Có một đặc sản “ngọt thấu tâm can” khiến người ăn muốn ngừng mà không được khi đặt chân đến Kiên Giang
So với An Giang, bánh thốt nốt của Kiên Giang độc đáo với sức hút không kém cạnh (Ảnh: @jayden_huylovegood)
Nói đất Kiên Giang có đặc sản là bánh thốt nốt thì chắc ai cũng ngỡ ngàng vì bấy lâu nay, món ngon này vẫn nằm trong danh sách hương vị độc đáo của riêng vùng An Giang. Dẫu vậy, nếu một lần được thưởng thức bánh thốt nốt chuẩn vị Hà Tiên thì chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi cái dư âm ngọt ngào và dân dã đó. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, đồng bào Khmer trên mảnh đất này đã cho ra đời món bánh thốt nốt vàng ươm, ngọt mà không gắt lại chan chứa dư vị béo thơm của sáp dừa khiến người bản địa lẫn thực khách phương xa, chỉ cần lỡ “chạm môi” một lần liền nhớ hoài nhớ mãi.
Thốt nốt được biết đến là loài cây thân thẳng, được trồng nhiều và trở thành sản vật độc đáo của vùng Tịnh Biên, Tri Tôn tỉnh An Giang hay vùng Hà Tiên của đất Kiên Giang. Hương vị ngọt ngon của thức quả thốt nốt ngoài dùng làm đường, nước uống giải khát ra còn có thể làm bánh, nhưng ấn tượng trên hết là món bánh thốt nốt trứ danh với thành phần chính chỉ từ đường, dừa, bột gạo và trái thốt nốt.
Bên cạnh gạo, sự thành công của món bánh thốt nốt không thể "vắng bóng" thức quả "thần thánh" này (Ảnh: @vy.n.y)
Quy trình làm bánh thốt nốt khá đơn giản, chỉ cần yêu thích công việc bếp núc là bạn đều có thể “xắn tay áo” lên và làm ngay bất cứ lúc nào. Người ta ngâm gạo cho nở mềm, sau đó xay thành bột và ủ cho lên men trong một đêm. Nghe thì đơn giản nhưng mẻ bánh có thành công và thơm ngon đúng điệu hay không phụ thuộc hết vào công đoạn ủ bột này. Trái thốt nốt chín đúng độ sẽ có màu vàng, được lột vỏ, tách đôi sau đó lấy phần thịt chà vào rổ và hứng lấy phần nước bên dưới.
Dù xã hội có hiện đại mấy, người dân nơi đây vẫn cố giữ cách xay gạo thành bột thủ công này
Phần ruột của trái thốt nốt sẽ được chà lên rổ và lấy phần nước bên dưới, sau đó hòa cùng với bột
Bột gạo sau khi ủ sẽ cho nước thốt nốt vào, tiếp đến là đường thốt nốt và trộn đều tay đến khi đường tan hết. Sau cùng, cho dừa nạo vào, trộn tiếp cho đều rồi để bột nghỉ trong 1 tiếng. Khi gói bánh, cho lên mặt lá ít dừa nạo, lớp bột gạo thốt nốt sau đó gói kín kẽ lại, bước cuối cùng là đặt vào xửng hấp, tầm 15 phút bánh sẽ chín với hương thơm lan tỏa khắp không gian.
Cho ít dừa nạo lên các lớp lá
Sau đó phết bột lên và gói lại thật đều
Thành phẩm cuối cùng sẽ là mẻ bánh thơm nức với màu vàng ươm bắt mắt thế này đây
Khám phá sâu vào lớp lá xanh mát là phần bánh vàng ươm, bắt mắt cùng hương vị ngọt ngon từ thốt nốt, bùi bùi nhờ bột gạo và thơm béo của sáp dừa,… tất cả hòa quyện một cách hài hòa, tạo thành thức bánh tuy dân dã nhưng không biết đã khiến bao người thế gian mê đắm. Về đất biển Kiên Giang, chỉ đắm chìm trong các sản vật biển thì có hơi “nhàm”, phải thử qua món bánh đậm vị “bờ” này thì chuyến hành trình mới thêm phần trọn vẹn.
Giữa vô vàn các món ngon đặc sản, người ta vẫn không thể không nhắc đến món bánh thốt nốt trứ danh của đất biển Kiên Giang(Ảnh: @duytn.hcm)
Nhắc đến Kiên Giang, hằng hà sa số cái tên vừa nghe liền biết ngay “cộp mác” của biển như tôm,cá, cua, ghẹ, mực,… đã quá quen và thật sự quá “xoàn”, chỉ khi ăn rồi món bánh thốt nốt đậm đà với vị ngọt bùi lan sang từng “chân tơ kẽ tóc” mới thấy, đất Kiên Giang đâu chỉ có biển và ẩm thực Kiên Giang không chỉ một màu. Đến đây ăn bánh thốt nốt, đừng quên gói lại thành chút quà như mang trọn cái nghĩa, cái tình của mảnh đất này theo chân.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2699661