Chuyện hậu trường ở Hội nghị Thượng đỉnh G20
Theo SCMP, trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Hàng Châu, Trung Quốc để dự hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà quan sát không chỉ để mắt tới các kế hoạch lớn được đưa ra mà còn chú ý tới những tiểu tiết không kém phần quan trọng.
Tranh cãi về cách đối xử của nước chủ nhà Trung Quốc với Tổng thống Mỹ Obama hôm 3/9 khi ông hạ cánh xuống sân bay Hàng Châu là một bằng chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, ngoài việc theo dõi cách trải thảm đỏ tiếp đón từng lãnh đạo thế giới, việc xếp lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước đứng ở đâu khi chụp ảnh tập thể cũng nói lên nhiều điều về sức mạnh chính trị.
Trong phần chụp ảnh tập thể tại hội nghị G20 năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thổ Nhĩ Kỳ là nước chủ nhà tổ chức hội nghị G20 năm ngoái ở Antalya còn sang năm, Đức sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Đứng cạnh bà Merkel và ông Erdogan là Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Brisbane năm 2014, Tổng thống Putin đứng ở rìa ảnh tập thể. Năm đó, Tổng thống Nga về sớm sau khi bị các lãnh đạo phương Tây "hắt hủi" vì cho rằng Moscow gây ra khủng hoảng ở Ukraina.
Tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc khẳng định rõ ràng Putin là khách quý tại hội nghị.
Năm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Hàn Park Geun-hye, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều đứng ở hàng đầu. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Abe lại đứng ở hàng hai.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Abe bắt tay nhau ở Hàng Châu hôm 4/9, nhà lãnh đạo Trung Quốc mỉm cười, đối lập hẳn với những gì diễn ra tại Diễn đàn APEC ở Bắc Kinh cách đây hai năm, khi ông Tập tỏ ra cau có và cả ông lẫn Thủ tướng Nhật đều tránh tiếp xúc mắt trước ống kính máy quay.
Tại G20 lần này, ông Tập Cận Bình có cuộc trao đổi ngắn với Tổng thống Mỹ khi họ bắt tay nhau. Ngoài ra, khi Chủ tịch Trung Quốc đón lãnh đạo các nước, ông có cuộc trao đổi với bà Merkel dài hơn so với bất cứ nhà lãnh đạo nào khác. Khi tiếp xúc với nhà lãnh đạo Pakistan, người đứng đầu Trung Quốc tỏ ra không mấy nồng ấm dù cả hai người vẫn cười.
Tuy nhiên, ảnh hưởng chính trị không phải là yếu tố duy nhất được tính tới khi xếp lãnh đạo nước nào đứng ở đâu.
Theo các quy tắc lễ tân ngoại giao bất thành văn, vị trí phụ thuộc vào thời gian tại chức của nhà lãnh đạo đó. Đó là lý do tại sao Tổng thống Obama, thường đứng ở hàng đầu, lại được xếp đứng ở hàng thứ 2 tại Hội nghị thượng đỉnh London năm 2009, 3 tháng sau khi ông nhậm chức.
Quan chức hàng đầu của các tổ chức quốc tế lớn như Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, thường đứng hàng thứ ba.
Việc xếp chỗ cho lãnh đạo các nước tại bàn tiệc và các cuộc họp cũng không kém phần quan trọng.
Tại hội nghị G20 năm 2009, Thủ tướng Anh thời điểm đó là Gordon Brown đã đề xuất mời Tổng thống Pháp Sarkozy ngồi gần với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sau khi ông Sarkozy dọa tẩy chay hội nghị.
Việc xếp chỗ tại hội nghị G20 năm 2013 ở Saint Petersburg cũng được dàn xếp để tách Tổng thống Obama và Putin ra xa nhau khi Mỹ và Nga căng thẳng vì Syria.
Việc lựa chọn thực đơn cũng được theo dõi chặt vì nó phản ánh "quyền lực mềm" của nước chủ nhà.
Article sourced from VIETNAMNET.