Câu chuyện cảm động có thật về tình yêu thời Thế chiến trong 'Thợ xăm ở Auschwitz'
Tác giả Heather Morris viết về tình yêu giữa thợ xăm mã số tù nhân Lale và cô gái Gita Furman tại trai tập trung Auschwitz - một vùng Ba Lan bị Đức quốc xã chiếm đóng.
"Thợ xăm ở Auschwitz " lần đầu xuất bản vào năm 2018 tại Mỹ, dịch sang 17 thứ tiếng. Nhã Nam và NXB Văn học phát hành vào cuối tháng 10. Ảnh: Nhã Nam.
Quyển tiểu thuyết lịch sử tái hiện khung cảnh, các tình tiết thời Thế chiến thứ hai như trại giam Auschwitz, công việc xăm số tù nhân, cuộc tấn công của quân Liên Xô năm 1945. Tác giả Morris cho biết phần lớn sự kiện trong sách được bà ghi chép lại từ lời của Lale Sokolov. Hồi 2003 - lúc Lale 87 tuổi, mỗi tuần ông dành nhiều giờ kể cho Morris về thời thanh niên của mình, sống lại ký ức chiến tranh cũng như cuộc tình với vợ.
Trong tác phẩm, hình xăm trên cánh tay là biểu tượng của trại tù chết chóc do phát xít lập ra. Khi đến Auschwitz, tù nhân được xăm dãy số, đánh dấu những ngày tháng bị bóc lột. Họ phải lao động khổ sai, giao nộp tư trang, bị những kẻ cai ngục đánh đập. Ban đầu, Lale cũng là tù nhân Do Thái, sau đó có cơ duyên gặp Pepan - thợ xăm kỳ cựu trong tù, được truyền nghề và nhanh chóng thành thợ xăm chính, dưới sự theo dõi gắt gao của sĩ quan Đức.
Mở đầu truyện, tác giả Heather Morris tiết lộ nhân vật chính phải lòng Gita - cô gái trong trại tập trung - ngay ở lần đầu chạm mặt. Lale nhớ lại: "Tôi xăm mã số lên tay trái Gita, và cô ấy xăm tên mình lên trái tim tôi". Từ đó, mối tình bí mật của anh với cô nảy nở. Cuối truyện, Gita bị đưa ra khỏi trại, còn Lale đau khổ đi tìm người yêu. May mắn cuối cùng cũng đến với đôi tình nhân - họ gặp lại nhau, xây hạnh phúc ở Australia sau khi nhiều lần chuyển nơi ở từ Tiệp Khắc đến Italy, Pháp.
Ngoài đời, nguyên mẫu nhân vật Lale Sokolov (phải) và Gita Furman bên nhau hơn 60 năm. Bà Gita chết vào năm 2003. Cặp đôi trải qua hôn nhân hạnh phúc và có một con trai. Lắng nghe câu chuyện từ Lale hơn ba năm, tác giả Heather Morris cảm nhận sâu sắc tình yêu của ông dành cho vợ, cũng như hiểu được một phần giai đoạn bi thương của chiến tranh. Ảnh: cba.
Theo Nytimes, trong bối cảnh ngục tù, nhà văn khái quát hình tượng con người giàu lòng yêu thương, tự chủ và ham học hỏi. Xót xa hoàn cảnh Gita, hay người đàn bà hơn 40 tuổi mất chồng lẫn con... Lale Sokolov quyết tâm giúp đỡ họ, dẫu vô cùng lo lắng về tương lai. Lale căm ghét bản thân khi phải đâm kim lên tay trẻ em, cảm thấy "chật vật nhất khi xăm số cho các bà già, trông họ như xác chết biết đi, đôi mắt vô hồn", và luôn tự hỏi "tại sao mình phải làm thế này với đồng loại".
Ở trại tập trung, Lale ghi chép thói quen của quân đội Quốc xã Đức, lợi dụng các sơ hở để tìm đường thoát thân. Nhờ biết nói bảy thứ tiếng, trong đó có tiếng Ba Lan, Pháp, Yiddish (tiếng của người Do Thái ở Trung, Đông Âu), người thợ xăm nghe lén các câu chuyện của lính canh gác, có thể giao tiếp với tù binh bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Anh còn hay giúp đỡ nhóm người Digan quen sống di cư, nay bị nhốt trong trại. Lale chơi đùa, đem đồ ăn đến cho trẻ con, khuyên cha mẹ dạy con về quê hương, gia đình của dân tộc họ.
Trang kirkusreviews cho rằng nhà văn thành công khi miêu tả không khí chiến tranh, cảnh giam cầm con người đau thương không kém tác phẩm nổi tiếng của John Boyne - Chú bé mang pyjama sọc. Tuy vậy, người đọc trên goodreads nói tiểu thuyết lược bớt các tình tiết man rợ của nạn diệt chủng, phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh các tình tiết bạo lực, sách có những giây phút vui tươi như tình yêu của cặp nhân vật chính, những lúc cả hai đùa giỡn với lũ trẻ. Nhân vật Lale trong sách lẫn ngoài đời đều giữ quan niệm sống: "Nếu bạn còn thức dậy vào buổi sáng, đó là một ngày tốt lành". Sách kết thúc có hậu, gieo hy vọng về tình người, đề cao tình yêu.
Tác giả Heather Morris sinh sống Melbourne, Australia. Ảnh: heathermorrisauthor.
Nhà văn Heather Morris sinh ra ở New Zealand, hiện định cư ở Australia. Bà lấy bằng cử nhân chuyên ngành Khoa học Chính trị tại đại học Monash vào năm 1991. Từ năm 1995 đến 2017, bà làm việc ở Phòng công tác xã hội của Trung tâm Y tế Monash tại Melbourne. Giai đoạn này, ở tuổi ngoài 40, vừa làm việc và nuôi dạy ba con nhỏ, bà vừa theo đuổi đam mê viết lách và đăng ký tham gia khóa học viết kịch bản chuyên nghiệp của Đại học Báo chí Australia.
Khi tiếp cận với Lale Sokolov, bà định viết kịch bản phim, nhưng sau đó chuyển thành tiểu thuyết vì muốn khai thác sâu cuộc đời nhân vật. Bén duyên với công việc viết sách, bà tiếp tục ra mắt tác phẩm thứ hai - Cilka’s Journey vào 2019. Tác giả kể về kinh nghiệm viết lách, làm bạn, lắng nghe người khác của mình trong sách mới nhất - Stories of Hope, phát hành hồi tháng chín.
Xem thêm
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tho-xam-o-auschwitz-tinh-yeu-thoi-the-chien-4197526.html