Chuyên gia tài chính khuyến cáo 8 thói quen trong chi tiêu dễ khiến bạn 'cháy túi'

02:00' 12-10-2024
Muốn tiết kiệm hiệu quả, chuyên gia tài chính Gary Foreman khuyên nên tránh những lỗi phổ biến sau.


    Gary Foreman là nhà lập kế hoạch tài chính Mỹ, tác giả của cuốn sách nổi tiếng How to Conquer Debt No Matter How Much You Have (Làm thế nào thoát khỏi nợ nần).

    Ông đưa lời khuyên để mọi người tránh những sai lầm khiến rơi vào tình trạng "cháy túi".

    Ảnh minh họa: istock

    Ảnh minh họa: istock

    Cứ có tiền là tiêu

    Gary Foreman cho rằng một số người hành động như thể họ đang có mối thù với tiền, có là phải tiêu hết. Ví dụ khi được tăng lương hoặc thăng chức, họ sẽ tìm mọi cách tiêu sạch số tiền phát sinh. Hoặc như được thừa kế hoặc có khoản tiền thưởng bất ngờ, tài khoản cũng nhanh chóng trống rỗng.

    "Cảm giác nếu tiền còn trong túi, họ sẽ bị dị ứng hoặc gặp họa vậy", vị chuyên gia tài chính nói.

    Theo Gary Foreman, ai cũng có quyền tiêu những đồng tiền mà bản thân bỏ công sức kiếm được, nhưng hạnh phúc của việc tiêu tiền chỉ nhất thời. Nếu không có điểm dừng sẽ khiến tương lai chênh vênh vì thói tiêu tiền không kiểm soát.

    Để yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến chi tiêu

    Không ít người được hỏi vì sao mua thêm tivi hoặc xe hơi mới sẽ trả lời: "Nhìn thấy quảng cáo hấp dẫn, không kiềm chế được" hoặc "Thấy người ta có nên cũng muốn sở hữu".

    Theo Gary Foreman, không ai có quyền đưa ra quyết định mua hàng thay bạn. Bởi vậy cần suy nghĩ kỹ trước khi mua món đồ nào đó, không nên bị cám dỗ bởi quảng cáo. Việc mua hay không cần phải đánh giá cẩn thận nhu cầu thực tế và tình hình tài chính của bản thân. Đồng thời đặt ngân sách, giới hạn số lượng mặt hàng được mua mỗi lần và quản lý hành vi mua hàng có kế hoạch.

    Chạy theo xu hướng dù tài chính có hạn

    Lấy xe hơi làm ví dụ. Bạn cần nó để làm gì? Xe hơi là phương tiện đưa bạn cũng như đồ đạc của bạn từ nơi này đến nơi khác an toàn và tiện lợi. Tuy nhiên, một chiếc xe đời mới chưa chắc đã làm tốt hơn mẫu xe có tuổi đời 10 năm trong chức năng này.

    "Học cách sống với từ 'đủ' đặc biệt khi tài chính có hạn. Khuyến khích bản thân chống lại ham muốn sở hữu nhiều hơn những gì có thể tiêu thụ. Trước khi mua hàng, hãy tự hỏi bản thân tại sao tôi lại mua cái này?", Gary Foreman nói.

    Nuông chiều bản thân quá mức

    Đôi khi mua tặng bản thân những món quà đặc biệt, đắt tiền cũng có thể là một phần của việc biết yêu chính mình. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu đánh đồng hoàn toàn tình yêu bản thân với việc mua sắm và tiêu dùng những đồ xa xỉ, đắt đỏ.

    Gary Foreman khuyên không nên nuông chiều bản thân khi kinh tế còn eo hẹp. Chỉ nên tự thưởng cho mình khi đạt được mục tiêu lớn nào đó. Ví dụ khi tiết kiệm được 1.000 USD vẫn có thể trích phần ít mua thứ mình yêu thích. Tích cực làm như vậy sẽ khiến bản thân có động lực để tiết kiệm nhiều hơn.

    Luôn nghĩ bản thân không thể trở thành triệu phú

    Gary Foreman cho rằng, nhiều người thường nghĩ rằng trở nên giàu có là đặc quyền chỉ được ban cho những người may mắn. "Sự thật là bạn có quyền trở nên giàu có nếu có thể tạo ra giá trị to lớn cho xã hội", ông nói.

    Vấn đề lớn nhất ngăn cản mỗi người chạm tới thành công là không tin vào chính mình. Việc không hành động gây ra sự nghi ngờ và sợ hãi. Nếu muốn chinh phục nỗi sợ, không nên chỉ ngồi một chỗ và suy nghĩ về nó. Việc cần làm là đi ra ngoài và bận rộn làm việc.

    Không tiết kiệm từ con số nhỏ

    Với một USD, bạn có thể không làm được nhiều việc. Tuy nhiên, nếu tiết kiệm một USD mỗi ngày bạn sẽ có 260 USD một năm, sau 10 năm sẽ là 4.460 USD.

    4.460 USD không phải con số nhỏ. Chỉ cần nghiêm túc tích lũy từng ngày là sẽ có một khoản tiền khá lớn dùng cho những việc cần thiết. "Và hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể tiết kiệm được hai hoặc ba USD mỗi ngày", Gary Foreman nói.

    Luôn nghĩ mua hàng giảm giá tiết kiệm hơn

    Nhiều người mua sắm vượt kế hoạch vì nghĩ bản thân đang mua được đồ rẻ khi các cửa hàng "tung" chiêu tặng mã giảm giá hoặc miễn phí giao hàng.

    Thực tế, để tạo chương trình ưu đãi giảm giá sâu có những nơi tăng giá gấp đôi, gấp ba rồi mới đưa mức giảm giá, đặc biệt ở những cửa hàng không tên tuổi. Do đó, cần tìm hiểu trước về mức giá thông thường của sản phẩm để không bị qua mặt bởi các cửa hàng này.

    Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được

    Kiếm nhiều tiền hơn không đồng nghĩa với việc tiêu nhiều hơn, đặc biệt là khi bạn muốn đạt mục tiêu tài chính lớn như tự do tài chính hay nghỉ hưu sớm.

    Một câu nói nổi tiếng minh họa cho bài học này ai cũng nên biết: "Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được". Theo Gary Foreman, mỗi đồng tiền bạn tiêu, dù lớn hay nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính. Tiêu ở chỗ này sẽ mất cơ hội chỗ khác. Đó chính là chi phí cơ hội của mỗi lần mua hàng.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/8-sai-lam-chi-tieu-co-the-gay-chay-tui-4802019.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