Các đường lây truyền của bệnh bạch hầu

17:00' 11-07-2024
Mới đây, ca bệnh bạch hầu tử vong ở Nghệ An khiến nhiều người lo lắng không biết bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua những con đường nào?


    Các đường lây truyền của bệnh bạch hầu

    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do các chủng vi khuẩn có tên Corynebacteria diphtheriae gây ra, tạo ra độc tố. Chất độc thường bám vào các mô trong hệ hô hấp và gây bệnh bằng cách giết chết các mô khỏe mạnh.

    Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, ngay cả khi được điều trị kịp thời, vẫn có khoảng 1/10 bệnh nhân tử vong về căn bệnh này.

    Vi khuẩn bạch hầu lây lan từ người này sang người khác, thường qua các giọt hô hấp, như khi ho hoặc hắt hơi. Mọi người cũng có thể bị bệnh khi chạm vào vết loét hoặc vết loét hở bị nhiễm trùng.

    Bệnh bạch hầu lây truyền qua những đường nào, liệu có thể nhiễm qua quan hệ tình dục? - Ảnh 1.
     

    Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm những người tiếp xúc trong gia đình, những người tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân và những người thường xuyên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh.

    BS. Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin với báo Chính phủ, nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.

    Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi.

    Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh hoặc lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

    BS. Phan Văn Mạnh cho biết, thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt…

    Bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua đường tình dục?

    Cũng theo báo Chính phủ, năm 2008, nhóm tác giả Khoa Da liễu và STD, Viện Nghiên cứu và Giáo dục Y khoa Sau đại học Jawaharlal (JIPMER), Pondicherry, Ấn Độ đã đăng tải trên Tạp chí Da liễu, Hoa liễu và Bệnh phong Ấn Độ một trường hợp hiếm gặp về bệnh bạch hầu qua vết thương giả dạng một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD).

    Triệu chứng của bệnh bạch hầu:

    - Sốt nhẹ

    - Đau họng, ho, chán ăn 2-3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hành hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen

    - Giả mạc của người bệnh dài, dễ chảy máu và dính

    - Khó nuốt, khó thở Khi bệnh trở nặng, người bệnh có các biểu hiện như sưng to cổ, khó thở, rối loạn tim, khàn tiếng…

    Năm 2013, phòng thí nghiệm quốc gia về bệnh bạch hầu, Oberschleissheim và Cơ quan An toàn Thực phẩm và Sức khỏe Bavaria, Oberschleissheim, Đức đã từng báo cáo về trường hợp mắc bệnh bạch hầu lây truyền qua đường tình dục ở một bệnh nhân bị viêm niệu đạo không do lậu cầu sau khi tiếp xúc qua đường sinh dục.

    Vào tháng 10 năm 2016, một cậu bé vị thành niên bị vết loét sinh dục cấp tính ở Cologne, Đức. Nhóm nghiên cứu cho rằng đó là một bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng các xét nghiệm chẩn đoán ban đầu cho kết quả âm tính.

    Bệnh nhân phải nhập viện vì mẫu bệnh phẩm từ vết thương phát triển độc tố Corynebacteria diphtheriae, dẫn đến chẩn đoán bệnh bạch hầu qua da có thể lây truyền qua đường tình dục.

    Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

    Theo thông tin từ hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.

    Phụ huynh cần cho con tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời thực hiện các mũi tiêm nhắc lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi vì lúc này khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu suy giảm theo thời gian, việc tiêm mũi nhắc là rất cần thiết. Theo đó, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

    Bệnh bạch hầu lây truyền qua những đường nào, liệu có thể nhiễm qua quan hệ tình dục? - Ảnh 3.
     

    Vắc xin phòng bạch hầu hiện có trong tất cả các vắc xin phối hợp như vắc xin phối hợp 3 trong 1; vắc xin phối hợp 4 trong 1; vắc xin phối hợp 5 trong 1; vắc xin phối hợp 6 trong 1. Trong đó, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc xin 4 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi. Vắc xin 3 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Và vắc xin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

    Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý:

    - Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

    - Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

    - Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    - Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

    Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch, đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.

    Mới đây, Nghệ An ghi nhận ca bệnh bạch hầu tử vong. Một ca tiếp xúc gần ca bệnh này đã được xác định dương tính với bạch hầu, là cô gái 18 tuổi ở Bắc Giang .

    Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, kết quả xét nghiệm đã xác định chị Moong Thị B. (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) dương tính với bạch hầu và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Cô gái này là một trong 2 trường hợp tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại H.Kỳ Sơn (Nghệ An).

    Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tỉnh Bắc Giang yêu cầu cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính (mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh).



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: http://kenh14.vn/benh-bach-hau-lay-truyen-qua-nhung-duong-nao-lieu-co-the-nhiem-qua-quan-he-tinh-duc-20240709100334536.chn


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