Cha mẹ nên phản ứng thế nào trước hành vi cãi lại của con?
Đối với trẻ 2, 3 tuổi, từ "không" là ưu tiên hàng đầu, đối với trẻ 7, 8 tuổi lại thích nói "Tại sao người khác làm được còn con lại không?". Ở tuổi thiếu niên, nếu không có phương pháp giáo dục thích hợp, mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái ngày càng leo thang.
Khi trẻ cãi lại, bố mẹ ngay lập tức cảm thấy mình bị mất quyền hành và sinh ra tâm lý bực bội. Vậy nên giải quyết hành vi này như thế nào?
Ảnh minh họa: shutterstock
Nhìn chung, có ba ẩn ý khi trẻ cãi lại.
"Con đã lớn và con cũng có những suy nghĩ của riêng mình".
Cãi lại không hẳn là hành động xấu mà là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của trẻ. Khi trẻ cãi lại, rất có thể chúng muốn khẳng định "Con đã lớn rồi".
Ví dụ, bố mẹ yêu cầu mặc váy nhưng trẻ nhất định mặc áo len. Bố mẹ ngay lập tức cho rằng con cái bướng bỉnh nhưng điều này cũng cho thấy trẻ có quan điểm riêng và đang bày tỏ cảm xúc thực của mình.
Nhà tâm lý học người Đức, Tiến sĩ Angelika Faas từng nói: "Cuộc tranh luận giữa các thế hệ là một bước quan trọng trên con đường trưởng thành của thế hệ tiếp theo".
Khi lớn lên, trẻ có ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân và đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc cũng như muốn được quyền lực lớn hơn với nhu cầu của bản thân. Cãi lại là một cách thể hiện mong muốn đó. Lúc này, bố mẹ không nên giận dữ hay coi đó là hành động khiêu khích mà nên công nhận là biểu hiện cho sự trưởng thành của trẻ.
"Con không hài lòng với quy tắc của bố mẹ"
Việc cãi lại còn cho thấy trẻ không hài lòng với mệnh lệnh hoặc yêu cầu của bố mẹ, thậm chí còn cảm thấy người lớn đã làm tổn thương mình.
Nguyên nhân cụ thể khiến trẻ cãi lại chủ yếu là do những biểu hiện sau của người lớn:
- Thất hứa: Không thực hiện những điều đã hứa với trẻ.
- Cảm thấy bị đối xử bất công: Trẻ bị người lớn đối xử sai trái hoặc hiểu lầm.
- Ham muốn kiểm soát quá nhiều: Bố mẹ quá độc đoán, thích ra lệnh cho con cái.
- Không làm gương: Bố mẹ yêu cầu con làm những việc mà bản thân họ đã không làm. Ví dụ: Yêu cầu con chỉ chơi điện thoại 5 phút trong khi bố mẹ chơi 3-4 tiếng; Bố mẹ có thể giận dỗi còn con cái không được phép như vậy...
Nếu bố mẹ có tiêu chuẩn kép khi kỷ luật trẻ, hoặc nếu họ có vấn đề tương tự nhưng không sửa chữa, đương nhiên sẽ gặp phải sự phản kháng từ con cái mình. Vì vậy, hiện tượng trẻ cãi lại không hoàn toàn là vấn đề của trẻ mà bố mẹ cũng nên suy ngẫm về phương pháp giáo dục. Nếu giáo dục từ người lớn không thực sự thuyết phục, rất dễ phát sinh hành vi phản kháng từ trẻ nhỏ.
"Con muốn được chú ý"
Đôi khi trẻ cãi lại chỉ là dấu hiệu của sự mong manh và cô lập bên trong. Vì mong muốn được người khác chú ý nên vô tình chống lại cha mẹ mình, trong khi thực chất đang muốn được giúp đỡ.
Vậy, cha mẹ nên phản ứng thế nào trước hành vi cãi lại của con cái?
Trẻ cãi lại là một bài kiểm tra trình độ ứng xử của cha mẹ. Phản ứng của người lớn đối với hành vi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ứng xử hàng ngày giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ phản ứng thái quá, chẳng hạn như đe dọa hay dùng bạo lực, trẻ sẽ nảy sinh những cảm xúc đối đầu và phản kháng. Điều này không chỉ ngăn cản mong muốn giao tiếp thông thường mà còn ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ.
Thực tế, việc cãi lại không phải là điều xấu đối với sự phát triển của trẻ. Mọi đứa trẻ đều có quyền thể hiện bản thân, nhưng điều cha mẹ cần làm là phân biệt giữa tranh luận và xung đột.
Tranh luận thể hiện ý kiến riêng của cá nhân dựa trên thực tế, còn xung đột thể hiện sự thô lỗ, vô lý và hung hăng trong cách diễn đạt. Nếu cha mẹ có thể hiểu được ẩn ý khi trẻ cãi lại, có thể giải quyết được vấn đề và giúp con cái trở nên tốt hơn.
