Công ty Nhật cung cấp máy bay không người lái giúp "đuổi" nhân viên về khi hết giờ làm
Máy bay không người lái F-Trend sẽ sớm được đưa vào sử dụng - Ảnh: The Japn Times
Dịch vụ này được một khách hàng của Taisei tiết lộ. Máy bay không người lái mang tên “T-Frend” sẽ phát liên tục Auld Lang Syne, một bài hát lâu đời của Scotland được các cửa hàng ở Nhật dùng để thông báo đóng cửa, để khiến những ai làm việc muộn tại văn phòng không thể tập trung làm việc.
Norihiro Kato, một giám đốc của Taisei, cho biết: “Bạn không thể thực sự làm việc khi trong đầu cứ phải nghĩ rằng nó (máy bay không người lái) sẽ bay đến bất cứ lúc nào và phải nghe thấy bài Auld Lang Syne cùng với tiếng vo vo của máy bay”.
T-Frend được trang bị một máy quay, ghi lại cảnh trong văn phòng vào thẻ nhớ SD. Văn phòng có thể được theo dõi từ xa bằng thiết bị điều khiển.
Đặc biệt, máy bay này xác định được vị trí mà không cần định vị GPS. Nó sẽ xuất phát từ nơi đặt máy bay, giám sát quanh các phòng làm việc theo đường bay được lập trình trước rồi tự động quay về, The Japan Times cho hay.
Taisei dự kiến cung cấp dịch vụ dùng T-Frend vào tháng 4.2018, với sự hợp tác của nhà phát triển hệ thống máy bay không người lái Blue Innovation và đơn vị vận hành viễn thông NTT East. Mức giá của dịch vụ chưa được quyết định, nhưng giá mục tiêu công ty đặt ra vào khoảng 500.000 Yên Nhật (4.500 USD) một tháng, giám đốc Kato cho biết.
Ngoài chức năng “đuổi” nhân viên về khi hết giờ làm, các nhà phát triển T-Frend còn đang nghiên cứu khả năng trang bị cho máy bay công nghệ nhận diện khuôn mặt để các công ty biết rõ nhân viên nào ở lại làm việc muộn hay có kẻ đột nhập công ty.
T-Frend sẽ phát liên tục bài hát Auld Lang Syne để khiến những ai làm việc muộn tại văn phòng không thể tập trung làm việc - Ảnh: Taisei
Nhiều công ty Nhật cho biết tuy các cấp quản lý của công ty thường hay không cho cấp dưới làm việc quá muộn, nhưng điều này lại dẫn đến tình trạng làm việc muộn ở cấp quản lý. Do đó, các doanh nghiệp đã phải nhờ đến công ty an ninh như Taisei.
Tuy nhiên, do tình trạng thiếu lao động ở Nhật, các công ty an ninh không đủ nhân lực thực hiện việc này. T-Trend vì vậy có tới hai lợi ích là giúp giảm số giờ làm thêm và bù đắp cho nhân lực bị thiếu thốn.
Vào mỗi năm, thời gian làm việc quá dài luôn được xem là nhân tố dẫn đến hàng chục cái chết vì đau tim, đột quỵ và tự sát tại Nhật Bản. Nhằm giảm giờ làm và khuyến khích người Nhật chi tiêu nhiều hơn, chính quyền Tokyo vào tháng 2 đã khởi động chương trình “Thứ sáu thưởng”, kêu gọi nhân viên các công ty nghỉ sớm vào 15 giờ chiều ngày thứ sáu cuối cùng của tháng. Tuy vậy, chương trình này có vẻ như đã lắng xuống khi nhiều người cho biết thứ sáu cuối cùng của tháng là một trong những ngày bận rộn nhất của họ, theo The Japan Times.
Nhật Bản là một trong những nước phát triển có thời gian làm việc nhiều nhất thế giới - Ảnh: SCMP
Nhiều chuyên gia không đánh giá cao dịch vụ F-Trend của Taisei. Ông Seijiro Takeshita, giáo sư của đại học Shizuoka, cho rằng gốc rễ của vấn đề là văn hóa làm việc của người Nhật, vì vậy thay đổi nhận thức mới là điều quan trọng.
Scott North, giáo sư xã hội học của Đại học Osaka, cho rằng thậm chí F-Trend có buộc nhân viên làm muộn rời khỏi công sở, thì họ cũng có thể đem công việc đang dang dở về nhà làm. Theo ông, muốn cắt giảm giờ làm việc thì phải giảm khối lượng công việc, giảm các việc phí thời gian và bỏ những phong trào thi đua, hoặc thuê thêm nhân viên.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1993451