Cơ thể phản công trước virus corona thế nào?
Dịch virus corona (2019-nCoV) tiếp tục lan rộng, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người với bệnh nhân tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc (Philippines).
Dưới đây là bài viết của PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần, Los Angeles, California, Mỹ, giúp bạn hiểu rõ hơn về hệ miễn dịch và cách tăng sức đề kháng chống virus.
Cơ thể phản công trước virus corona thế nào?
Thông thường, khi virus vào bên trong cơ thể khoẻ mạnh, chúng sẽ dần dần bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch. Khi mới vào cơ thể, số lượng virus nhân lên rất nhanh qua trung gian tế bào chủ, làm chết các tế bào này, tiết ra dấu hiệu viêm nhiễm. Chúng ta có các triệu chứng như mệt mỏi, sốt.
Nếu virus tấn công tế bào phổi (như virus corona thường bám vào tế bào phổi) sẽ gây ra các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản sinh thêm nhiều tế bào (bạch cầu), tạo thêm các kháng thể, tế bào chuyên diệt virus. Các tế bào này sẽ nhanh chóng dò tìm ra virus và tiêu diệt chúng. Đa số triệu chứng chúng ta có là do "cuộc chiến giữa hệ miễn dịch và virus" khi các tế bào nhận ra, theo dõi và tấn công virus hay vi khuẩn.
Người nhập cảnh đến từ 31/31 tỉnh, thành của Trung Quốc sẽ bị cách ly bắt buộc. Ảnh: Việt Linh. |
Cơ thể chúng ta cần thời gian, năng lượng và một hệ miễn dịch tốt để phát hiện và chiến đấu chống virus. Điều này giải thích vì sao đa số các bệnh nhân tử vong từ virus corona là người có hệ miễn dịch yếu (do lớn tuổi, có các bệnh mạn tính khác).
Vì vậy, cách ly bệnh nhân là biện pháp tốt nhất để chống dịch virus corona. Khi bệnh nhân bị cách ly, họ sẽ từ từ hồi phục trong khi virus corona không thể lan ra những người xung quanh. Với những bệnh nhân yếu, họ sẽ được nhập viện và chữa trị hỗ trợ để giúp cơ thể có thêm sức chiến đấu virus.
Hệ miễn dịch chúng ta rất thông minh, bảo vệ cơ thể trước hàng triệu vi khuẩn và virus mỗi ngày.
Hệ miễn dịch của cơ thể là hệ thống bao gồm nhiều cơ quan, từ làn da bên ngoài, các tuyến nước bọt và dịch, hạch bạch huyết, đến tế bào bạch cầu, kháng thể, nhiều tế bào và chất sinh hóa học khác. Hệ miễn dịch được xem như quân đội của một quốc gia, luôn bảo vệ đất nước trước ngoại xâm.
Mỗi ngày, làn da bảo vệ hàng triệu vi khuẩn tiến vào cơ thể. Nếu vi khuẩn hay virus vào được cơ thể, lập tức các tế bào miễn dịch, thường là tế bào T đi tuần tra. Chúng sẽ đánh dấu các vi khuẩn như kẻ lạ và bật lên hệ thống báo động, kéo thêm các tế bào khác đến và tiêu diệt virus, vi khuẩn.
Trường hợp virus HIV tấn công trực tiếp vào tế bào miễn dịch T, làm tê liệt hệ thống miễn dịch, dẫn đến bệnh nhân không có khả năng tự bảo vệ mình (bệnh HIV/AIDS được gọi là bệnh do hệ thống suy giảm miễn dịch mắc phải). Bệnh nhân HIV thường tử vong do nhiễm trùng vì không thể chiến đấu chống vi khuẩn. Ví dụ, bệnh nhân HIV thường chết vì bệnh lao phổi nếu không dùng thuốc kháng virus liều cao (HAART).
Cải thiện hệ miễn dịch (sức đề kháng) bằng cách nào?
Chọn lối sống lành mạnh:
Đây là cách hiệu quả nhất. Cơ thể sẽ có hệ miễn dịch khỏe mạnh trong một cơ thể cường tráng, như có quân đội tinh nhuệ trong quốc gia.
