Bi kịch của người già Nhật Bản
Yu Inoue, 57 tuổi, khai đã hành hung người mẹ 82 tuổi, cho đến khi bà nằm bất động trên sàn, tại nhà riêng ở phường Kita, Sapporo, miền bắc Nhật Bản. "Tôi đã mất bình tĩnh trước cách nói chuyện của mẹ", Yu khai nhận.
Đây không phải vụ án hi hữu về tình trạng lạm dụng, ngược đãi người cao tuổi ở Nhật Bản. Cuộc khảo sát cuối tháng 12/2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy 17.281 trường hợp người cao tuổi bị chính thành viên trong gia đình hành hung trong năm 2020, với 25 người chết. Đây được coi là mức cao kỷ lục.
Ước tính đến năm 2100, khoảng 40% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi. Ảnh: Bloomberg.
Theo các nhà quan sát, bạo lực với nhóm người dễ bị tổn thương ngày càng trở nên phổ biến do sự thất vọng và lo sợ dịch bệnh. Tình trạng dụng trẻ em, bạo hành gia đình cũng tăng đột biến.
Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127,32 triệu người và bắt đầu giảm dần. Ước tính đến năm 2100, khoảng 40% dân số nước này trên 65 tuổi. Già hoá dân số cũng là tình trạng nhiều nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc phải đối mặt. Tình trạng ngược đãi người cao tuổi ngày càng tăng, không chỉ ở Nhật Bản.
Ngày 22/12/2021, Hiroshi Usui bị bắt do bị tình nghi sát hại người cha 79 tuổi tại nhà riêng ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng đã tử vong sau hai tiếng. Con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát.
Trước đó 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo cũng bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì sát hại mẹ 88 tuổi tại nhà riêng. Nghi phạm khai với cảnh sát "không nhớ gì về cái chết của mẹ mình".
Ngày 11/12, cảnh sát phường Ota, Tokyo từng nhận điện thoại của người đàn ông khoảng 60 tuổi đe dọa "sẽ tự sát sau khi gây án". Không lâu sau, cảnh sát tình thấy người mẹ ngoài 90 tuổi bị thương nặng tại nhà riêng. Còn thi thể của người con trai được tìm thấy ở gần đường sắt.
Nhật Bản ghi nhận số vụ ngược đãi người cao tuổi kỷ lục vào năm 2020. Ảnh: AFP
"Chúng tôi nhận thấy xu hướng rất đáng lo ngại của tình trạng lạm dụng bạo lực với người già, trẻ em. Mọi người đã quá căng thẳng, kiệt sức và bị cô lập trong hai năm dịch bệnh", Vickie Skorji, Giám đốc dịch vụ tư vấn Tell ở Tokyo, nói.
Dịch bệnh khiến con người không thể làm những việc bình thường như gặp gỡ bạn bè, gia đình hoặc đơn giản là nói chuyện với đồng nghiệp tại văn phòng. Bởi vậy, sự khoan dung của nhiều người đã biến mất.
Để đối phó với thực trạng này, dịch vụ tư vấn Tell đang chuyển trọng tâm hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi và quản lý mức độ căng thẳng tăng cao ở những người cảm thấy bế tắc.
Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo nhận định bạo lực gia tăng với người yếu thế và dễ bị tổn thương tại Nhật Bản, là dấu hiệu cho thấy những thay đổi tiêu cực trong những năm gần đây.
"Trước đây người già là cốt lõi của cộng đồng, đặc biệt là vùng nông thôn do những hiểu biết về mùa màng và khu vực sinh sống. Nhưng khi mọi người đều tự tìm kiếm được thông tin trên Google, giá trị của người già với cộng đồng bị giảm sút", Watanabe nói.
Bên cạnh đó, đại dịch càng làm mọi vấn đề trở nên tồi tệ. Nhiều người căng thẳng do mất việc làm, không đủ tiền chi trả các hoá đơn và nhiễm bệnh. Thậm chí nhu cầu giải toả lo âu với bạn bè cũng không được đáp ứng.
Theo giáo sư, sự thất vọng còn nằm ở sự sứt mẻ giá trị văn hóa, truyền thống về lòng hiếu thảo với cha mẹ hay tôn trọng người lớn tuổi đã ăn sâu vào các nền văn hoá Đông Á như Nhật Bản.
"Tôi sợ rằng khi xã hội Nhật Bản đạt được nhiều thành tựu từ công nghệ, con người sẽ dần mất đi sự đồng cảm của chính mình", ông Watanabe nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bi-kich-cua-nguoi-gia-nhat-ban-4417679.html