Cho bú xong rồi đặt xuống giường ngủ, người mẹ không ngờ đó là lần cuối cùng còn được ôm con
Trương Nghiên và chồng là bạn học đại học, họ có con trước khi kết hôn và khi cô vừa ra trường nên cuộc sống có chút vất vả. Thêm vào đó, bé con rất bám mẹ, hầu như lúc nào cô cũng phải bế trên tay, thậm chí khi bé ngủ say, Trương Nghiên nhẹ nhàng đặt xuống giường bé liền khóc thét lên và tỉnh giấc.
Chiều hôm đó, như mọi ngày chồng Trương Nghiên đi làm, một mình cô ở nhà trông con. Khi cho con đi ngủ, cô định nằm nghỉ ngơi một lát thì có điện thoại từ shipper xuống nhận đồ mua online. Thấy con nay ngủ yên ắng nên cô cũng không lo lắng gì, bình tĩnh xuống nhận đồ. Đúng lúc nhận hàng xong thì người hàng xóm đi qua liền hỏi han cô vài câu, thế là hai người đứng "buôn" chuyện. Một lúc lâu sau, Trương Nghiên giật mình nhớ ra là đang để con ngủ một mình trên nhà nên vội vàng chào người hàng xóm để lên xem con như thế nào.
Bà mẹ đau đớn mất con (Ảnh minh họa).
Bước vào nhà, Trương Nghiên thấy yên ắng quá. Cô linh cảm có điều gì đó không ổn khi nhìn vào giường thấy con đang nằm nghiêng quay mặt áp sát vào phía trong tường. Cô lật người con ra thì thấy sữa đầy miệng con và bé có hiện tượng không thở, tím tái. Trương Nghiên lập tức gọi cấp cứu và đưa bé đến bệnh viện. Không may thay, các bác sĩ ra sức cấp cứu vẫn không cứu được bé. Bác sĩ nói đứa bé đã được đưa đến quá muộn.
Nghe bác sĩ nói, Trương Nghiên đau đớn như đứt từng khúc ruột, khóc ngất đi không thể đứng dậy nổi.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh rất non nớt và có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào nên luôn cần có người lớn ở bên theo dõi, để ý sát sao ngay cả khi bé đang ngủ. Khi vừa bú xong, nếu đặt trẻ nằm ngủ luôn sẽ vô cùng nguy hiểm. Như trường hợp của con Trương Nghiên, trước khi ngủ, cô có cho bé bú no và đã không vỗ ợ hơi mà đặt bé nằm ngủ luôn. Khả năng là bé đã trớ ra sữa và bị sặc sữa, để lâu quá nên không cứu được tính mạng.
Sặc sữa là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh do dạ dày các bé còn nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù, chưa tạo thành góc nhọn để đóng vai trò ngăn ngừa dòng trào ngược khi dạ dày căng to. Khi bị sặc sữa, sữa sẽ trào lên và đi vào đường hô hấp, gây ngạt thở, dẫn đến các di chứng nguy hiểm như tổn thương não, ngưng tim, viêm phổi... hay nặng nhất là tử vong.
Để phòng chống sặc sữa cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
1. Tuyệt đối không cho bé vừa bú vừa ngủ. Nếu bé buồn ngủ, ngừng cho bé bú và đợi bé tỉnh hẳn mới cho bú tiếp.
2. Không trêu đùa cho bé cười khi đang bú mẹ hoặc bú bình.
3. Sau khi cho bé bú phải thực hiện vỗ ợ hơi cho bé và bế bé nghiêng hoặc đứng ít nhất 15 phút.
4. Cho trẻ bú từ từ, chọn núm bình phù hợp với tuần tuổi. Trong trường hợp sữa mẹ quá nhiều, mẹ có thể vắt bớt sữa để dòng chảy chậm lại hoặc vắt sữa ra cho trẻ bú bình, đợi 1 vài tuần bé lớn hơn, lực hút mạnh hơn, điều tiết được dòng sữa thì sẽ cho bú trực tiếp.
5. Nên cho bé bú ở tư thế cao đầu như đặt trên gối cho bé bú hay gối chống trào ngược. Tránh đặt trẻ nằm thẳng đầu xuống giường khi cho trẻ bú bình. Nếu bế bé bú trên tay, phần tay đỡ đầu bé nên nâng cao hơn phía thân người dưới.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/xuong-nha-nhan-hang-trong-it-phut-ba-me-quay-tro-len-thi-bun-run-ca-nguoi-khi-thay-con-tim-tai-ngung-tho-20201116161341298.chn