Cách sống lành mạnh đơn giản gồm:
- Không hút thuốc, uống rượu bia
- Ăn uống cân bằng (đủ rau cải, trái cây, ít đường, đủ nước..)
- Tập thể dục đều đặn
- Không tăng cân hay giảm cân
- Ngủ đủ giấc
- Rửa tay ít nhất 20 giây bằng nước và xà phòng
- Ăn thức ăn nấu chín
- Hạn chế stress và áp lực
- Giữ tinh thần tốt thông qua tập yoga, thiền, nghe nhạc
Cách ly bệnh nhân, ngăn ngừa lây bệnh qua đường hô hấp là cách tốt nhất để chiến đấu với nCoV. Ảnh: P.A. |
Cẩn thận với các quảng cáo thuốc/thức ăn tăng cường hệ miễn dịch:
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy các thuốc hay thực phẩm chức năng có hiệu quả tăng cường hệ miễn dịch. Trái lại, việc tăng thêm nhiều tế bào miễn dịch hay tế bào máu có thể làm hại cơ thể như tăng rủi ro đột quỵ.
Điểm mấu chốt của hệ miễn dịch là sự chính xác và tinh nhuệ từ các tế bào, không phải là con số. Bởi, khi số lượng bạch cầu tăng chưa chắc cơ thể sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn. Ví dụ, ở bệnh ung thư máu bạch cầu, số lượng bạch cầu tăng đột biến nhưng những tế bào này chưa trưởng thành đầy đủ, không có khả năng chiến đấu với vi khuẩn và virus. Cuối cùng, hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh ung thư máu yếu hơn
Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính xác là chúng ta cần bao nhiêu loại tế bào miễn dịch và tăng như thế nào là tốt nhất. Chúng ta chỉ biết các tế bào miễn dịch luôn làm việc chung với nhau, quan trọng là tỷ lệ ổn định, chất lượng đồng đều, và có hệ thống cơ quan khác (tim, phổi, thận, gan, da,..) khỏe mạnh để cùng hợp tác chiến đấu với hệ miễn dịch.
Chích ngừa vắc xin là cách tốt cải thiện hệ miễn dịch
Khi chúng ta lớn tuổi, hệ miễn dịch dần yếu đi. Các tế bào có thể sinh ra nhiều hơn nhưng chúng mất dần sự nhanh nhạy, chính xác và khả năng tìm diệt virus, vi khuẩn. Vì vậy, bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu (do hút thuốc) hay trên 65 tuổi thường được khuyên chích ngừa vắc xin phổi nhưcách để chỉ cho cơ thể biết nhận các vi khuẩn phế cầu (Pneumococcal).
Nếu các vi khuẩn sau này xâm lấn vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận ra nhanh và tiêu diệt chúng. Nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát bệnh Mỹ (CDC) năm 2010, cho thấy vắc xin PCV13 đã bảo vệ 30.000 bệnh nhân mắc viêm phổi và ngăn ngừa ít nhất 3.000 người chết vì bệnh này.
Nghiên cứu khác của CDC đăng trên tạp chí Nhi khoa Pediatrics năm 2017, cho thấy giảm tỷ lệ tử vong do bệnh cúm influenza trên trẻ em đến 51% khi chích ngừa vắc xin.
Tóm lại, nCoV hay các virus khác, vi khuẩn thường sẽ bị hệ miễn dịch khỏe mạnh tiêu diệt. Cách ly bệnh nhân, ngăn ngừa lây bệnh qua đường hô hấp (rửa tay, đeo/tháo khẩu trang đúng) là cách tốt nhất để chiến đấu với chúng. Hệ miễn dịch sẽ giảm dần theo tuổi tác. Chúng ta chọn cách sống lành mạnh và các biện pháp hỗ trợ khác như chích ngừa vắc xin để tăng cường khả năng miễn dịch.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/lam-gi-tang-cuong-kha-nang-de-khang-cua-co-the-post1042367.html