Có lẽ đây là "bài toán khó nhất" của mọi phụ huynh thời hiện đại: Làm bố mẹ một cách ôn hoà
Chồng tôi là chuyên gia giáo dục mầm non ở Nhật, bản thân tôi lớn lên ở Việt Nam trong văn hoá "thương cho roi cho vọt", cứ nghĩ rằng trẻ nhỏ cần được dạy dỗ để hiểu quy tắc và kỉ luật thì mới có thể nên người. Nhưng chiến lược của chồng tôi hoàn toàn ngược lại: Không la mắng, không trách phạt, không sợ hãi, không time out.
Thời gian con trai đầu lòng bước qua 3 tuổi, tôi đã gặp nhiều khó khăn bởi các hành vi không mong đợi của con mình. Buổi tối sau khi con ngủ xong, tôi bảo chồng một cách nghiêm nghị: "Chúng ta cần nói chuyện". Có lẽ đối với đàn ông nói chung và chồng tôi nói riêng, đó là câu nói mang nhiều ám ảnh.
Làm mẹ ôn hòa có hiệu quả?
Tôi đã trải qua những ngày "chiến đấu" tâm trí với cậu con trai 3 tuổi và cô con gái 1 tuổi. Những đứa trẻ suốt ngày la hét, chạy nhảy, đổ nước vung vẩy khắp nhà. Chúng từ chối ăn rau và không bao giờ chịu ngồi yên trên ghế mỗi khi ra ngoài...
Trong tất cả các lần đó, tôi đã không thể la hét, trừng phạt để giải toả sự thất vọng. Tôi đem xả vào bố bọn trẻ: "Có gì đó không ổn ở đây". Tôi cảm thấy hoài nghi vào chiến lược "làm mẹ ôn hoà" mà vợ chồng tôi đã giao ước từ trước.
Em bé quấy khóc không ngừng vì buồn ngủ. Chỉ nói “không không” và khóc. Mẹ dỗ dành kiểu gì cũng “không”.
Chồng tôi đồng ý và dường như hiểu được những khó khăn của tôi. "Thật ra chúng ta nên vui mừng vì các con được thể hiện như chính nó. Được làm trẻ con thực sự. Khi đứa trẻ lúc nào cũng nghe lời và cư xử tốt đẹp, liệu chúng có còn là trẻ con nữa không? Một đứa trẻ lúc nào cũng sợ bị la, sợ phạt, chúng sẽ ngừng khám phá, ngưng tò mò và mất đi sự hiếu kì vốn có", anh nói.
Vào một thời điểm nào đó, đứa trẻ đã từng hỏi "vì sao" không ngừng nghỉ năm 3 tuổi lại không nói gì với bạn cả, chúng không còn vẽ lên tường, không còn tháo các loại phụ kiện đồ chơi trải đầy ra sàn nhà nữa... Tất cả những điều đó có thể không lặp lại, nhưng các con vẫn không mất đi bản năng hiếu kì khám phá và học hỏi. Đó mới là điều quan trọng.
"Điều quan trọng không phải là con có lặp lại những hành vi đó hay không, mà quan trọng là chúng tự mất như thế nào? Cách chúng ta cư xử với trẻ là những gì trẻ học. Chúng ta có muốn con học bằng nỗi sợ hay không?", chồng tôi nhắc lại.
Tôi đã trải qua những ngày "chiến đấu" tâm trí với các con.
Tốt hơn ngày hôm qua
Tôi làm việc trong môi trường mầm non, hàng ngày tiếp xúc những đứa trẻ với tính cách khác nhau, những em bé tự kỉ hay có triệu chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), tôi nhận ra rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập mang sự khác biệt, và cần sự giúp đỡ hỗ trợ của người lớn để trưởng thành. Thành thật mà nói, tôi xem con mình như những em bé có vấn đề tăng động để có thể kiên nhẫn với con và không làm con ngại ngùng, xấu hổ vì những "hành động lỗi" của mình.
