Cuộc chiến pháp lý hơn 10 năm của Julian Assange
Julian Assange nhìn ra cửa sổ máy bay khi từ London tới Bangkok ngày 25/6. Ảnh: AFP
Julian Assange sáng sớm 24/6 rời nhà tù Belmarsh để đến tòa án London làm thủ tục bảo lãnh, trước khi lên chuyến bay quá cảnh ở Bangkok. Từ đây, Assange sẽ được chuyển tới Saipan, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, để nghe phán quyết định đoạt tự do của mình.
Theo thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, Assange sẽ nhận tội âm mưu chiếm đoạt và tiết lộ các tài liệu quốc phòng bí mật của Washington. Đổi lại, ông sẽ được tuyên án 62 tháng tù, đúng bằng khoảng thời gian ông đã ngồi tù ở London.
Thỏa thuận này đồng nghĩa Assange sẽ được trả tự do và trở về nhà ở Australia, không phải chịu lệnh dẫn độ sang Mỹ. Saipan được chọn làm nơi tuyên án bởi Assange không muốn đến lục địa Mỹ và hòn đảo này cũng rất gần với Australia, theo các công tố viên.
Thỏa thuận pháp lý, được công bố ngày 24/6 và cần được thẩm phán liên bang chấp thuận, gần như chắc chắn sẽ kết thúc cuộc chiến pháp lý hơn 10 năm của Assange, chấm dứt những tháng ngày ông phải ẩn náu trong những căn phòng chật chội hay bị giam trong tù.
Assange sinh ngày 3/7/1971 tại Queensland, Australia. Khi mới 20 tuổi, Assange đã trở thành hacker chuyên nghiệp và nổi tiếng trong cộng đồng tin tặc ở Australia với biệt danh Mendax.
Năm 1996, ông thừa nhận 24 tội danh về hoạt động tin tặc tại Tòa án hạt Victoria ở Melbourne. Mặc dù thẩm phán mô tả các hành vi phạm tội là "khá nghiêm trọng", ông cũng nói rằng động cơ của Assange chủ yếu là do "tò mò" hơn là ác ý. Assange cuối cùng chỉ bị phạt hành chính và được phóng thích.
Năm 2006, ông trở thành đồng sáng lập tổ chức WikiLeaks nhằm tạo ra nền tảng cho phép những "người thổi còi" công bố các tài liệu rò rỉ một cách an toàn.
Tổ chức này trở thành tâm điểm chú ý năm 2010 vì những thông tin rò rỉ liên quan tới cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Tài liệu đã chỉ ra sự cố năm 2007, trong đó một trực thăng của quân đội Mỹ đã bắn chết hàng chục người, trong đó có hai nhân viên hãng Reuters.
Chelsea Manning, cựu quân nhân Mỹ đã trao hàng trăm nghìn trang tài liệu cho WikiLeaks, bị bắt năm 2010 và bị kết 35 năm tù tại tòa án quân sự ba năm sau đó. Trước khi rời nhiệm sở hồi tháng 1/2017, tổng thống Barack Obama đã quyết định ân xá cho Manning sau khoảng 7 năm ngồi tù.
Vào tháng 11/2010, chính quyền Thụy Điển ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Assange, liên quan tới cáo buộc tấn công tình dục hai phụ nữ. Hai người này cho biết mối quan hệ ban đầu xuất phát từ sự đồng thuận, nhưng Assange sau đó hành động trái với mong muốn của họ.
Assange bị bắt ở Anh và hợp tác điều tra với cảnh sát Anh, dù phủ nhận các cáo buộc. Ông cho rằng đây chỉ là cái cớ để ông bị dẫn độ sang Mỹ liên quan tới vụ rò rỉ tài liệu.
Ông chủ WikiLeaks bắt đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài, đưa sự việc lên Tòa án Tối cao Anh. Sau khi sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý, ông vào ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6/2012 để tránh bị bắt. Ecuador đã cấp quyền tị nạn chính trị cho Assange vào tháng 8 năm đó, song ông chủ WikiLeaks không thể ra khỏi khuôn viên đại sứ quán, nơi có cảnh sát Anh túc trực bên ngoài để sẵn sàng thực thi lệnh bắt ông.
