Cuộc đua cho vị trí đại sứ Mỹ
Những tuần gần đây, Steve Richetti - cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden - liên tục nhận được điện thoại liên quan tới nhân sự tiềm năng cho vị trí đại sứ của Mỹ tại các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Đại sứ Mỹ, theo miêu tả của Harry Reid - cựu thủ lĩnh phe Dân chủ ở Hạ viện, là một chức danh rất được kính trọng mà đa số các bổ nhiệm chính trị khó có thể so bì.
"Bởi vụ luận tội và các vị trí trong nội các vẫn chưa được lấp đầy, nên các bổ nhiệm đại sứ chưa được công bố. Mọi người nên hiểu có những vấn đề quan trọng hơn với tổng thống ngay lúc này thay vì đề cử đại sứ", ông Reid nói, theo Washington Post.
Cuộc đua cho vị trí danh giá
Chạy đua cho vị trí đại sứ cũng giống như bốc thăm trúng thưởng được tổ chức mỗi 4 hoặc 8 năm. Sự ganh đua quyết liệt diễn ra ở cả khu vực công và tư, giữa những ứng viên được chống lưng mạnh mẽ, với nhiều mối quan hệ.
Phần thưởng cho người chiến thắng là danh vọng, cuộc sống xa hoa, và vị thế được tăng lên trong nội bộ đảng.
Năm nay, cuộc đua vào các vị trí đại sứ càng được theo dõi sát sao hơn, trong bối cảnh Tổng thống Biden hứa hẹn sẽ "sửa sai" sau giai đoạn các quan hệ quốc tế của Mỹ chệch hướng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Các đại sứ sẽ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực "sửa sai" ấy.
Tới nay, đại sứ duy nhất được Tổng thống Biden lựa chọn là bà Linda Thomas-Greenfield, ứng viên trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Một số cái tên đình đám khác như Cindy McCain, Jeff Flake và Rahm Emanuel cũng được nhắc tới, nhưng chưa rõ chính quyền Biden có thực sự nghiêm túc đề cử họ hay không.
Bà Linda Thomas-Greenfield, người được ông Biden lựa chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters. |
Việc chạy đua cho vị trí đại sứ đòi hỏi một số thủ thuật ngoại giao. Ví dụ, trợ lý của một ứng viên phát tín hiệu người này quan tâm tới cơ quan đại diện ở Tây Âu, nhưng đồng thời kín đáo cho biết Đức không nằm trong danh sách mong muốn.
Một số ứng viên triển vọng lặng lẽ thể hiện sự quan tâm, không muốn phá hỏng cơ hội nếu vận động quá lộ liễu.
Một số khác thì công khai mối quan hệ của họ với các thân tín của ông Biden hay Ngoại trưởng Antony Blinken.
Nhưng có một thực tế là những ứng viên tiềm năng ngày càng lo ngại, bởi tới nay họ chưa thấy có nhiều động tĩnh từ Nhà Trắng.
Nhiều người thừa nhận không có thông tin gì từ các cố vấn cấp cao của ông Biden.
Một số người thậm chí tức giận với khả năng chính quyền Biden sẽ ưu tiên các cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp vào vị trí đại sứ, thay vì các nhà tài trợ giàu có như những đời tổng thống trước.
"Tổng thống tới nay vẫn chưa thảo luận về vấn đề ông ấy sẽ tiến cử ai vào các vị trí đại sứ. Đây có thể là tin không vui cho những người quan tâm, nhưng sự thật là tổng thống chưa bàn bạc về vấn đề này", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Bà Psaki từ chối trả lời câu hỏi khi nào tình hình nói trên sẽ thay đổi. Tuy nhiên, thư ký báo chí này lưu ý cựu Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên chỉ bắt đầu đề cử các đại sứ vào tháng 3.
Những cái tên đáng chú ý
Một số nguồn tin cho biết chính quyền ông Biden có một danh sách các hành động cần làm, bao gồm bổ nhiệm các thành viên nội các và sắc lệnh hành pháp, vì thế việc bổ nhiệm các đại sứ không phải vấn đề được ưu tiên.
Dẫu vậy, phía sau hậu trường, một số ứng viên hành động từ lâu.
Vài người trực tiếp liên hệ với ông Ricchetti, cố vấn của Tổng thống Biden. Số khác thì làm việc với Thượng nghị sĩ Christopher Coons, một thân tín khác của ông chủ Nhà Trắng.
Không ít người coi các vị trí đại sứ danh giá là cơ hội để Tổng thống Biden chìa cành olive hữu hảo cho phe bảo thủ, trong bối cảnh Nhà Trắng không đề cử bất cứ đảng viên Cộng hòa nào cho các vị trí nội các.
Cindy McCain, phu nhân của cố Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, được truyền thông Anh đưa tin bà đang quan tâm tới vị trí đại sứ Mỹ tại Anh. Người phát ngôn của nhà McCain từ chối bình luận về thông tin này.
Cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake được cho là đang để mắt tới vị trí đại sứ ở Nam Phi hoặc Zimbabwe, nơi ông từng làm việc vào thập niên 1980. Ông Flake không xác nhận thông tin nói trên, nhưng thừa nhận sẵn sàng tiếp nhận những vị trí như thế nếu được đề cử.
