CSIRO ngừng nghiên cứu về biển với Trung Quốc
Trong thông báo được đưa ra mới đây, Cơ quan nghiên cứu khoa học Australia (CSIRO) cho biết, dự án nghiên cứu chung giữa văn phòng của cơ quan này tại thành phố Hobart với Phòng thí nghiệm biển quốc gia Thanh Đảo của Trung Quốc sẽ không được gia hạn sau tháng 6/2022 sau 5 năm hợp tác nghiên cứu.
Giáo sư Cai Wenju, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của CSIRO có dự án hợp tác với Phòng thí nghiệm biển Thanh đảo của Trung Quốc.
Tờ The Australiancho biết, Cơ quan nghiên cứu khoa học của Australia đưa ra quyết định này 2 tuần sau khi Tổng giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mike Burgess kêu gọi các cơ quan nghiên cứu cân nhắc các quan hệ đối tác với nước ngoài trong các dự án liên quan đến mô hình nhiệt độ đại dương khi cho rằng các nghiên cứu này có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động tàu ngầm chống lại Australia.
Dự án này nghiên cứu chung này phải ngừng lại là do phía đối tác Trung Quốc là Phòng thí nghiệm biển quốc gia Thanh Đảo có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Mặc dù người phát ngôn của CSIRO không đề cập điều này song cho biết, quyết định dừng dự án nghiên cứu chung với Trung Quốc là do chiến lược nghiên cứu của cơ quan và quyết định được đưa ra dựa trên việc cân bằng các bộ phận nghiên cứu của CSIRO.
Từ tháng 6/2018, Australia đã ban hành luật chống can thiệp từ bên ngoài. Kể từ đó đến nay, các cơ quan an ninh của nước này làm việc chặt chẽ với nhiều tổ chức ở trong nước, trong đó có các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu để rà soát lại các dự án hợp tác với nước ngoài từ đó xác định những dự án cần được chấm dứt để không gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Australia.
Luật chống can thiệp từ nước ngoài và luật Quan hệ đối ngoại mà Quốc hội nước này thông qua vào cuối năm ngoái trở thành 2 công cụ hữu hiệu để giúp Australia củng cố an ninh quốc gia và giảm sự can thiệp từ bên ngoài./.
Article sourced from VOV.