Chiến lược 'Zero Covid-19' của Hong Kong liệu có bền vững?

00:00' 11-02-2022
Dù theo đuổi Zero Covid-19 và ban hành biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn, tình trạng quá tải cơ sở đã buộc chính quyền Hong Kong nới lỏng một số biện pháp cách ly.


    Ngày 9/2 là lần đầu tiên số ca nhiễm được phát hiện trong ngày ở Hong Kong vượt mức 1.000, South China Morning Post đưa tin. Thành phố này có 1.161 ca mắc Covid-19 mới và 2 ca tử vong.

    Nếu so với phần lớn thế giới, số ca mắc và tử vong của Hong Kong là rất nhỏ. Tại thành phố có dân số tương đương Hong Kong là Singapore (7,5 triệu so với 5,5 triệu), họ ghi nhận 13.011 ca mắc mới trong ngày 8/2, còn số ca nhiễm trung bình 7 ngày qua là hơn 8.500. Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua của Singapore cũng chỉ là 3.

    Và trong khi Singapore vẫn tiếp tục chiến lược mở cửa để "sống chung với virus", Hong Kong từ ngày 10/2 áp dụng lệnh cấm chưa từng có đối với các cuộc tụ tập riêng tư của hơn hai hộ gia đình. Cơ sở thờ tự, tiệm cắt tóc tạm thời đóng cửa, và chỉ được phép tụ tập 2 người tại nơi công cộng.

    Ngoài Trung Quốc đại lục, Hong Kong có lẽ là nơi duy nhất vẫn còn tham vọng loại trừ triệt để virus trong cộng đồng. Nhưng nếu so với Trung Quốc đại lục, nơi đang ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới/ngày trên tổng số 1,3 tỷ dân, con số 1.000 ca mỗi ngày của Hong Kong bỗng trở thành ác mộng, đe dọa chiến lược "Zero Covid-19".

    Đối với các công ty nước ngoài, tình trạng phong tỏa của Hong Kong, một trung tâm tài chính thế giới, có thể khiến họ phải cân nhắc di chuyển thị trường. Trong khi đối với người dân, chiến lược "Zero Covid-19" có thể buộc họ trải qua những tuần dài trong cơ sở cách ly và cuộc sống bình thường không biết khi nào mới trở lại.

    Những ngày khốn khổ của cư dân

    Dù siết chặt giãn cách, chính quyền Hong Kong mặt khác lại phải nới lỏng một số quy định. Lý do là các cơ sở dùng để cách ly người bệnh và những người có tiếp xúc gần với ca bệnh hiện đã chật kín chỗ.

    Trước đây, du khách quốc tế đến Hong Kong hoặc cư dân địa phương có kết quả xét nghiệm dương tính thường được đưa vào bệnh viện cách ly tối thiểu 10 ngày. Sau đó, họ chỉ được ra ngoài nếu nhận kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trong vòng 24 giờ, quá trình này có thể kéo dài hơn một tháng.

    Sau khi xuất viện, người bệnh được yêu cầu ở thêm hai tuần nữa trong một trung tâm cách ly, chẳng hạn như tại AsiaWorld-Expo. Hiện giờ, người bệnh có thể làm điều đó tại nhà, chính phủ sử dụng các trung tâm cách ly cho những ca nhiễm không triệu chứng trong bối cảnh các bệnh viện đã kín chỗ. Quy định nằm viện tối thiểu 10 ngày cũng bị loại bỏ.

    Đối với những người nhận kết quả dương tính với Covid-19, quá trình cách ly là một khoảng thời gian khó khăn vì họ không rõ khi nào sẽ được ra ngoài.

    AsiaWorld-Expo, một trong những trung tâm hội nghị và triển lãm lớn nhất Hong Kong, giờ đây đang được chính quyền đặc khu trưng dụng làm nơi cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19.

    Omicron de doa Hong Kong. anh 1

    Trung tâm hội nghị và triển lãm AsiaWorld-Expo của Hong Kong đã được chuyển đổi thành khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Paul Yeung/Bloomberg.

    Nằm trên những chiếc giường được ngăn cách nhau bởi các bức màn trong suốt và phải chịu đựng ánh đèn cùng loa thông báo liên hồi, một số bệnh nhân đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng, mòn mỏi chờ đợi ngày được ra ngoài.

    Họ cố gắng súc miệng với hy vọng sẽ đảo ngược kết quả xét nghiệm dương tính, Financial Times dẫn lời một sinh viên đại học đang cách ly tại đây. "Có người còn dùng nước rửa tay để làm sạch mũi. Người ta sẵn sàng làm mọi cách để thoát khỏi đây".

