Bí ẩn vụ trộm tranh rúng động toàn cầu
Trước đó, Bảo tàng treo thưởng 5 triệu USD. Chủ tịch Ban quản trị Steve Kidder cho biết mức thưởng cao hơn chứng tỏ bảo tàng và các ủy viên vẫn quyết tâm tìm kiếm các tác phẩm bị đánh cắp.
Bảo tàng nghệ thuật Isabella Stewart Gardner |
Vào ngày 18/3/1990, hai người đàn ông cải trang thành cảnh sát Boston đã tiến vào Bảo tàng nghệ thuật Isabella Stewart Gardner trong thành phố. Chúng khống chế hai nhân viên bảo vệ, dùng băng keo dán miệng họ lại, dẫn họ vào nhà vệ sinh và trói mỗi người một góc.
Khung tranh rỗng ở nơi bức họa Bão trên biển Galilee của Rembrandt từng treo trong bảo tàng. (Ảnh: NY Times) |
Hai tên bắt đầu lục soát khắp nơi, ném các khung tranh mạ vàng xuống nền đá cẩm thạch rồi dùng dao rạch lấy tranh vải. Chúng thậm chí đặt một khung tranh rỗng lên ghế của trưởng bộ phận an ninh Lyle W. Grindle khi đó. Tiếp theo, chúng xóa trắng đoạn băng trong hệ thống camera giám sát ghi lại quá trình ăn trộm kéo dài 81 phút từ lúc đỗ xe trước bảo tàng để tiến vào cho tới lúc rời đi.
Bức vẽ The Concert của danh họa Vermeer bị đánh cắp năm 1990. (Ảnh: NY Times) |
Hai tên trộm đã lấy đi 13 tác phẩm nghệ thuật, gồm kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng như Rembrandt, Vermeer, Degas và Manet, với tổng giá trị lên tới nửa tỷ đôla. Đắt giá nhất trong số đó là bức vẽ "The Concert " của danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer cùng một bản phác họa và hai bức tranh của Rembrandt. Ngoài ra, chúng cũng "chôm" một con chim đại bàng bằng đồng trên lá cờ Napoleon và một chiếc bình cổ của Trung Quốc.
Một khung tranh rỗng từng chứa bức họa Chez Tortonni của Manet trong Phòng Xanh của Bảo tàng. (Ảnh: NY Times) |
Điều kỳ lạ là bọn trộm không động tới bức tranh vô giá "The Rape of Europa" dù vẫn có thời gian lấy vài chiếc kẹo socola từ máy bán hàng tự động.
Đây được coi là vụ trộm lớn nhất và khó hiểu nhất trên thế giới. 27 năm qua, nhà chức trách vẫn chưa tìm ra các tác phẩm bị đánh cắp và cũng chưa lần ra manh mối thủ phạm.
Bọn trộm tiến vào Bảo tàng Gardner qua lối cửa (trái) vốn cũng dẫn tới khu vực sân trong. (Ảnh: NY Times) |
Một số chuyên gia cho rằng các tác phẩm quý giá có thể đã được một tay sưu tầm ở thị trường chợ đen ngoài nước đặt mua. Các băng đảng ma túy Mỹ Latinh, quân nổi loạn ở Ireland, thậm chí cả các mật vụ Vatican cũng bị đưa vào danh sách tình nghi.
FBI đã truy tìm hàng nghìn đối tượng trên toàn cầu nhưng đến nay vẫn chưa có vụ bắt giữ nào được tiến hành.
Nhiều khung tranh trống hiện vẫn được treo tại bảo tàng Isabella Stewart Gard và Ban quản trị cho biết đó là cách họ duy trì hy vọng tìm lại được những tác phẩm đã mất.
Anthony Amore hiện là giám đốc phụ trách an ninh của Bảo tàng. Công việc của ông bao gồm điều tra về vụ trộm rúng động năm 1990. (Ảnh: NY Times |
Những tình tiết li kỳ và bí ẩn của vụ trộm tranh bảo tàng Isabella Stewart Gard đã tạo cảm hứng cho nhiều cuốn sách, tin đồn và suy đoán về người chịu trách nhiệm. Mặc dù vậy, tất cả các giả thuyết đều đi đến ngõ cụt vì không thể chứng minh.
Article sourced from VIETNAMNET.
Original source can be found here: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/bi-an-vu-trom-tranh-rung-dong-toan-cau-436161.html