Dân nghèo Mỹ Latinh điêu đứng, cạn tiền vì đại dịch Covid-19
Một số quốc gia đã tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho lực lượng lao động phi chính thức, bao gồm bồi bàn, người bán hàng rong và nhiều ngành nghề khác để họ có thể ở nhà và làm giảm nguy cơ phát tán virus. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chỉ là để đối phó tình hình trước mắt và không hẳn có tác dụng cho tất cả những người cần sự giúp đỡ.
Haiti, một trong những nước nghèo nhất Mỹ Latinh đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên trong ngày 20/3 vừa qua. Cơ quan y tế thành phố Port-au-Prince cho biết, một trong hai bệnh nhân trên đã từng đi qua Pháp. Người này sau khi về nước đã tự cách ly nhiều ngày nhằm tránh lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, đối với hàng trăm ngàn người Haiti vốn chỉ kiếm được vài USD/ ngày, việc tự cách ly đồng nghĩa với chết đói.
Nhiều người dân Brazil xếp hàng chờ nhận thực phẩm từ chính phủ. Ảnh: AP |
“Nếu tôi ở nhà, thì tôi sẽ mất tất cả hàng hóa. Tôi không có cách nào để giữ được hàng hóa của mình. Người dân Haiti sẽ không ở trong nhà (để tránh dịch), bởi họ sẽ sống thế nào khi không kiếm được tiền”, AP trích lời cô Marie-Ange Bouzi, người dân ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti nói.
Mặc dù chính phủ Haiti đã cắt giảm giờ làm việc ở các cơ quan công quyền, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân nước này nên ở nhà để tránh khiến virus Covid-19 tiếp tục lây lan, nhưng vẫn có hàng ngàn người sống tại thủ đô Port-au-Prince tụ tập ở các chợ tạm, các bến xe buýt để kiếm việc làm.
Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Mañalich cho biết, nước này đã ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 tới từ tầng lớp khá giả, khi những người này trở về từ các vùng dịch ở châu Âu. Và những người mắc bệnh trên đã vi phạm lệnh cách ly của chính quyền. “Họ đã lừa dối chúng tôi và không tuân thủ lệnh cách ly”, ông Mañalich nói.
Tại thủ đô Lima của Peru, dịch Covid-19 đã khiến sự phân cách trong xã hội hiện ra rõ hơn. Cô Nadia Munoz sống tại khu vực khá giả thuộc thành phố Lima cho biết, việc thành phố này tiến hành cách ly trong 15 ngày không phải là vấn đề gì lớn với cô. “Chúng tôi có siêu thị ở gần đây, điện, nước, mạng internet, điện thoại và truyền hình cáp”, cô nói.
Nhiều người dân Peru thất nghiệp do Covid-19. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, ông Alejandro de la Cruz cùng gia đình sinh sống tại ở một ngọn đồi gần đấy lại nói rằng, gia đình ông đã không kiếm được tiền kể từ khi lệnh cách ly được áp dụng. Họ sống cùng khu với nhiều người lao động khác cũng đang thất nghiệp do dịch Covid-19. Người dân khu này không có nước sạch để sử dụng, không điện, không internet hay dịch vụ viễn thông nào hết.
Chính phủ nhiều nước Mỹ Latinh đã cố gắng đưa ra các khoản hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Chính quyền Peru cho biết sẽ hỗ trợ cho 2,7 triệu hộ gia đình thuộc diện nghèo đói ở nước này mỗi người 108USD. Argentina cũng đã công bố sẽ hỗ trợ cho lực lượng lao động phi chính thức của nước này mỗi người 151USD vào tháng Tư tới, và dự kiến sẽ công bố thêm nhiều khoản hỗ trợ khác.
Tuy nhiên tại Brazil, quốc gia rộng lớn nhất khu vực Nam Mỹ lại chưa công bố các kế hoạch hỗ trợ kinh tế, và điều này khiến nhiều người dân nước này cảm thấy lo lắng. Cô Patricia Martins làm nghề giúp việc cho biết, hiện có khoảng 70.000 người dân tại khu ổ chuột Rocinha sống trong những ngôi nhà chen chúc nhau trên những sườn đồi của thành phố Rio de Janeiro.
“Những người làm nghề giúp việc sẽ kiếm tiền ở đâu cho gia đình họ. Nếu mọi thứ đều dừng lại, thì đó sẽ là sự chấm hết cho cuộc sống của nhiều người. Người dân sẽ chẳng thể làm gì để có thể tiếp tục sống”, AP trích lời cô Martins nói.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VIETNAMNET.
Original source can be found here: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/dan-ngheo-my-latinh-dieu-dung-can-tien-vi-dai-dich-covid-19-629487.html