Bố mẹ càng bình tĩnh khi trẻ cãi lại, càng dễ dàng đạt được sự đồng thuận
Khi bố mẹ không đủ bình tĩnh, trẻ càng hay cãi lại. Mâu thuẫn này sẽ dẫn đến tình trạng "tranh giành quyền lực". Đôi bên luôn chứng minh cho nhau hết lần này đến lần khác rằng họ mới là người quyết định tiếng nói cuối cùng.
Ví dụ bố mẹ yêu cầu con mặc thêm quần áo, trẻ thường nói: "Con không biết trời lạnh hay không?". Phản ứng tiếp theo của bố mẹ sẽ là: "Bảo mặc thêm thì mặc vào, cãi gì". Xung đột bắt đầu xảy ra khi trẻ phản kháng: "Tại sao con phải nghe lời bố mẹ trong mọi việc"... Lúc này, mặc quần áo hay không không còn quan trọng, ai nghe lời chính là mấu chốt.
Khi bố mẹ nhận thấy con mình cáu kỉnh, điều đó sẽ chỉ khiến tâm trạng của hai bên trở nên căng thẳng. Lúc này người lớn nên xem lại giọng điệu của chính mình. Phản ứng tiêu cực có thể khiến bùng nổ cơn tức giận ở cả hai phía.
Bố mẹ có thể tham khảo nhưng câu: "Hôm nay có chuyện gì mà con to tiếng vậy"; "Ai đã làm con tức giận"; "Nào, hãy nói chuyện với bố mẹ đi"...
Sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng nhưng kiên quyết khi yêu cầu con cái làm việc gì đó sẽ khiến trẻ có cảm giác được nhìn nhận, quý trọng và việc tranh giành quyền lực sẽ không xảy ra.
Sử dụng phương pháp "lắng nghe và xác nhận" để thấu hiểu cảm xúc của trẻ
Nội dung chính của phương pháp này là nhắc lại cho trẻ những lo lắng của chúng và lặp lại chính xác những gì trẻ đã nói.
Ví dụ, khi trẻ cãi lại, chúng thường nói: "Thật không công bằng". Bố mẹ có thể lặp lại lời nói: "Con nghĩ điều này không công bằng". Tiếp theo sử dụng phương pháp đặt câu hỏi để trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình. "Tại sao con lại cảm thấy như vậy?".
Bố mẹ không chỉ khơi gợi để trẻ nói ra những lời sâu kín nhất mà còn phải hướng dẫn chúng diễn đạt chính xác. Có thể tham khảo các câu: "Bây giờ con đang giận lắm phải không"; "Tại sao con lại nghĩ như vậy"; "Những gì con nói bố mẹ thấy có lý, chúng ta cùng nói chuyện nhé".
Trẻ em luôn mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Thông qua những câu hồi đáp như vậy, trẻ sẽ cảm thấy được cha mẹ quan tâm. Việc chú ý đến cảm xúc và nhu cầu của trẻ sẽ dễ dàng nhận được đến sự hợp tác. Khi trẻ không hài lòng, việc hợp tác sẽ không thể xảy ra.
Dạy trẻ cách tự điều chỉnh và quản lý cảm xúc của mình
Khi cãi lại bố mẹ, một số trẻ dùng lời lẽ cực kỳ hung hãn bởi chúng tin lời nói bạo lực sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý. Lúc này trẻ cần được học cách kiểm soát sự cáu kỉnh và thể hiện nhu cầu bản thân một cách chính xác. Nếu lời cãi lại của con là sự phản bác thô lỗ, bố mẹ có thể đưa ra những nhắc nhở thích hợp.
Có thể tham khảo những câu: "Bố mẹ hiểu cảm giác của con, nhưng bố mẹ thấy không thoải mái khi con sử dụng giọng điệu này"; "Bố mẹ hiểu con đang tức giận nhưng con có muốn tìm cách khác để nói chuyện không?"; "Chúng ta có thể nói chuyện sau khi con bình tĩnh hơn được không?"
Nếu hành vi của trẻ leo thang, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi đến khi con có thể tự điều chỉnh và nói chuyện bình thường. Bằng cách này, bố mẹ chỉ hồi đáp lại khi trẻ giao tiếp một cách tôn trọng. Nếu trẻ mất bình tĩnh, sẽ không giao tiếp nữa. Sau khi tìm hiểu nguyện vọng của con, khuyến khích trẻ cùng suy nghĩ cách tốt hơn để giải quyết tình huống.
Hãy để trẻ hiểu rằng cảm xúc và suy nghĩ của chúng rất quan trọng với bố mẹ và trẻ có quyền thảo luận những quan điểm trái chiều. Nhưng nếu giọng điệu quá gay gắt sẽ chỉ khiến người khác bỏ qua nhu cầu của mình. Chỉ khi nào tạo ra được bầu không khí thoải mái và bình đẳng, mọi việc mới đạt được kết quả tốt nhất.
Nhận mọi công việc service xe lớn hay nhỏ
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-bi-quyet-doi-pho-voi-tre-hay-cai-4649205.html