Cứu hộ Nepal phơi bày điểm yếu trong vụ máy bay rơi

06:00' 19-01-2023
Vụ rơi máy bay Yeti Airlines khiến ít nhất 70 người thiệt mạng hôm 15/1 một lần nữa phơi bày những điểm yếu chết người của lực lượng cứu hộ Nepal.


    Chuyến bay chở 72 người từ thủ đô Kathmandu tới thành phố Pokhara cách đó khoảng 200 km lao xuống đất chỉ 10 giây trước khi hạ cánh và bốc cháy dữ dội, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, hai nạn nhân còn lại cũng gần như không có cơ hội sống sót.

    10 phút sau khi tai nạn xảy ra, các đội cứu hộ của cảnh sát, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang (APF) và quân đội Nepal đã có mặt tại hiện trường, nhưng họ lại thiếu phương tiện cứu hỏa, nguồn nước và những thiết bị cần thiết khác cho nhiệm vụ cứu nạn khẩn cấp.

    Đội cứu hộ kéo một thi thể nạn nhân từ hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Pokhara, Nepal, ngày 16/1. Ảnh: Reuters.

    Đội cứu hộ kéo một thi thể nạn nhân từ hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Pokhara, Nepal, ngày 16/1. Ảnh: Reuters.

    "Trong trường hợp khẩn cấp, đội cứu hộ đến địa điểm xảy ra tai nạn càng sớm thì cơ hội cứu sống nạn nhân càng cao", Ganesh Kumar Jimme, phó giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ Động đất Quốc gia Nepal, cho hay.

    Do máy bay rơi gần khu dân cư, hàng trăm người đã lập tức tụ tập tại hiện trường phát trực tiếp mọi thứ diễn ra trên điện thoại di động của họ. Một số người chụp ảnh selfie đã bị chỉ trích trên mạng xã hội vì hành vi vô cảm, trong khi số khác được ca ngợi vì nỗ lực giúp đỡ lực lượng cứu hộ. Ngay sau khi máy bay rơi, Bikash Basyal, một người dân địa phương, đã chạy đến hiện trường và đưa ra ngoài được 7 thi thể. Anh được tôn vinh vì hành động dũng cảm của mình.

    Theo Jimme, việc một lượng lớn người tụ tập tại hiện trường đã gây cản trở không nhỏ, nhưng nếu được huấn luyện cứu hộ cơ bản, họ cũng có thể góp sức vào nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.

    "Nó cho thấy việc đào tạo cứu hộ cứu nạn trên quy mô cộng đồng sẽ hữu ích như thế nào trong các cuộc giải cứu khẩn cấp", ông nói thêm.

    Các nhân viên an ninh cũng rất vất vả để tiếp cận nơi máy bay rơi, vốn đã chìm trong biển lửa với khói dày đặc, gây ảnh hưởng tầm nhìn.

    "Do máy bay rơi xuống một hẻm núi sâu tới 300 mét và rất hiểm trở, hoạt động cứu hộ trở nên khó khăn", chuẩn tướng Krishna Prasad Bhandari, người phát ngôn quân đội Nepal, cho biết. "Nhân viên cứu hộ đã phải dùng dây leo xuống hẻm núi sâu, điều này vừa tốn thời gian vừa vất vả về thể chất".

    Theo các chuyên gia, những gì diễn ra tại hiện trường tai nạn là bằng chứng rõ ràng về cơ chế phản ứng kém của lực lượng cứu hộ Nepal.

    "Dù địa hình hiểm trở, nếu lực lượng cứu hộ đến kịp thời, công tác tìm kiếm cứu nạn có thể hiệu quả hơn", Jimme nói. Ông khẳng định rằng Nepal hiện thiếu hụt nghiêm trọng thiết bị cứu hộ dù quân đội, cảnh sát và các nhóm tình nguyện viên khác đã được đào tạo bài bản.

    Theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal, 914 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không ở nước này kể từ khi vụ đầu tiên được ghi nhận vào tháng 8/1955. Thảm kịch của Yeti Airlines là vụ tai nạn thứ 104 trên bầu trời Nepal và lớn thứ ba về thương vong.

    Hồi cuối tháng 5 năm ngoái, xác của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Tara Air, được tìm thấy 20 tiếng sau khi nó đâm vào ngọn núi ở quận Mustang, tỉnh Gandaki.

    Trường hợp của Yeti Airlines lại khác, vì hiện trường tai nạn rất gần Pokhara, một thành phố lớn, không giống như vùng xa xôi hẻo lánh ở Mustang. Dù vậy, hoạt động cứu hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở. Ông cho rằng chiến dịch giải cứu có thể đã diễn ra tốt hơn vì "lực lượng an ninh đã có mặt từ rất sớm".

    Thiếu trang bị là một cản trở lớn với công tác cứu hộ ở Nepal. Mingma Sherpa, giám đốc điều hành Seven Summit Treks, một công ty du lịch thám hiểm từng tham gia nhiều nỗ lực cứu hộ trên núi cao ở Nepal, cho hay thách thức lớn mà họ gặp phải là không có thiết bị phù hợp để cứu hộ khẩn cấp.

    "Nếu tai nạn tương tự xảy ra ở một nước phát triển, họ sẽ sử dụng trực thăng chuyên dụng để dập lửa và cứu hộ. Đó mới là cách phản ứng nhanh chóng và phù hợp", Jimme cho hay. Thiết bị phù hợp còn giúp nhân viên cứu hộ tự tin giải quyết các tình huống nguy hiểm.

    Hầu hết nhân viên cứu hộ Nepal mới được trang bị các loại thiết bị truyền thống như áo phao, đèn chiếu sáng, móc treo, loa phóng thanh, máy cắt dây hay dao chuyên dụng. Họ chưa có những công nghệ mới có thể giúp nỗ lực cứu hộ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

    Sự thiếu đầu tư của chính phủ được cho là một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiết bị cứu hộ nghèo nàn và không hiệu quả ở Nepal, giới quan sát đánh giá. Vấn đề cứu hộ thiên tai thường không nhận được quan tâm đúng mức trong các cơ quan lập pháp, mặc dù Nepal là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa tự nhiên.

    Các tổ chức giám sát hàng không toàn cầu đã đặt dấu hỏi về vai trò "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của Cục Hàng không Dân dụng Nepal, khi vừa cung cấp dịch vụ vừa là cơ quan quản lý hàng không. Họ kêu gọi Nepal chia cơ quan này thành hai thực thể riêng biệt nhằm gia tăng độ an toàn cho hành khách đi máy bay, nhưng chính phủ Nepal vẫn từ chối thực hiện.

    Chuyên gia quản lý thiên tai Thule Rai lưu ý rằng các đội cứu hộ cần ứng trực suốt ngày đêm và họ phải sẵn sàng tất cả thiết bị cần thiết để có thể nhanh chóng tiếp cận những địa điểm xảy ra sự cố và bắt tay vào việc.

    "Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng nên quan tâm đến an toàn của những người cứu hộ. Nhưng ở Nepal, chúng ta không có điều đó", ông nói.

     
     

     

     



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?
Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuu-ho-nepal-lo-diem-yeu-trong-vu-may-bay-roi-4561121.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