Biden lạc quan sau hội nghị thượng đỉnh
Ngay sau khi họp thượng đỉnh hơn ba giờ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức họp báo riêng, đưa ra một loạt quan điểm cứng rắn. Ông bác bỏ cáo buộc Nga liên quan đến hoạt động tấn công mạng nhắm vào lợi ích của Mỹ, cáo buộc Mỹ có hồ sơ nhân quyền tồi tệ hơn Nga và khẳng định chính quyền Biden đang tăng cường hiện diện quân sự gần Ukraine.
Điều này dường như cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Geneva đã không làm được gì nhiều để thay đổi mối quan hệ song phương vốn đã xuống mức rất thấp trong nhiều năm qua.
Tổng thống Biden tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 16/6. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, Biden không tỏ ra khó chịu về các bình luận của người đồng cấp Nga trong cuộc họp báo riêng của mình hay trong cuộc trò chuyện sau đó với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một, trước khi ông rời Thụy Sĩ, kết thúc 8 ngày công du châu Âu.
Phản ứng của Biden trước Putin đã làm nổi bật một đặc điểm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông: sự lạc quan "cứng đầu". Những người chỉ trích Biden cho rằng nó thể hiện "sự ngây thơ đáng lo ngại", trong khi các đồng minh khẳng định đó là yếu tố cần thiết để đạt được tiến bộ.
"Đất nước đã mang một diện mạo khác về nơi chúng ta đã đi và sẽ đến, tôi cảm thấy hài lòng về điều đó", Biden nói trước khi lên máy bay. Ông chê giới truyền thông quá đa nghi: "Ý tôi là tôi sẽ khiến các bạn phát điên lên vì tôi biết các bạn luôn muốn tôi đưa ra cái nhìn tiêu cực về mọi thứ".
Theo Biden, điều quan trọng là phải giữ tinh thần lạc quan, dù vẫn có cái nhìn thực tế về triển vọng tạo ra thay đổi trong lâu dài. "Nếu ở vào vị trí của tôi, các bạn sẽ khẳng định rằng không có thay đổi nào trong tương lai, mọi chuyện thực sự khó khăn và tồi tệ phải không?", Biden hỏi các phóng viên.
Trong sự nghiệp của mình, Biden đã trải qua nhiều nỗi buồn và thất vọng, bao gồm cái chết của vợ và con gái khi là một thượng nghị sĩ trẻ. Con trai cả Beau qua đời vì ung thư khi Biden đang cân nhắc tranh cử tổng thống. Nhưng bất chấp những bi kịch cá nhân, khi ở trước công chúng, ông luôn thấy những mặt tích cực mà người khác không thấy.
Khi nghe Biden phát biểu tại cuộc họp báo của mình, người ta có thể nghĩ rằng cuộc gặp của ông với Putin đã thành công vang dội. Tổng thống nhấn mạnh Nga - Mỹ thống nhất bắt đầu làm việc về thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới. Ông cho rằng mấu chốt đàm phán là tìm hiểu lợi ích của đối thủ. Trong trường hợp của Putin, Tổng thống Nga "muốn được tôn trọng, muốn có vị thế cao trên trường quốc tế", Biden nói.
Nhiều người cho rằng sự tích cực đó thể hiện sự ngây thơ, không muốn nhìn thẳng vào thực tế. Nó cũng đặt ra câu hỏi liệu Biden có sẵn sàng đối mặt với những thách thức như các động thái của Nga ở biên giới phía đông của NATO, các cuộc tấn công mạng từ bên trong nước Nga và hồ sơ nhân quyền của nước này hay không.
Nhưng cách tiếp cận của Biden ít khả năng thay đổi. Ông đã giữ giọng điệu lạc quan kể từ khi bước vào Phòng Bầu dục. Ông đã cố gắng giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng khi thông qua chương trình nghị sự trong nước, mặc dù nhiều đồng minh của ông ở Washington không thiết tha tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hòa.
