Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng về diễn ngôn chính trị hiện tại và sự trỗi dậy của Trung Quốc
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Sydney ngày 28/3. Ảnh: AAP.
Phát biểu trước đám đông khoảng 9.000 người tại Nhà hát Aware Super ở Sydney, NSW tối 28/3, ông Obama đã nói về diễn ngôn chính trị hiện tại và sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo Guardian.
Sự phân cực trong nền chính trị Mỹ
Khi được cựu Ngoại trưởng Australia và cũng là người điều phối chương trình, ông Julie Bishop, hỏi về lịch sử hệ thống lưỡng đảng của nền chính trị Mỹ, ông Obama nói rằng vào thời điểm ông được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 2004, đa số các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ là nam giới người Mỹ gốc Anh. Tình trạng này kéo dài đến tận bây giờ.
“Có một yếu tố khác dẫn đến sự phân cực trong nền chính trị Mỹ. Và điều này cũng là thực trạng trên toàn cầu, chứ không riêng tại Mỹ. Đó là sự thay đổi của truyền thông đại chúng và cách các câu chuyện được kể”, ông Obama nói.
“Có một người mà có thể các bạn biết, tên là Rubert, là người chịu trách nhiệm phần lớn cho chuyện này”.
“Nhưng thực sự thì ông ấy cũng đã góp phần tạo ra một xu hướng rộng lớn hơn, bao gồm sự ra đời của truyền hình cáp, đài phát thanh và sau đó là mạng xã hội. Đó là sự giải thể thế độc quyền về tin tức và tiêu chuẩn báo chí ra đời từ thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai”.
Rupert Murdoch là ông trùm truyền thông toàn cầu người Australia-Mỹ. Ông là cổ đông, chủ tịch, giám đốc điều hành của News Corporation. Ảnh: ABC.
Ông Obama cũng phàn nàn về việc ngày càng nhiều người chỉ tiêu thụ các sản phẩm truyền thông mà họ cảm thấy phù hợp về mặt ý thức hệ với bản thân.
“Nếu ở Mỹ mà bạn chỉ đọc Fox News, ở Australia bạn chỉ đọc Sky News, thì bạn đang tiêu thụ một nguồn tin tức duy nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có “tin” của riêng mình và quan điểm của riêng mình. Chúng ta không còn câu chuyện chung để cùng đối thoại”.
“Và về tính kinh tế của truyền thông - những cú nhấp chuột - giờ đây dựa vào việc làm thế nào để thu hút sự chú ý của mọi người. Cách dễ dàng nhất để thu hút sự chú ý, mà không cần phải suy nghĩ nhiều, là khiến người ta tức giận, khiến họ cảm thấy như thể ai đó đang cố gây sự với họ và lấy đi những thứ đáng ra là của họ”, ông nói.
“Điều này đi kèm với yếu tố phân biệt chủng tộc và bài ngoại, phân biệt giới tính và kỳ thị đồng tính, tất cả khiến chúng ta giờ sống trong nền chính trị bản sắc. Rất khó để thỏa hiệp trong một nền chính trị bản sắc”.
Ông Obama bày tỏ lo ngại xu hướng này sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi sự tinh vi ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo và khả năng bắt chước các nhân vật của công chúng. Ông nói chỉ có vợ ông mới có thể phân biệt được liệu một bản ghi âm deepfake nhái giọng ông có thực sự là ông hay không.
Căng thẳng với Trung Quốc
Khi được hỏi về sự hối tiếc lớn nhất của mình, ông Obama nói về việc thiếu hành động kiểm soát súng ở Mỹ mặc dù các vụ xả súng hàng loạt vẫn tiếp diễn.
Nói về Trung Quốc, ông Obama cho rằng nước này đã tận dụng những khoảng trống trong luật pháp quốc tế xuất hiện sau khi ông rời nhiệm sở. Khi còn đương nhiệm, ông đã nỗ lực phối hợp để dành thời gian cho “các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Ông Obama cũng đưa ra nhận định về các bước đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Trên trường quốc tế, tôi nghĩ ông Tập đã nhìn thấy cơ hội khi người kế nhiệm của tôi dường như không quan tâm nhiều đến hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”, ông Obama nói.
“Chúng ta có đang có một mối quan hệ căng thẳng đáng kể (với Trung Quốc). Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cảm thấy như thể họ không phải hoạt động dưới những ràng buộc giống như thời tôi còn là tổng thống”.
“Tôi không nghĩ rằng những căng thẳng đó sẽ sớm biến mất”.
Article sourced from Zing.