Cách người Mỹ tiêu tiền trong cơn bão lạm phát
Ibby Hussain, nhân viên ngành tiếp thị ngoài 30 tuổi, cùng vợ chưa cưới thuê một căn hộ ở Brooklyn, New York với giá 3.000 USD một tháng. Sau khi đính hôn vào năm ngoái, anh dự định mua trả góp căn hộ trị giá một triệu USD này để "an cư lạc nghiệp".
Nhưng với lãi suất hiện tại, nếu mua nhà, Hussain sẽ phải thanh toán trước 200.000 USD và trả góp mỗi tháng 5.000 USD, chưa tính thuế tài sản. "Đó còn không phải là căn hộ thực sự đẹp", Hussain nói. Bởi vậy, thay vì tích góp tiền mua nhà như kế hoạch, anh đã chọn phương án tiếp tục thuê nhà và "tận hưởng cuộc sống".
Hussain đã chi 1.600 USD mua vé show ca nhạc của Taylor Swift, dự tiệc độc thân ở Ibiza, Tây Ban Nha với chi phí 3.500 USD. "Tôi muốn tận hưởng những gì mình có bây giờ", anh nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, cố vấn tài chính, xu hướng "tiêu tiền để tận hưởng" như của Hussain không phải điều hiếm gặp hiện nay ở Mỹ, sau những biến động mà họ trải qua gần đây.
Khó khăn trong thị trường bất động sản khiến nhiều người Mỹ không còn mặn mà với các phương án tiết kiệm tiền mua nhà. Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy sự bất ổn của các kế hoạch dài hạn, từ công việc cho đến cuộc sống.
Hai cú sốc này đã thúc đẩy nhiều người Mỹ mạnh tay chi tiêu nhiều hơn cho những trải nghiệm "một lần trong đời", bởi họ lo lắng sẽ có lúc "không còn ngày mai" để thực hiện chúng.
Người bộ hành ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 15/2. Ảnh: AFP
Kết quả là chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ, động lực chính cho tăng trưởng quốc gia, vẫn tỏ ra mạnh mẽ giữa tình trạng lạm phát, lãi suất cao. Trong tháng 8, người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức lạm phát dưới 4%.
Tại New York, tỷ lệ hộ thực hiện ít nhất một lần mua sắm lớn trong 4 tháng vừa qua cũng tăng từ 57% lên 65% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2015, theo khảo sát chi tiêu hộ gia đình tháng 8 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
"Tại thời điểm lạm phát, lãi suất cao, chúng tôi không thường kỳ vọng mức chi tiêu mạnh như vậy", Wilbert van der Klaauw, chuyên gia kinh tế về chính sách công và hộ gia đình tại ngân hàng, nói.
Nền kinh tế trải nghiệm (experience ecomony) cũng bùng nổ vào mùa hè. Hãng hàng không Delta Airlines ghi nhận doanh thu kỷ lục trong quý II. Nền tảng bán vé Ticketmaster đạt doanh số 295 triệu vé sự kiện trong 6 tháng đầu, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vài tuần sau khi Lindsey, 37 tuổi, nghỉ việc để dành toàn thời gian chăm sóc con trai 8 tuổi, vợ chồng cô quyết định dùng thẻ tín dụng để chi trả cho chuyến nghỉ dưỡng tại thị trấn Lahaina ở Hawaii hồi đầu năm.
"Chúng tôi không có tiền, nhưng nghĩ rằng cứ đi thôi", Darrell, chồng Lindsey, nói. Chuyến đi tốn khoảng 10.000 USD, gồm ba vé máy bay 1.000 USD, 10 đêm tại khu resort 4 sao và vài bữa ăn thịnh soạn.
Dù hạn chế ăn ngoài để giảm hóa đơn, hai vợ chồng không tỏ ra hối tiếc, nhất là khi chứng kiến thị trấn Lahaina bị tàn phá trong thảm họa cháy rừng hồi tháng 8.
"Đó không phải quyết định khiến người ta trăn trở. Trái lại, họ chỉ cảm thấy hối hận nếu không làm những điều như vậy", Michael Liersch, cố vấn cấp cao của ngân hàng Wells Fargo, Mỹ, giải thích.
Gia đình Lindsey và Darrell trong chuyến nghỉ mát tại Lahaina, Hawaii, hồi đầu năm. Ảnh: WSJ
Lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu cũng có thể là lý do khiến một số người Mỹ cố gắng ghé thăm các danh lam thắng cảnh trước khi chúng có nguy cơ biến mất. Trong đó có Josh Richner, người đã cùng vợ bán căn nhà ở Ohio, giảm tiền đóng quỹ hưu trí để chi trả cho chuyến du lịch xuyên Mỹ.
Richner đã chi 7.000 USD cho chuyến đi cùng gia đình tới quan sát những mỏm băng đang tan chảy ở Alaska. "Tôi chưa từng chi nhiều như vậy cho một chuyến du lịch. Quyết định này một phần lo do nỗi ám ảnh về đại dịch và nỗi lo sức khỏe", người đàn ông 35 tuổi nói.
Làm việc tại công ty luật hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết nợ nần, Richner hiểu rõ nguy cơ của lối sống "không cần biết ngày mai", nhưng anh không tỏ ra lo lắng.
"Tôi trở thành người sẽ thực hiện ngay lập tức những trải nghiệm 'hy vọng có thể làm vào một ngày nào đó'", anh nói. "Tôi không lo lắng về tiền bạc nữa, tôi không có tiền trong người".
Nhưng còn quá sớm để nói rằng xu hướng chi tiêu này là nhất thời hay "bình thường mới", cố vấn Liersch cho hay, khi người tiêu dùng vẫn thất vọng về mức lạm phát, giá tiêu dùng cao hơn đáng kể so với vài năm trước.
Gia đình Josh Richner trong chuyến thăm Rừng Quốc gia Tongass ở Alaska, Mỹ. Ảnh: WSJ
Dù vậy, Candice Kelly, nhà phân tích quản lý ở Charlotte, Bắc Carolina, cho hay vợ chồng cô quyết định để ra vài trăm USD mỗi tháng để tới các nhà hàng sang trọng và mua một chiếc túi xách hàng hiệu đắt tiền, thay vì dồn tiền vào tài khoản mua nhà hoặc hưu trí. Họ muốn tận hưởng tiền của mình ngay khi còn trẻ, dù phải làm việc lâu hơn.
"Tất cả các quy tắc xoay quanh tiền bạc, phong cách sống chỉ là những thứ do con người tạo ra. Nên chúng tôi quyết định làm khác đi và thực lòng là chúng tôi có nhiều niềm vui hơn", Candice, 26 tuổi, nói.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-my-tieu-tien-nhu-khong-biet-ngay-mai-4660295.html