Trong cuộc chiến với Covid-19, ông thường xuyên bày tỏ niềm tin rằng người Mỹ sẽ khỏe mạnh hơn và an toàn hơn, trong khi một số chuyên gia y tế tỏ ra thận trọng hơn khi dự đoán.
Về chính sách đối ngoại, Biden là một nhà ngoại giao lâu năm coi trọng các cuộc trò chuyện trực tiếp như cuộc hội đàm với Putin hôm 16/6 và nhiều cuộc trao đổi với các lãnh đạo khác trong hội nghị thượng đỉnh G7, NATO và EU tuần qua.
Tại G7, cũng như tại cuộc họp của NATO, Biden lạc quan rằng các đồng minh sẽ một lần nữa tin tưởng vào cam kết của chính phủ Mỹ. Khi được hỏi về việc một số lãnh đạo châu Âu lo rằng cựu tổng thống Donald Trump rồi sẽ trở lại Nhà Trắng hoặc một người giống Trump sẽ trỗi dậy, Biden gạt mối lo ngại sang một bên.
Với Nga, Biden và các trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu nhấn mạnh rằng họ không muốn "khởi động lại" mối quan hệ Mỹ - Nga, thuật ngữ đã thể hiện cho sự "ngây thơ" của người tiền nhiệm Barack Obama trong cách làm việc với Nga và Putin.
Nhưng theo lời kể của Biden, hội nghị thượng đỉnh của ông với Putin lại gây cảm giác mối quan hệ được thiết lập lại. Ông khẳng định không lời đe dọa nào được đưa ra, hai bên không lên giọng, chỉ là cuộc trao đổi "tích cực" giữa hai lãnh đạo chưa tin tưởng nhau.
"Chúng ta không cần phải tin tưởng ai đó để đạt được Start II", ông nói, đề cập đến hiệp ước kiểm soát vũ khí New Start giữa Nga và Mỹ.
Lần duy nhất Biden lên giọng trong cuộc họp báo ở Geneva là khi phóng viên CNN Kaitlan Collins hỏi tại sao ông tự tin rằng Putin sẽ thay đổi hành vi. Biden, khi đó đang rời khỏi địa điểm tổ chức họp báo, quay lại và gắt gỏng.
"Tôi không tự tin rằng ông ấy sẽ thay đổi hành vi. Cái quái gì vậy? Cô làm gì nãy giờ vậy?", Biden giận dữ hỏi khi chỉ tay về phía Collins. "Tôi nói tự tin lúc nào? Tôi nói rằng điều sẽ khiến họ thay đổi hành vi là phần còn lại của thế giới cùng phản ứng với họ, làm giảm vị thế của họ trên trường quốc tế. Tôi không tự tin về bất cứ điều gì. Tôi chỉ đang nói sự thật".
"Nhưng hành vi trước đây của Putin không thay đổi và trong cuộc họp báo sau hội đàm với ngài, ông ấy phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công mạng. Ông ấy hạ thấp các hành vi vi phạm nhân quyền, thậm chí từ chối nói tên Alexey Navalny. Vậy làm thế nào điều đó lý giải cho một hội nghị mang tính xây dựng như Tổng thống Putin đã nói?", Collins tiếp tục.
"Nếu cô không hiểu điều đó, thì cô đang làm sai nghề rồi", Biden trả lời một cách cáu bẳn.
Đó là phản ứng gay gắt nhằm phản bác sự hoài nghi mà Biden không thích. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự "lạc quan cứng đầu" của ông đôi khi là mục tiêu thu hút những lời chỉ trích lẫn hoài nghi.
Khi tới sân bay để chuẩn bị rời đi, Biden nói chuyện với nhóm phóng viên tháp tùng ông trở lại Washington. Đề cập đến bình luận của mình với phóng viên CNN, Biden nói rằng ông nợ cô một lời xin lỗi: "Tôi đã không khôn ngoan khi đưa ra câu trả lời cuối cùng".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/biden-lac-quan-cung-dau-sau-thuong-dinh-voi-putin-4295979.html