Cuộc sống hiện tại của nhạc sĩ Bảo Chấn
- Sau thời gian dài vắng bóng, vì sao ông tái xuất ở một sự kiện vào ngày 12/11, tại TP HCM?
- Tôi nhận lời làm giám khảo The cover show - một cuộc thi làm mới các bản hit cũ - vì muốn giúp đồng nghiệp khi sức khỏe vẫn trong mức cho phép. Tôi thích ý tưởng thể hiện những ca khúc vang bóng một thời trong lớp áo hiện đại. Hôm ghi hình, nhìn các ca sĩ trẻ hát lại Tình thôi xót xa, Bên em là biển rộng..., lòng tôi dấy lên cảm giác bâng khuâng, hồi tưởng một thời tuổi trẻ rạo rực "lửa" nghề.
Thú thực, dạo này tôi yếu rồi. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận tuổi già đang ập đến vì nhiều bệnh tiểu đường, tim mạch... Tôi từng nghĩ mình không thể qua khỏi khi gặp biến cố hơn một năm trước. Tháng 10/2020, tôi đang đi xe đạp thì bị một người điều khiển xe máy tông vào. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là sự cố nhẹ nên về nhà tự xử lý, không làm to chuyện, bắt lỗi người kia. Không ngờ, vết thương nhiễm trùng rồi hoại tử. Khi tôi được đưa vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP HCM, bác sĩ nói nếu cấp cứu trễ hơn, tôi có thể chết.
Nhạc sĩ Bảo Chấn tái xuất trong vai trò giám khảo ở họp báo hôm 12/11 tại TP HCM. Ảnh: Mai Nhật
- Giai đoạn đó ảnh hưởng đến tâm lý ông ra sao?
- 5 tháng nằm trên giường bệnh là quãng thời gian suy sụp nhất đời tôi. Mỗi ngày, các bác sĩ chọc ống từ chân đến đầu gối để hút dịch, mà không thể dùng thuốc tê hoặc gây mê vì tôi mắc nhiều bệnh nền. Nhiều lần ráng chịu cơn đau, tôi nghiến mạnh đến mức sau vài tháng, răng tôi bị hư mòn hết, phải làm lại hàm răng mới.
Đã có lúc, tôi nghĩ đến cái chết vì cho rằng sống mà đau đớn như thế thì liệu có nên tiếp tục. Một lần nọ, lúc hai giờ sáng, không ngủ được vì những tiếng rên la của các bệnh nhân cùng phòng, tôi đẩy xe lăn ra lan can bệnh viện. Nhìn vào màn đêm, tôi nhủ thầm: Ra đi vào lúc này có lẽ là sự giải thoát tốt nhất.
Nhạc sĩ Bảo Chấn bên Lam Trường - ca sĩ từng thể hiện thành công các nhạc phẩm của ông như "Tình thôi xót xa", "Nỗi nhớ dịu êm"... Ảnh: Lam Trường Fanpage
- Điểm tựa tinh thần của ông lúc đó là gì?
- Tôi nghĩ đến gia đình. Thời gian đó, người thân lao đao vì tôi. Bệnh viện cho phép một người thân ở lại, nhưng tôi hay "đuổi" các con về thương chúng chật vật. Những lời động viên của đồng nghiệp cũng khiến tôi vực dậy từng ngày. Khi ấy, tôi giấu kín tình trạng của bản thân nhưng không hiểu sao, nhiều nhạc sĩ cùng thời biết được, nhắn tin nói bằng mọi giá, tôi phải vượt qua biến cố này. Có người khóc khi nghe tôi mô tả nỗi đau đang trải qua. Một số ca sĩ đến tận bệnh viện thăm nhưng không được cho vào vì tôi nằm trong khu chăm sóc đặc biệt. Tôi trân quý tình cảm ấy và không nỡ phụ kỳ vọng của mọi người.
Sau nhiều lần hội chẩn, bác sĩ tìm ra nguyên nhân căn bệnh rồi truyền kháng sinh điều trị. Trong cái rủi có cái may, từ chỗ suýt phải cưa chân, tôi dần phục hồi. Đến nay, tôi vẫn chịu nhiều di chứng, đi lại cảm giác chông chênh, thỉnh thoảng phải có người dìu.
- Nhìn lại đời sáng tác của mình, ông thấy có gì tiếc nuối?
- Hơn 40 năm vào nghề, thỉnh thoảng ngồi nhớ lại, tôi tiếc vì chưa học được nhiều thứ. Tôi thường nói giá như ngày trước, năm 17-18 tuổi, mình theo đuổi chương trình Pháp văn ráo riết hơn, hay siêng năng học nhạc hơn thì có khi mọi thứ đã khác. Đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi, vì tôi quan niệm cuộc đời đã an bài theo cách nay hoặc cách khác. Nhiều người về già thường cố níu kéo hào quang sự nghiệp, còn tôi thấy mình sống trên đời vậy là đủ rồi. Chỉ cần làm việc không có gì khuất tất, bản thân sẽ không ân hận.
Gần đây, một số đồng nghiệp nêu ý tưởng làm một CD tuyển tập các bản hit của Bảo Chấn, do các ca sĩ trẻ thể hiện. Tôi đang cân nhắc nhưng không dám ra album riêng, mà muốn kết hợp với nhiều nhạc sĩ khác. Thỉnh thoảng, tôi lên Youtube, nghe các bạn trẻ hát lại nhạc mình. Tôi bất ngờ vì nhiều cháu mới ngoài 20 tuổi nhưng hiểu rất đúng những tâm tư tôi gửi gắm. Đó cũng là điều an ủi cho một nhạc sĩ đã bước vào tuổi xế chiều.
- Tôi gần như đã ngưng sáng tác, một phần vì sức khỏe, phần do chuyện viết ca khúc mới không còn là nhu cầu bức thiết với tôi. Từ lâu, tôi không còn làm nhạc để kiếm tiền, sống nhờ sạp bán quần áo của vợ nay để lại cho các con. Quan sát đời sống âm nhạc đương đại, tôi nhận ra lớp nhạc sĩ kế thừa đã quá dồi dào để các bậc đàn cha, đàn chú yên tâm lùi lại. Vả lại, mỗi thời có một gu khác nhau, chưa chắc những sáng tác mới của tôi sẽ được công chúng đón nhận như xưa.
Tôi thừa nhận sau bao chông gai, "lửa" nghề trong tôi đã nguội. Tôi không mấy buồn vì quan niệm sống ở đời, ai rồi cũng đi đến giai đoạn đó. Có điều, tình yêu nhạc trong tôi vẫn đầy ắp. Những lúc một mình, tôi thường nghe jazz cổ điển của những năm đầu thế kỷ trước, tìm về giá trị nguyên bản của âm nhạc.
Các bản hit của ông giúp nhiều ca sĩ đến gần hơn với công chúng, như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lam Trường... Ông cũng được coi như một trong những tên tuổi tiên phong ở lĩnh vực hòa âm phối khí tại Việt Nam. Khoảng 10 năm gần đây, Bảo Chân ngưng sáng tác vì sức khỏe kém. Hồi tháng 3, ông cùng nhạc sĩ Quốc Bảo, Văn Tuấn Anh ra album tuyển tập các ca khúc cũ, kỷ niệm tình bạn 20 năm.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bao-chan-toi-khong-niu-keo-hao-quang-4381926.html