Chặng đường làm người lớn chẳng hề dễ dàng như mình vẫn nghĩ
Ngày còn bé lúc nào cũng chỉ mong ước mình mau lớn thật nhanh, luôn suy nghĩ ngây thơ rằng làm người lớn chắc có lẽ sẽ vui lắm, đến lúc trưởng thành thật rồi bản thân mới phát hiện, hóa ra làm người lớn chẳng hề dễ dàng chút nào và đôi khi còn phải trả giá rất nhiều để đổi được sự vui vẻ, thành công và hạnh phúc.
Đứa trẻ nào cũng từng ít nhất một lần ao ước mình sớm trở thành người lớn. Và tôi, cô gái năm nay đã tròn 19 cũng đã từng như thế. Tôi đã từng ước rằng mình sẽ lớn thật nhanh, sẽ được học Đại học và sau đó làm việc ở nơi thành phố náo nhiệt mà tôi hay thấy trên internet, báo đài.
Trong thế giới quan của những đứa trẻ làm người lớn thật là vui. Người lớn có nghĩa là chẳng còn ai quản, thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, không phải chịu sự kìm kẹp của ai. Người lớn được thỏa thuê trong thế giới rộng lớn, được theo đuổi những thứ cao xa. Thế nhưng, tới lúc tôi thật sự trưởng thành, cũng đã đỗ vào một ngôi trường ở thành phố mà mình mong muốn rồi thì sự thật đã vỗ vào mặt tôi mà không thương tiếc, làm người lớn hóa ra cũng chẳng vui như tưởng tượng, việc ở nơi đất khách quê người lại càng không hề đơn giản tẹo nào.
Tôi phải đối mặt với những mảng màu sáng tối của cuộc sống, phải tự mình đứng lên trên đôi chân của bản thân, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Và quan trọng nhất, tôi phải rời khỏi vòng tay của gia đình. Cuộc sống của một sinh viên lần đầu xa nhà lâu và xa đến thế. Ở một góc nhỏ nào đó của nơi phố thị phồn hoa thật sự quá khó khăn với những câu chuyện, những nỗi bận tâm mỗi ngày mỗi khác.
Cuộc sống sinh viên cũng giống như một gian bếp nhỏ, ở đấy có tiếng leng keng rộn ràng của tuổi trẻ say mê hoạt động ngoại khóa, có những thấp thỏm âu lo vì món ăn "cơm, áo, gạo, tiền", và đặc biệt có một thứ gia vị khiến bất kì sinh viên nào cũng cảm thấy cay xè sống mũi khi nhắc đến, đó chính là nỗi nhớ nhà, nhớ hơi ấm gia đình thân yêu.
Dẫu bản thân có mệt mỏi đến mấy có chán nản đến mức độ nào cũng chẳng dám than vãn với ai, một mình ở đất Sài Gòn phải học cách tự lập trong mọi hoàn cảnh. Đến đây tôi cũng đã thấm thía dù chỉ là mới trở thành sinh viên trong vòng vài tháng đó chính là đừng dại dột mang trong mình suy nghĩ lên Đại học "nhàn lắm", muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, chương trình đơn giản dễ dàng tiếp cận. Làm quen được nhiều bạn bè. Đó là suy nghĩ sai lầm của nhiều tân sinh viên hiện nay trong đó có tôi, bởi thực tế chương trình học rất phức tạp, nhiều môn khác nhau với những cuốn giáo trình dài hàng trăm trang, những bài tập nhóm cứ liên tiếp, dồn dập đến cùng một lúc, rồi lại tham gia sự kiện của trường, của khoa, cảm tưởng như bản thân không còn đủ sức lực để hoàn thành công việc.
Việc có được bạn bè thì đổi lại bạn sẽ phải đánh đổi một cái gì đó, bởi bạn bè Đại học trên lớp thì nói cười vui vẻ nhưng khi tan học thì cũng chẳng có ai nhớ ai, để có được những người bạn thật sự rất khó đối với một người ít nói và hay ngại như tôi.
Trước kia, chỉ cần đặt lưng xuống đệm nghỉ ngơi, có gia đình đứng sau hỗ trợ thì giờ đây mệt mỏi đến mấy, vẫn phải một mình cố gắng vượt qua, tự mình sắp xếp công việc, phân bổ thời gian, cơm nước cũng một tay chuẩn bị chứ chẳng có mẹ hỗ trợ như ngày ở nhà. Thậm chí cả ngày cũng chỉ ăn sơ sài cho xong. Sống xa gia đình, đồng nghĩa với việc trong mọi hoàn cảnh, sướng khổ, vui buồn lúc nào cũng chỉ một mình mình biết, một mình mình nghe, một mình mình chịu.
Mỗi sinh viên đều đã từng than vãn với cha mẹ "Sao con chẳng tìm thấy áo của con đâu cả", "Xe của con lại dở chứng rồi bố ạ", "Mẹ ơi mẹ giặt giúp con chậu quần áo, con bận làm bài tập"…, và khi lên Đại học, những câu nói hành động ấy cũng đột nhiên biến mất, điều đó buộc bản thân phải thừa nhận rằng khi không có bố mẹ ở bên, không tự mình làm, không tự mình giải quyết thì chẳng ai làm hộ cho cả.
Tự lập trở thành yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi sinh viên. Một ngày trôi qua là hằng trăm vấn đề mới đặt ra, nếu không biết làm chủ cuộc sống thì gánh nặng để lại sẽ ngày một lớn hơn.
Nhịp điệu của cuộc sống hiện đại đã vô tình cuốn chúng ta đi quá nhanh, dù nhớ gia đình nhưng không thể về nhà vì "gánh nặng kinh tế, tài chính" đi kèm với áp lực công việc, áp lực của thị trường việc làm cực kì gay gắt. Nhưng chúng ta hãy nhớ một điều rằng những giây phút ở bên cạnh người thân, ở bên cạnh cha mẹ sẽ không có thứ gì đánh đổi được nên dẫu có bận bịu đến mấy, bù đầu với công việc, bài vở hãy cố gắng sắp xếp thời gian để đoàn tụ, để về với gia đình.
Sinh viên xa nhà hãy dùng chính nỗi nhớ ấy để nhắc nhở bản thân phải cố gắng, phấn đấu không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho những kỳ vọng mà cha mẹ gửi gắm. Xa gia đình, dẫu có vất vả, dẫu có khó khăn và nhiều chông gai nhưng học cách trưởng thành và biết làm chủ cuộc sống từ những khó khăn ấy mới là điều đáng quý.
Nhà không chỉ là nơi để về mà còn là bệ phóng bay xa, là động lực để tôi luôn kiên cường, cố gắng. Khi chúng ta không còn gì cả thì chỉ có gia đình vẫn luôn là nơi duy nhất luôn luôn mở cửa để chào đón chúng ta. Và khi về nhà thì bạn có lớn đến đâu cũng sẽ chỉ mãi mãi là những đứa con nhỏ bé cần được yêu thương bảo vệ của bố mẹ.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/chang-duong-lam-nguoi-lon-chang-he-de-dang-nhu-minh-van-nghi-nw231291.html