Biden lạc quan đưa nước Mỹ trở lại
Tổng thống Joe Biden không thể giấu nổi niềm vui khi dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD được quốc hội thông qua ngày 6/11, tuyên bố rằng ông đang thực hiện tốt hai lời hứa tranh cử quan trọng, gồm phục hồi kinh tế và tiêm chủng cho người dân Mỹ.
"Chúng tôi đã làm được điều lẽ ra phải làm từ lâu, một điều đã được nói đến từ lâu ở Washington nhưng chưa bao giờ được thực sự thực hiện", Tổng thống Biden nói tại Nhà Trắng.
Sau khi được Biden ký thành luật, đây sẽ là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất của liên bang cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Mỹ trong hơn một thập kỷ qua.
"Khi tôi nhậm chức, hầu như mọi người đều nói rằng 'ngài không thể khiến nền kinh tế tăng trưởng'", ông nói. "Họ cũng từng nói tôi sẽ không có cách nào tiêm được hai triệu mũi vaccine cho người Mỹ mỗi ngày trong thời gian đầu, hay không thể đạt được 200 triệu mũi tiêm. Tôi giờ sẽ không chỉ trích những người từng nói vậy".
Dự luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD, cùng với kế hoạch Xây dựng Mỹ trở lại tốt hơn (Build Back Better) trị giá 1.750 tỷ USD, đã nhiều lần được Nhà Trắng ca ngợi là khoản đầu tư lịch sử và nằm trong tham vọng "đưa nước Mỹ trở lại" của Biden và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm tới.
Tham vọng đó của Biden đang gần với hiện thực hơn bao giờ hết, khi dự luật cơ sở hạ tầng đã được thông qua, trong khi quá trình đàm phán Build Back Better cũng đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ tại quốc hội.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington DC ngày 3/11. Ảnh: Reuters.
Nếu Build Back Better cũng được quốc hội thông qua, Mỹ dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ USD ngân sách cho thập kỷ tới, số tiền được cho là sẽ làm lu mờ chính sách kinh tế mới New Deal nổi tiếng của tổng thống Franklin D. Roosevelt và làm gia tăng đáng kể vai trò của chính phủ với nền kinh tế Mỹ.
Về cơ bản, các chính sách sâu rộng của Biden là nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất của quốc gia, tăng số lượng lao động Mỹ, tạo ra một nền kinh tế công bằng và bình đẳng hơn sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho những người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình.
Đạo luật cơ sở hạ tầng là khoản đầu tư đáng kể vào cầu đường, bến cảng, đường ống dẫn dầu và nhiều thứ khác, với kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và đi lại ở Mỹ.
Dự luật Build Back Better tập trung đầu tư vào chăm sóc trẻ em, giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, nghỉ phép có lương cho cha mẹ và chăm sóc người già. Những sáng kiến này được kỳ vọng giúp người Mỹ, đặc biệt là các bà mẹ, dễ dàng theo đuổi sự nghiệp khi con nhỏ và bố mẹ già được chăm sóc tốt.
Khi hai dự luật được ký thành luật, Oxford Economics và Moody’s Analytics ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ và số lượng lao động sẽ tăng lên trong những năm tới.
"Cùng với dự luật cơ sở hạ tầng, Build Back Better là một động lực khá đáng kể cho hoạt động kinh tế", nhà kinh tế học Gregory Daco của Oxford Economics nhận định.
Khi dự luật cơ sở hạ tầng trở thành luật, nhiều thành viên Dân chủ lạc quan Build Back Better sẽ sớm được thông qua, dù hiện còn nhiều rào cản cần giải quyết.
Từ khi còn là thượng nghị sĩ trong những năm 1990, Biden đã tự hào về khả năng tìm thấy điểm chung với các đối thủ để thông qua các dự luật lớn. Là Tổng thống, ông đã gặp rất nhiều khó khăn để đưa gói dự luật cơ sở hạ tầng "về đích", sau nhiều tuần tranh cãi tại Hạ viện.
Biden và các trợ lý đã liên tục trao đổi qua điện thoại vào đêm ngày 5/11 để đảm bảo các đảng viên Dân chủ đang dao động không bị nản lòng. Phe cấp tiến trong đảng muốn dùng dự luật cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy để đảm bảo gói chi tiêu xã hội của Biden cũng được thông qua.
Sau khi dự luật được thông qua, Biden thậm chí còn gọi điện cho mẹ của một đảng viên chủ chốt, hạ nghị sĩ Pramila Jayapal, một hành động quen thuộc của Biden.
Biden cũng có những cuộc trao đổi với nhóm ôn hòa trong đảng Dân chủ, những người lo ngại rằng Tổng thống đang dành quá nhiều thời gian để theo đuổi các chương trình nhiều tham vọng mà không chú ý đúng mức tới các vấn đề cần quan tâm khác. Với một số đảng viên Dân chủ, thất bại của đảng trong cuộc đua giành ghế thống đốc bang Virginia tuần trước là một bài học.
"Không ai bầu ông ấy để trở thành Franklin D. Roosevelt, họ chỉ bầu ông ấy để đưa mọi thứ trở lại bình thường và ngăn chặn hỗn loạn", Abigail Spanberger, thành viên Dân chủ của bang Virginia, nói.
Tuy nhiên, Biden kiên quyết bảo vệ kế hoạch cứu trợ người Mỹ thông qua các chương trình xã hội trong dự luật Build Back Better.
"Tôi không định trở thành ai khác ngoài Joe Biden. Đó là con người tôi", ông nói. "Những người Mỹ bình thường, làm việc chăm chỉ thực sự đã bị cuốn vào vòng xoáy trong vài năm qua, bắt đầu từ Covid-19".
Biden thêm rằng các đảng viên Dân chủ nên xem thất bại trong cuộc bầu cử thống đốc ở Virginia là động lực để thúc đẩy kế hoạch của ông. "Cử tri muốn chúng ta hành động. Đêm qua, chúng ta đã chứng minh rằng mình có thể hành động", ông nói.
Nhiều chuyên gia chính sách cũng cho rằng những khoản đầu tư lớn là cần thiết để giúp nền kinh tế Mỹ có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và các cường quốc khác. Họ thêm rằng đây chính là thời điểm hợp lý để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khi lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
"Đây là những gì phù hợp cho tương lai kinh tế của chúng ta", Betsey Stevenson, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan, nói.
Dù chưa có gì đảm bảo kế hoạch Build Back Better sẽ được quốc hội thông qua, Biden vẫn lạc quan rằng tham vọng của ông sớm muộn sẽ thành hiện thực. "Tôi cảm thấy tự tin rằng chúng tôi sẽ có đủ phiếu bầu để thông qua kế hoạch này", Biden nói.
Khi một phóng viên hỏi điều gì khiến ông có sự tự tin đó, Biden trả lời: "Chính là tôi".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/dao-luat-nghin-ty-mo-duong-cho-biden-dua-nuoc-my-tro-lai-4382947.html