"Tôi muốn xây dựng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden theo hướng lưỡng đảng nhất có thể", ông Flake cho biết.
Cựu Thượng nghị sĩ Jeff Flake. Ảnh: AP. |
Một cái tên đáng chú ý khác là Rahm Emanuel - cựu chánh văn phòng Nhà Trắng của chính quyền Obama - đang được cân nhắc cho vị trí đại sứ tại Nhật Bản hoặc Trung Quốc.
Trong khi đó, Julie Smith - phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden khi còn là phó tổng thống - có thể được đề cử làm đại sứ Mỹ tại NATO.
Các nhà tài trợ lớn đang liên hệ với Katie Petrelius, giám đốc tài chính chiến dịch tranh cử của ông Biden và hiện phụ trách Văn phòng Nhân sự nhà Trắng, các nguồn thạo tin cho biết.
"Họ (chính quyền Biden) không hào hứng với (việc bổ nhiệm) các nhà tài trợ lớn như các chính quyền trước, một phần bởi ông Trump đã tạo tiếng xấu khi đưa thân hữu và đồng minh chính trị vào các vị trí đại sứ nhạy cảm ở nước ngoài", một nguồn tin tiết lộ.
"Điều này là nguồn cơn sự giận dữ từ một số nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ bởi cảm thấy không được đối xử như cách họ mong đợi", nguồn tin cho biết.
Đa phần các nhà tài trợ và bạn bè của ông Biden đang gây áp lực phía sau hậu trường. Chỉ riêng Michael Adler, nhà tài trợ lớn từ Florida, đã công khai mong muốn trở thành đại sứ Mỹ ở Israel.
Tổng thống Biden dự kiến dành 1/3 chức danh đại sứ cho những bổ nhiệm chính trị. Số vị trí còn lại sẽ được lựa chọn từ các cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp.
Không thể làm vừa lòng tất cả
Tổng thống Biden sẽ ưu tiên kinh nghiệm ngoại giao hoặc làm việc trong chính quyền khi lựa chọn các vị trí đại sứ.
Điều này hiển nhiên là cần thiết trong bối cảnh chính quyền của ông Biden muốn đưa các mối bang giao của Mỹ trở về quỹ đạo cũ. Thế nhưng, ưu tiên nói trên làm giảm số vị trí dành cho những nhà tài trợ, hai nguồn tin cho biết.
"Tôi sẽ bổ nhiệm những người tốt nhất có thể. Thực tế, tôi sẽ không bổ nhiệm bất cứ ai dựa trên (số tiền) đóng góp", ông Biden phát biểu trong giai đoạn chạy đua nội bộ đảng Dân chủ tháng 12/2019.
Tuy nhiên, ông Biden khi đó bổ sung một số ứng viên đại sứ tiềm năng "có thể có hoặc không đóng góp" cho chiến dịch tranh cử của ông.
Chính quyền Tổng thống Biden đang có nhiều ưu tiên khác thay vì bổ nhiệm các đại sứ. Ảnh: Nhà Trắng. |
Các cơ quan đại diện được ưa thích nhất, thường thuộc về các nhà tài trợ hoặc đồng minh chính trị của tổng thống, gồm đại sứ quán ở London (Anh), Paris (Pháp), Rome (Italy), Dublin (Ireland), Vantican và Jerusalem (Israel).
Một số đại sứ quán Mỹ cũng được quan tâm nằm ở Nhật Bản, Đức, Bỉ, Nam Phi, Canada, Mexico và Trung Quốc, bởi đây là các nước có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ.
Ông Biden là một tín đồ Thiên chúa giáo Ireland ngoan đạo. Điều này lý giải nguyên nhân vị trí đại sứ Mỹ ở Ireland và Vatican năm nay được đặc biệt quan tâm.
John Morgan, người từng tham gia vận động gây quỹ cho ông Biden, cho biết những nhà tài trợ chính trị giàu có, với quyền lực và ảnh hưởng lớn, thường chi tiền với niềm tin sẽ nhận được đền đáp.
"Đa số họ quá quen với việc nhanh chóng đạt được những gì mình muốn", ông Morgan nói.
Nhưng chính quyền mới của Tổng thống Biden đã có quá đủ các vấn đề. Không cần các nhà tài trợ quấy rầy đòi hỏi được đền đáp, Nhà Trắng hiện không thiếu các khủng hoảng cần xử lý.
"Tổng thống mới chỉ nhậm chức một tháng, tiếp nhận di sản của một chính phủ không có kế hoạch phân phát vaccine, hàng loạt nhân viên chính quyền chuyên nghiệp đã rời nhiệm sở, ông ấy giờ còn phải chờ nội các được phê duyệt", ông Morgan nói.
Khoảng 800 cá nhân đã gây quỹ ít nhất 100.000 USD mỗi người cho chiến dịch tranh cử của ông Biden. Không ít trong số đó chắc chắn hy vọng sẽ được tưởng thưởng sau khi ông Biden chiến thắng.
"Chưa từng có cuộc tranh cử nào quyên góp được nhiều tiền như vậy từ cả hai ứng viên. Rõ ràng họ không thể làm vừa lòng tất cả những người muốn được làm đại sứ", Ed Rendell, cựu thống đốc bang Pennsylvania, cho biết.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/cuoc-dua-chay-chuc-dai-su-my-post1184537.html