Assange đã ở lại trong đại sứ quán Ecuador nhiều năm. Tuy nhiên, trong quá trình này, ông đã có nhiều hành động thất thường và không tuân thủ một số quy định, khiến giới chức Ecuador khó chịu và cuối cùng quyết định thu hồi quyền tị nạn cho ông.
Quan chức Ecuador cáo buộc Assange trượt ván và chơi đá bóng bên trong đại sứ quán, cư xử thô lỗ với nhân viên. Sau khi Assange nhận nuôi một con mèo, Ecuador cáo buộc ông không chăm sóc nó và đã cân nhắc thu hồi quyền sở hữu thú cưng của ông.
Giới chức Ecuador cũng cho biết Assange và luật sư của ông cáo buộc nhân viên đại sứ quán theo dõi ông giúp chính phủ Mỹ. Cáo buộc này đã khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng.
Tháng 7/2016, khi Assange vẫn ở đại sứ quán Ecuador, WikiLeaks công bố tài liệu có nguồn gốc từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và John Podesta, chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange tới tòa án ở London, Anh, tháng 4/2019. Ảnh: Atlantic Council
Tài liệu được cho là bị đánh cắp bởi các tin tặc do Nga hậu thuẫn và có lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách đã không công khai bất kỳ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa Nga và WikiLeaks.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống và sau khi đắc cử, ông Trump ca ngợi WikiLeaks vì đã tiết lộ các tài liệu gây tổn hại cho bà Clinton và chiến dịch tranh cử của bà.
Trong cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania, ông Trump nói "WikiLeaks, tôi yêu WikiLeaks". Nhưng sau khi Assange bị bắt ở London, ông Trump nói "tôi không biết gì về WikiLeaks. Đó không phải là chuyện của tôi".
Công tố viên Thụy Điển đã hủy cuộc điều tra với Assange vào năm 2019, nói rằng thời hiệu xử lý cáo buộc đã hết và khả năng kết thúc vụ án ở Thụy Điển là rất thấp.
Tháng 4/2019, Ecuador rút quy chế tị nạn với Assange. Ngoại trưởng Ecuador vào thời điểm đó cáo buộc Assange can thiệp vào giao dịch của Ecuador với các nước khác. Quan chức Ecuador cũng cho biết ông chủ WikiLeaks có những vấn đề về sức khỏe và không thể đảm bảo an toàn nếu tiếp tục ở đại sứ quán nước này tại London.
Cảnh sát Anh sau đó bắt Assange tại đại sứ quán Ecuador, nói rằng họ hành động "thay mặt Mỹ" và cáo buộc ông vi phạm các điều kiện bảo lãnh. Assange đã trải qua 5 năm trong nhà tù Belmarsh ở London, tiếp tục các nỗ lực pháp lý ở tòa án để tránh bị dẫn độ sang Mỹ.
Mỹ cáo buộc Assange cùng với Manning âm mưu chiếm đoạt các tài liệu mật liên quan tới cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Các công tố viên Mỹ lập luận rằng quyết định công bố các tài liệu của WikiLeaks gây nguy hiểm cho cuộc sống của những người cung cấp thông tin cho Mỹ.
Công tố viên liên bang muốn Assange hầu tòa với cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp. Ông đối mặt 18 tội danh và có thể bị kết án tù lên tới 175 năm.
Ông Assange tại sân bay Stansted London, Anh ngày 24/6. Ảnh: AFP
Năm 2021, thẩm phán Anh từ chối yêu cầu dẫn độ Assange sang Mỹ với lý do ông có khả năng tự sát nếu bị giam trong các nhà tù có điều kiện khắc nghiệt ở Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ sau đó kháng cáo thành công.
Tháng 5/2024, tòa án ở London quyết định Assange có thể tiếp tục kháng cáo lệnh dẫn độ sang Mỹ, dựa trên lập luận ông có thể không được bảo vệ quyền tự do ngôn luận hay gặp bất lợi vì không phải công dân Mỹ.
Thỏa thuận mới với Bộ Tư pháp Mỹ sẽ giúp ông chủ WikiLeaks kết thúc 1.901 ngày phải ở trong phòng giam chật chội. Stella Assange, vợ ông, đăng bài trên mạng xã hội X, cảm ơn những người ủng Assange, "những người đã nỗ lực nhiều năm để biến điều này trở thành hiện thực".
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-chien-phap-ly-hon-10-nam-cua-ong-chu-wikileaks-4762229.html