quyết định nắm tay vợ mình, tập tễnh đi tới boong tàu, ngồi xuống ghế và bình thản chờ đợi thời khắc sinh tử.
Tàu Titanic trước khi gặp tai nạn. Ảnh: BBC. |
Con tàu Titanic còn chở theo đôi vợ chồng mới cưới Astrid Pasi và Reta Pasi đi nghỉ tuần trăng mật. Khi con tàu sắp chìm, cô Reta Pasi một mực ôm chặt chồng và từ chối cơ hội xuống thuyền cứu sinh một mình. Bất đắc dĩ, Astrid Pasi phải đánh vợ bất tỉnh rồi lặng lẽ đưa cô xuống thuyền. Sau khi tỉnh lại, Reta mới bàng hoàng phát hiện sự thật. Từ đó về sau, cô không hề tái hôn với người đàn ông khác và dành nửa đời còn lại để tưởng nhớ người chồng của mình.
Cái chết của những quý ông
Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV) - người liên tục đứng vị trí giàu nhất thế giới cũng có mặt trên chuyến tàu định mệnh đó. Trong đêm Titanic gặp nạn, vào khoảnh khắc những chiếc thuyền cứu sinh được thả xuống, Astor đã đưa người vợ mang thai 5 tháng của mình lên thuyền. Sau đó, ông đứng ở boong tàu cùng chú chó trung thành bên cạnh, châm một điếu xì gà, nhìn chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng đang dần khuất xa và nói lớn: "Anh yêu em!".
Với quyền lực và số tài sản của mình, Astor từng được Phó thuyền trưởng Charles đặc biệt dành một vị trí trên chiếc thuyền cứu sinh đầu tiên. Nhưng ông đã cự tuyệt một cách cương quyết: "Đây chính là giải pháp mà tôi thấy hợp lý nhất".
Astor đã trao lại vị trí của mình cho một bé gái người Ireland. Vài ngày sau tai nạn, vào một buổi sáng sớm ở Bắc Đại Tây Dương, thuyền viên đã phát hiện thi thể của Astor đệ tứ. Phần đầu của ông đã biến dạng vì bị ống khói của con thuyền đè vào.
Trong những trang hồi ký của mình, Charles cũng kể lại rằng vào thời khắc sinh tử, ông trùm ngân hàng nổi tiếng một thời Guggenheim đã vận trên mình bộ lễ phục đắt tiền và thản nhiên nói: "Ta phải chết sao cho đáng mặt một quý ông".
Chân dung Benjamin Guggenheim - ông trùm ngân hàng tử nạn trong vụ chìm tàu Titanic. |
Trên con tàu mang tên Titanic năm ấy còn có một doanh nhân người Pháp là Navratil. Ông đã dùng những nỗ lực cuối cùng để đưa 2 người con của mình lên thuyền cứu sinh và nhờ các phụ nữ trên đó chăm sóc, còn bản thân thì ngồi lại nơi boong tàu. Sau khi may mắn thoát nạn, hai người con của Navratil đã được báo chí khắp thế giới đăng ảnh và nhanh chóng gặp lại mẹ của mình. Nhưng nỗi đau mất cha và những ám ảnh về đêm định mệnh ấy mãi mãi khó có thể nguôi ngoai trong họ.
Trong một cuộc phỏng vấn những người sống sót sau tai nạn tại Thụy Sĩ, một quý bà tên Smith đã không kìm nén được xúc động khi chia sẻ về sự hy sinh của một người mẹ vô danh. "Tôi bế hai con của mình và đưa chúng lên thuyền cứu sinh. Nhưng vì thuyền đã quá đông, tôi không thể lên được nữa. Khi ấy, một người phụ nữ đã đứng dậy nhường chỗ và giúp tôi xuống thuyền rồi nói lớn: 'Xuống đi, bọn trẻ không thể không có mẹ'. Người phụ nữ vĩ đại ấy chẳng hề để lại tên tuổi".
Ngoài những gì được kể lại trong trang hồi ký của Phó thuyền trưởng Charles Lightoller, vẫn còn nhiều mẩu chuyện cảm động khác về các nạn nhân xấu số trong vụ chìm tàu Titanic. Nó được lưu giữ trong ký ức của những người còn sống là bạn bè, người thân của họ.
Ngày 10/4/1912, Thomas Millar quyết định tham gia chuyến hành trình của Titanic với tư cách kỹ sư trên tàu. Trước khi khởi hành, ông để 2 đứa con của mình lại cho người dì chăm sóc ở một ngôi làng nhỏ gần Belfast. Thomas hy vọng khi có được cuộc sống ổn định ở Mỹ, ông sẽ mang 2 con theo.
Đằng sau thảm họa chìm tàu Titanic là vô vàn câu chuyện cảm động về tình yêu và tình người. |
Trước khi đi, ông để lại cho 2 người con một đồng tiền và dặn đừng tiêu khi bố chưa quay về. Đáng tiếc, ông chẳng bao giờ có thể thực hiện mơ ước đưa 2 đứa trẻ tới miền đất hứa và bắt đầu một cuộc sống mới. Sau sự ra đi đột ngột của cha, 2 người con vẫn gìn giữ đồng tiền cẩn thận như biểu tượng cho tình yêu của cha.
Titanic mãi mãi là bộ phim đầy dư âm
Tái hiện khoảnh khắc sinh tử của hàng nghìn người trong thảm họa Titanic đã biến bộ phim cùng tên của đạo diễn James Cameron mãi mãi thành bộ phim đầy dư âm và cảm xúc. Bộ phim ra mắt từ năm 1997, cách đây đã hơn 20 năm nhưng vẫn khiến người xem thổn thức.
Phim được đề cử 14 giải Oscar và đoạt 11 giải, trong đó có những giải quan trọng nhất là Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc. Phim giữ kỷ lục về doanh thu cao nhất mọi thời đại cho đến khi một bộ phim khác cũng của James Cameron ra đời năm 2009 là Avatar.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/du-chan-xuc-dong-suot-hon-100-nam-qua-ve-phut-sinh-tu-tren-tau-titanic-post973198.html