Con đâu biết rằng, mình chỉ là “công cụ” trả thù của ba mẹ
ảnh minh họa
Ngày bố và mẹ ly hôn, ai cũng giằng con về phía mình bằng được. Lúc đó dù đau khổ khi con không được ở cùng cả bố và mẹ thế nhưng con thấy mình được an ủi khi nghĩ cả bố và mẹ yêu thương con nên mới tranh giành con như vậy. Con đâu biết rằng, mình chỉ là “công cụ” trả thù của bố mẹ. Bố tranh nuôi con vì không muốn mẹ được gần con, để có thể dần dần cắt đứt tình cảm giữa mẹ và con. Mẹ giành nuôi con vì thực sự mẹ không yên tâm để con ở cùng bố. Và điều quan trọng không kém là mẹ biết con là “báu vật” của nhà nội. Mẹ muốn trả thù bố và nhà nội.
Con chỉ là công cụ trả thù của bố mẹ. Ảnh minh họa
Những tháng ngày bất ổn với con bắt đầu từ đó. Con ở với mẹ nhưng khi con làm gì mẹ không ưng ý, mẹ lại gằn giọng: Sao mày giống thằng bố mày thế! Không cẩn thận gì, lúc nào cũng bừa bộn. Tao không thể chịu đựng được mày nữa khi cứ nhìn thấy mày tao lại nhìn thấy hình ảnh thằng bố mày. Mày cút về ở với bố mày đi cho tao đỡ mệt mỏi! Con đã vô cùng tổn thương khi nghe những lời mắng chửi ấy.
Những ngày sang ở với bố, con cũng chẳng được đối xử tử tế hơn. Tất cả cũng chỉ vì mối quan hệ của bố và mẹ quá tệ nên bố mẹ luôn mang con ra để dằn hắt, “tra tấn”. Ở tuổi của con, không phải bố nói gì con cũng răm rắp nghe theo. Thấy con cãi lời, bố gầm lên mắng: Sao mày cứng đầu cứng cổ giống mẹ mày thế! Tính cách như thế sau này chẳng có thằng chồng nào nó chịu được đâu! Mẹ mày dạy mày cãi bố à! Con cái mà hư đốn thế à!...
Không chỉ có thế, con ở với mẹ, mẹ nói xấu bố và nhà nội như kẻ thù. Rằng bố là người đàn ông tồi tệ, tiền cho gái thì không tiếc mà tiếc tiền cho con. Rằng bà nội là người không ra gì vì xui bố bỏ mẹ, mọi m.âu th.uẫn của bố mẹ đều bắt nguồn từ bà. Về nhà bố, bố và bà nội lại mang mẹ ra chê bai, nói xấu. Không chỉ thế, còn nói xấu cả ông bà ngoại đã không biết dạy con gái… Ở giữa, con hứng chịu tất cả. Con không khác gì “tử tù” khi phải đi giữa hai làn đạn. Con vừa muốn ra khỏi nhà mẹ nhưng lại không muốn về nhà bố. Chẳng ở nơi nào con cảm thấy bình yên.
Con cảm thấy khổ tâm khi mọi người xung quanh nhìn con với ánh mắt thương hại, châm chọc con về chuyện gia đình. Dù rất chán nản nhưng con luôn cố gắng học để không bị mọi người dè bỉu, cười chê. Thế nhưng, con nhận được gì sau sự cố gắng ấy. Là sự so sánh của mẹ với “con nhà người ta”. Là sự chưa hài lòng của bố khi điểm môn Toán của con quá lẹt đẹt. Bố mẹ khen ngợi con nhà này giỏi tiếng Anh, con nhà kia đạt giải nọ, thành tích kia. Thế nhưng, bố mẹ có từng nghĩ đến con nhà người ta được sống ấm êm, còn con thì phải vượt qua bao giông bão cuộc đời như thế nào không?
Đôi khi, quá mệt mỏi, quá buồn chán, mẹ lại đổ lên đầu con mọi tội lỗi. Tội lỗi lớn nhất là: “Không có mày, tao đâu phải khổ vậy!”. Mẹ nói cứ như thể việc chia tay của bố mẹ là do lỗi của con. Bố mẹ có biết con cảm thấy áp lực lắm không? Bố mẹ đã không mang lại hạnh phúc cho con thì cũng đừng chê bai hay xem thường nỗ lực của con. Sức chịu đựng của con có hạn, nếu bố mẹ cứ tiếp tục cư xử với con như vậy thì sẽ có ngày tức nước vỡ bờ, con không biết có thể gắng gượng được nữa không?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2546723