    Hong Kong cũng triển khai những đợt phong tỏa bất ngờ tại nhiều khu chung cư khi virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong các cuộc kiểm tra nước thải. Chính quyền còn ban hành những danh sách dài các địa điểm mà ca dương tính đã đến, yêu cầu người dân từng lui tới những nơi này đi xét nghiệm Covid-19.

    Khi lệnh phong tỏa được ban hành, June Chu đã mắc kẹt trong căn hộ rộng chưa đến 28 m2 cùng chồng, hai đứa con ở độ tuổi mẫu giáo và mẹ chồng. “Về cơ bản là không có không gian để di chuyển,” cô nói với Financial Times. Bà mẹ hai con ước tính gia đình cô sẽ mất khoảng ¼ thu nhập của tháng vì không thể đi làm.

    Các biện pháp chống dịch cũng ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Hong Kong. Nguy cơ lạm phát hiện hữu. Giá rau đã tăng hơn 20% hồi cuối tuần, theo một hiệp hội của các thương nhân bán buôn, sau khi hai tài xế xe tải có kết quả dương tính.

    Nỗi tuyệt vọng ở các bệnh nhân cũng là thứ đang bao trùm lấy giới chức Hong Kong khi chính quyền nỗ lực để bảo vệ thành quả "Zero Covid" trước nguy cơ lây lan nhanh của biến chủng Omicron.

    “Chính quyền sẽ không bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để đạt được trạng thái không Covid-19”, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam vẫn tuyên bố hôm 4/2.

    Omicron de doa Hong Kong. anh 2

    Người dân xếp hàng tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 cộng đồng ở quận Sa Điền, Hong Kong ngày 7/2/2022. Ảnh: Reuters.

    "Zero Covid-19" có bền vững?

    Chiến lược "Zero Covid-19" đã cứu sống nhiều sinh mạng và cho phép phần lớn người dân thành phố sống trong trạng thái "như chưa có đại dịch" trong hầu hết thời gian của năm 2021. Tuy nhiên, đợt bùng dịch hiện tại, khởi phát từ tháng 12/2021, đã làm dấy lên câu hỏi về tính bền vững của chiến lược này.

    Hàng chục chi nhánh ngân hàng, bao gồm cả các chi nhánh của HSBC và Bank of China, đã tạm ngừng hoạt động hôm 7/2 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

    Cơ quan xếp hạng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hôm 9/2 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Hong Kong từ 3,0% xuống 1,5%. Guardian dẫn kết quả cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cho thấy 44% thành viên của họ đã nghĩ đến việc rời khỏi Hong Kong vì các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.

    Singapore được xem là một lựa chọn thay thế khả dĩ trong bối cảnh quốc gia này đã chọn "sống chung với Covid-19". Theo khảo sát của AmCham, 80% số phản hồi cho rằng Singapore là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của Hong Kong.

    Dù số ca tử vong vẫn ở mức thấp, các bác sĩ lo ngại đợt bùng phát này có thể gây nguy hiểm cho những người cao tuổi. Hiện chỉ khoảng 20% ​​số người trên 80 tuổi đã được tiêm hai mũi vaccine.

    Khoảng 80% trên tổng số 7,5 triệu cư dân thành phố đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong đó, khoảng 40% tiêm vaccine của hãng Sinovac do Trung Quốc sản xuất, theo Reuters.

    “Vẫn có thể đạt được 'Zero Covid' nhưng điều đó sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa”, Leo Poon - giáo sư tại trường y tế công cộng của Đại học Hong Kong - cho biết. "Quyết định thuộc về phía chính quyền".

    Một chuyên gia của chính phủ gần đây phát biểu trên đài phát thanh địa phương rằng một khi Hong Kong đạt tỷ lệ tiêm chủng 90% và đáp ứng các điều kiện khác, chính quyền có thể áp dụng “chiến lược rút lui”, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

    Một vấn đề khác là chính quyền trung ương.

    Bắc Kinh vẫn khuyến khích Hong Kong theo đuổi "Zero-Covid". Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc,nói rằng việc Hong Kong từ bỏ "Zero Covid-19" sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng, đồng thời trì hoãn việc mở cửa biên giới trở lại với đại lục.

    Bloomberg nhận định Hong Kong ít có khả năng từ bỏ "Zero Covid" giữa lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang quyết liệt theo đuổi chiến lược này ở đại lục.

     


    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/zero-covid-19-cua-hong-kong-tren-bo-sup-do-post1294789.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