Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương bị đe dọa vì mực nước biển dâng cao
"Tôi tới Tonga để phát đi tín hiệu SOS - Save Our Seas (Hãy cứu lấy biển cả của chúng ta) trước tình trạng mực nước biển dâng cao. Một thảm họa toàn cầu đang đặt Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các quốc đảo Thái Bình Dương ngày 26/8.
Các quốc đảo Thái Bình Dương thải ra chưa tới 0,02% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm, do dân cư thưa thớt và ít ngành công nghiệp nặng. Tuy nhiên, các đảo đang bị đe dọa nhanh chóng trước sự xâm lấn từ đại dương.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại Samoa ngày 22/8. Ảnh: AFP
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã theo dõi các thủy triều kế, được lắp đặt trên các bãi biển nổi tiếng của Thái Bình Dương kể từ đầu những năm 1990. Nghiên cứu mới do WMO công bố cho thấy tại một số khu vực Thái Bình Dương, mực nước biển đã dâng cao khoảng 15 cm trong 30 năm qua. Trong khi đó, mức dâng trung bình toàn cầu là 9,4 cm.
Một số địa điểm như Kiribati và Quần đảo Cook ghi nhận mực nước biển dâng bằng hoặc thấp hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, các địa điểm khác như Samoa và Fiji đang tăng gần ba lần.
"Rõ ràng chúng ta đang ngày càng cạn kiệt thời gian để thay đổi tình hình", quan chức cấp cao WMO Celeste Saulo nói.
Các nhà khoa học cảnh báo trong nhiều kịch bản, Tuvalu, quốc gia nằm ở vùng trũng Thái Bình Dương, có thể gần như bị xóa sổ hoàn toàn trong 30 năm tới.
"Thảm họa nối tiếp thảm họa và chúng tôi đang mất đi khả năng tái thiết, chống chọi với bão lũ. Đối với các quốc đảo vùng trũng, đó là vấn đề sống còn", Bộ trưởng Khí hậu Tuvalu Maina Talia nói.
Được bao quanh bởi hàng triệu m2 đại dương, khu vực Nam Thái Bình Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng vì mực nước biển dâng. Theo LHQ, phần lớn người dân ở đây sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển. Nước biển dâng cao làm biến mất đất đai vốn khan hiếm và làm ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm quan trọng.
Nhiệt độ nước ấm hơn cũng đang thúc đẩy các thảm họa thiên nhiên khốc liệt hơn, trong khi hiện tượng axit hóa đại dương dần giết chết các rạn san hô, vốn đóng vai trò quan trọng với chuỗi thức ăn ở hệ sinh thái biển.
Vị trí các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Đồ họa: Google Maps
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/lhq-canh-bao-ve-muc-nuoc-bien-thai-binh-duong-dang-cao-4785988.html