Burkini người Hồi giáo gây tranh cãi kịch liệt ở châu Âu
Đức đã công bố kế hoạch cấm sử dụng khăn che mặt trong một số trường hợp. Ở Pháp, sau khi burkini đã bị cấm tại một số thành phố, khiến tòa án phải vào cuộc và phán quyết bác bỏ lệnh cấm, tạo nên cuộc tranh cãi gay gắt.
Burkini, bộ đồ bơi che phủ toàn bộ cơ thể, ngoại trừ mặt, bàn tay và bàn chân, bị liệt vào danh sách cấm sử dụng tại ba thành phố Cannes, Villeneuve-Loubet và Sisco. Bất cứ ai vi phạm lệnh cấm mặc burkini tại Cannes phải đối mặt với khoản tiền phạt 38 euro (42 USD). Có ít nhất 15 thành phố và thị trấn đã ban hành lệnh cấm.
"Loại đồ bơi như vậy thể hiện tôn giáo một cách quá phô trương trong bối cảnh Pháp hiện là mục tiêu của các hành động khủng bố. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất trật tự công cộng và cần phải được ngăn chặn", lệnh cấm do Cannes ban hành có đoạn.
Thị trưởng thành phố Sisco, ông Ange-Pierre Vivoni, cho rằng đây "không phải là hành vi phân biệt chủng tộc”.
"Mục đích của việc này là nhằm mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Tôi không chống lại những người Bắc Phi hay Arab. Đây chỉ là một phần trong cuộc đấu tranh vì sự đoàn kết của người dân", ông giải thích.
Cuộc tranh cãi về burkini lên đỉnh điểm khi hình ảnh một phụ nữ Hồi giáo dường như được cảnh sát Nice yêu cầu bỏ khăn che mặt khi cô nằm trên bờ biển. Nice là nơi diễn ra vụ tấn công khủng bố bằng xe tải khiến 80 người chết đúng ngày quốc khánh Pháp.
Tuần trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết nước này dự định cấm sử dụng mạng che kín mặt tại những nơi cần xác định nhân thân, bao gồm trường học, văn phòng, nhà trẻ và các cơ quan nhà nước.
"Chúng tôi không chấp nhận việc che phủ toàn bộ khuôn mặt. Không chỉ với burqa mà với bất cứ loại mạng che mặt nào chỉ chừa lại đôi mắt", bộ trưởng nói. "Điều này là không phù hợp trong xã hội hiện nay".
Đại sứ Pháp tại Mỹ, Gerald Araud từng bình luận rằng burqa truyền đi thông điệp phụ nữ là "một mục tiêu tình dục, một vật thể và không phải là một phần của lịch sử”. Khi ban hành luật cấm burqa ở Pháp, các nghị sĩ cho biết họ làm như vậy vì lợi ích của an ninh và đạo đức.
Một phụ nữ Hồi giáo mặc burkini trên bờ biển Tunisia. Ảnh: CNN. |
"Tự do cá nhân"
Sundas Ali, giảng viên chính trị và xã hội học tại Đại học Oxford, nói rằng lệnh cấm này nhắm đến những người như cô, bởi vì burkini khiến phụ nữ Hồi giáo cảm thấy thoải mái và kín đáo hơn khi tắm biển.
"Tôi nghĩ rằng ngài thị trưởng của thành phố Cannes và chính phủ Pháp có thể xử lý vấn đề này một cách xây dựng hơn, bằng cách tham vấn xã hội và xây dựng một cuộc đối thoại giữa người Hồi giáo và phi Hồi giáo", cô nói.
“Tôi nghĩ rằng người phụ nữ Hồi giáo nên được phép mặc những gì họ muốn - miễn là nó không làm gián đoạn xã hội hoặc sự hòa hợp xã hội", Ali cho biết.
Cô cũng cho rằng những người ban hành luật đã "quên mất" một trong những giá trị quan trọng nhất của xã hội - tự do cá nhân.
Sara Silvestri, giáo sư tại Đại học công lập London về tôn giáo và chính trị, cho rằng cấm burkini đồng nghĩa với trao cho các nhóm cực đoan một vũ khí mới.
"Al-Qaeda và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trở nên mạnh mẽ mỗi khi các nước phương Tây có hành vi phân biệt đối xử hay kỳ thị người Hồi giáo”, bà nói. "Những điều luật nàykhiến người Hồi giáo cảm thấy yếu ớt, không được chào đón và khó hòa nhập cộng đồng. Do đó, họ sẽ rời xa xã hội và đến với những nhóm cực đoan”.
Shereen El Feki, tác giả của "Sex and the Citadel: Intimate Life in a Changing Arab World" (Tình dục trong thế giới Arab) cho rằng việc cấm sử dụng khăn che kín mặt là điều rất nguy hiểm.
"Mỉa mai thay, những lời biện hộ cho lệnh cấm lại được cho là để bảo vệ phụ nữ, những người muốn mang khăn trùm. Bởi vì bạn đang giả định rằng những phụ nữ này không có sự lựa chọn, hay đúng hơn là họ “không có khả năng tự đưa ra một sự lựa chọn”, cô nói. “Tôi không phủ nhận rằng có nhiều phụ nữ không có quyền chọn lựa thật; nhưng cũng có rất nhiều người chủ động muốn dùng khăn, đó là lựa chọn của họ. Bạn không thể giả vờ không biết điều này".
Eli Malik, phóng viên của Guardian, nói luật chống lại việc sử dụng burqa “không nhằm lo lắng cho phụ nữ, mà là nó mong muốn thu nhỏ không gian mà người Hồi giáo có thể tự do ăn mặc, sinh sống và làm việc ở châu Âu."
Burqa là trang phục bao phủ toàn bộ cơ thể và gồm mạng che mặt; niqab che phủ toàn khuôn mặt và chỉ hở đôi mắt, hijab là trang phục có xu hướng ít cực đoan hơn, thường là chiếc khăn trùm đầu để che mái tóc của người phụ nữ.
Kinh Qur'an không đề ra loại trang phục cụ thể nào cho nữ tín đồ, nhưng khuyến khích phụ nữ ăn mặc một cách khiêm tốn.
Silvestri của đại học London trích dẫn ra một số câu thường được nhắc đến trong tài liệu này, chẳn hạn phụ nữ nên “từ bỏ ham muốn khoe vẻ ngoài của mình, nên che chắn những bộ phận cơ thể" và “sử dụng vải che mặt quanh vùng ngực”.
Bà Silvestri bình luận rằng những điều răn trên về cơ bản cũng giống ở các tôn giáo khác. "Đó là một thông điệp về sự khiêm tốn. Thông điệp này không quá khác so với những ý tưởng về đạo đức phụ nữ mà đạo Kitô đề xướng”.
Article sourced from VNEXPRESS.