BiomeMega nghiên cứu sản xuất omega-3 từ vi khuẩn biển và đất
Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn nguồn từ trang tin sbs.com.au cho biết, các nhà khoa học Australia đang nghiên cứu sản xuất một loại “dầu cá” mới có nguồn gốc từ vi khuẩn biển và đất với hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ omega-3 trên thế giới một cách bền vững hơn.
Omega-3 là một loại axit béo có nguồn gốc từ cá tuyết, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim, cao huyết áp và viêm khớp dạng thấp. Loại axit béo này thường được bán dưới dạng viên nén như một loại thực phẩm chức năng. Hằng năm, hơn 100 triệu tấn cá bị đánh bắt trên toàn cầu để đáp ứng nhu cầu về omega-3 của con người.
Thay vì chiết xuất axit béo từ cá, công ty khởi nghiệp BiomeMega của Australia đang sử dụng quá trình lên men để thu chiết xuất từ vi khuẩn phát hiện trong đất và biển của Australia. Quá trình này bao gồm việc lấy vi khuẩn có sẵn trong đại dương, đất và thiên nhiên rồi đưa chúng vào bể lên men. Sau đó, các tế bào sẽ bị phá vỡ và tạo ra chiết xuất. Tiến sĩ Gustavo De Cerqueira, Giám đốc điều hành BiomeMega, cho hay đây là một quá trình rất đơn giản, tương tự như sản xuất bia.
Theo Tiến sĩ De Cerqueira, omega rất cần thiết đối với con người, nhưng việc sản xuất chúng cũng gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường. Chính vì vậy, các nhà sản xuất đang tìm kiếm giải pháp thay thế mà không cần nhân bản gene hoặc những trang thiết bị tốn kém.
Việc xác minh xuất xứ sản phẩm và thành phần nguyên liệu từ Australia cũng có thể được thực hiện.
Chiến lược “truy xuất nguồn gốc” quốc gia đầu tiên của Australia đã được các bộ trưởng nông nghiệp chấp thuận. Mục tiêu của chiến lược là chứng minh uy tín của Australia trong an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và tính bền vững, đồng thời giành lợi thế thị trường cho các nhà sản xuất và các công ty khởi nghiệp của nước này. Tiến sĩ De Cerqueira nhận định Australia thực sự có vị thế thuận lợi để bán không chỉ các sản phẩm mà còn cả nguyên liệu.
Công ty BiomeMega dự kiến sẽ đưa sản phẩm “dầu cá” mới này ra thị trường trong bốn năm tới./.
Article sourced from BNEWS.