Albert Einstein thuở nhỏ là một cậu bé chậm nói, kì quặc và bướng bỉnh. Ông không bao giờ chịu mang tất vì bị khó chịu bởi dấu của ngón chân cái để lại trên tất. Ở tuổi 20, ông được đánh giá không đủ sức khoẻ cho nghĩa vụ quân sự Thụy Sĩ vì có vấn đề về chân. Nhưng ông đã luôn thầm cảm ơn mẹ ông vì đã không bao giờ ép buộc để ông phải làm những điều mình không muốn.
Con tôi cũng giống con của bạn, cũng là những đứa bé bướng bỉnh. Thỉnh thoảng con gây ra những "tai nạn" không mong đợi.
Con tôi cũng giống con của bạn, cũng là những đứa bé bướng bỉnh. Là những đứa trẻ hiếu kỳ, sôi nổi, hiếu động và có những điều yêu ghét khác biệt. Con cũng là đứa trẻ hay mè nheo, dễ cáu giận, đôi khi không nghe lời, chống đối. Thỉnh thoảng con gây ra những "tai nạn" không mong đợi.
Có lần con làm xước xe của mẹ khi lấy đá làm bút vẽ. Một lần khác, con lấy đá ném vỡ cửa kính nhà hàng xóm. Và cũng chính là con đập vỡ ống nước chỉ vì tò mò muốn xem chúng hoạt động như thế nào... Đơn giản vì chúng là trẻ con. Mỗi lần như vậy, chồng tôi đưa con ra ngoài và nói chuyện như hai người đàn ông thật sự. Và đi đến nhà hàng xóm để tự xin lỗi về hậu quả mình gây ra. Sau đó thì...Không còn "sau đó" nào nữa.
Và điều quan trọng là cha mẹ luôn giải quyết vấn đề dựa trên tình yêu thương để con cái cảm nhận được yêu thương.
Về cơ bản, trẻ con đều giống nhau về quá trình phát triển trí não. Cách hành xử của người lớn sẽ tạo ra những đứa trẻ phát triển theo thiên hướng tích cực hay tiêu cực khác nhau. Nếu bạn giận dữ vì những hành động đó, đưa ra một hình phạt để con nhớ đời, có thể con không bao giờ lặp lại điều đó nữa, nhưng con sẽ mang một nỗi sợ, mất đi niềm tin, mất đi cả sự tò mò khi đối diện trước một vấn đề mà con đáng lẽ phải lao vào tìm hiểu chúng.
Trong cuốn sách "Thần thoại về 3 năm đầu đời: Hiểu biết mới về sự phát triển trí não và học tập suốt đời" của tác giả John Bruer, ông khẳng định: "Những đứa trẻ có não bộ phát triển bình thường chỉ cần đủ tình yêu thương của ba mẹ tự khắc sẽ trở nên tốt trong những môi trường khác nhau".
Hai vợ chồng chúng tôi trong dự án khởi công trường mới ở Nhật.
Và điều quan trọng là cha mẹ luôn giải quyết vấn đề dựa trên tình yêu thương để con cái cảm nhận được yêu thương. Đó là những bài học đắt giá nhất mà con mang suốt đời….
Cho đến hôm nay, chúng tôi luôn cố gắng thực hành trong nuôi dạy con cái dựa trên nguyên tắc đó. Sự thật là, giận dữ, trừng phạt nghiêm khắc là cách luôn dễ hơn. Nhưng để dạy trẻ bằng tình yêu, lòng trắc ẩn cần nhiều nỗ lực và thách thức hơn.
Chồng tôi nói: "Hãy xem việc làm cha mẹ như một trò chơi, nếu chúng ta giận dữ và mất kiểm soát, thì chúng ta là người thua cuộc. Làm cha mẹ là thử thách chúng ta học cách chiến thắng chính mình và cố gắng để mỗi ngày trở nên tốt hơn ngày hôm qua". Bạn có bao giờ cảm thấy mình thua cuộc hay chưa?
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/bai-toan-kho-nhat-cua-moi-phu-huynh-thoi-hien-dai-chac-chan-la-lam-bo-me-mot-cach-on-hoa-yeu-nhung-khong-duoc-cho-roi-vot-20211017012652612.chn