Bí ẩn mang tên Tam giác Bermuda đã được giải mã?
Sóng lục lăng
Vùng Tam giác Bermuda rộng hơn 1,8 triệu km2, trải dài từ mũi Florida qua Puerto Rico tới đảo Bermuda.
Tam giác Bermuda
Khu vực này trong suốt hơn 100 năm qua thu hút sự quan tâm của công chúng, bắt đầu từ khi người ta phát hiện một số lượng tàu đắm lớn bất thường ở khu vực này. Theo tờ New York Times, ít nhất 50 tàu chìm, 20 máy bay rơi và hơn 1.000 người đã thiệt mạng tại Tam giác Bermuda.
Tam giác bí ẩn
70 năm sau vụ biến mất của 5 chiếc máy bay trên biển Đại Tây Dương, Giles Milton bắt đầu điều tra một trong những bí ẩn dai dẳng nhất trong ngành hàng không.
Hôm ấy, đài không lưu nhận được thông điệp vừa kì lạ vừa đáng báo động. “Mọi thứ có vẻ kỳ lạ”, viên phi công nói. “Có vẻ như chúng tôi đang bay vào vùng nước màu trắng. Chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng”.
Có vài tiếng lách cách và rồi mọi thứ chìm vào yên lặng. Đó là ngày 5/12/1945. 5 chiếc máy bay của phi đội 19 đang thực hiện chuyến bay huấn luyện quân sự, xuất phát từ Fort Lauderdale, Florida, Mỹ, đã biến mất không để lại chút dấu tích.
Phi đội 19 đã biến mất đầy bí ẩn
Trong hơn 70 năm qua, sự biến mất của phi đội 19 là một trong số những bí ẩn dai dẳng của ngành hàng không. Từ bấy đến nay, người ta không tìm thấy bất cứ mảnh vỡ nào mặc dù các cuộc tìm kiếm mở rộng liên tục được thực hiện. Cũng không xác chết nào được tìm thấy. Cứ như thể những chiếc máy bay cùng phi hành đoàn 14 người đơn giản là đã biến mất trong thinh không.
Thiếu các bằng chứng rõ ràng là cơ hội cho đủ loại phỏng đoán đối với những gì đã xảy ra. Bermuda trở thành một bí ẩn ngoài sức tượng tượng. Số phận của 5 chiếc máy bay và 14 người đã được gắn với vùng biển nay được gọi là Tam giác quỷ Bermuda. Các vụ biến mất tàu thuyền tiếp tục xảy ra tại vùng Tam giác quỷ với mức độ thường xuyên đáng báo động nhưng chưa có bất cứ lời giải thích nào có đủ sức thuyết phục.
Chỉ vài giờ sau khi 5 chiếc chiến đấu cơ Avenger biến mất khỏi màn hình radar, một chiếc phi cơ chuyên bay biển PBM-Mariner được phái đi tìm kiếm cứu nạn. Vào khoảng 7h30 tối, phi công của chiếc PBM-Mariner điện báo về căn cứ thông báo vị trí của anh ta. Và đó là cú điện báo cuối cùng của viên phi công này. Ngay sau đó, chiếc PBM-Mariner biến mất khỏi màn hình radar, y hệt những chiếc Avenger trước đó. Không ai còn nhìn thấy chiếc máy bay cùng 13 thành viên phi hành đoàn của nó nữa.
6 máy bay biến mất trong một ngày là thông tin rất gây sốc, nhưng các thiệt hại do Tam giác quỷ Bermuda gây ra chưa dừng ở đó. Từ năm 1948 đến 1949, thêm ba máy bay mất tích. Năm 1955, tàu buồm Connemara IV được tìm thấy trôi dạt tự do, không có ai trên tàu. Vài năm sau, 2 máy bay tiếp dầu của không quân Mỹ cũng biến mất tại đây.
Báo chí đã tung ra đủ thứ giả thuyết về những gì có thể đã xảy ra, ví dụ vấn đề liên quan đến la bàn, bão nhiệt đới và hoạt động khó lường của các dòng biển…
Nhưng một giả thuyết, gây sự chú ý đặc biệt, tập trung vào khía cạnh địa lý: mọi vụ mất tích đều xảy ra trong vùng hình tam giác mà sau này được gọi là Tam giác quỷ Bermuda.
Một cơn bão trên vùng Tam giác quỷ
Tháng 2/1963, một nhà báo tự do tên là Vincent Gaddis viết một bài báo giật gân cho tạp chí Argosy, nói rằng các lực siêu nhiên đang tồn tại trong vùng biển Tam giác quỷ. Tác giả đưa ra thuyết Tam giác Bermuda và nói sự biến mất của phi đội 19 là một trong cả chuỗi sự kiện kỳ lạ đã xảy ra nhiều thế kỷ.
Nhưng bài báo của Gaddis chứa đựng nhiều phỏng đoán, ít bằng chứng và số liệu. Nhưng thời điểm Gaddis tung ra bài báo mang tựa đề “Tam giác chết chóc Bermuda” thì rất đúng lúc: ngay sau khi hai chiếc phi cơ tiếp liệu Stratotanker của không quân Mỹ mất tích không dấu vết.
Bí ẩn đã được giải mã?
Mới đây, các nhà nghiên cứu của đại học Southampton nói tàu bè đã bị hút vào lòng biển bởi “sóng sát thủ” cao 30m. Họ diễn giải giả thuyết của họ trên kênh truyền hình Channel 5. “Có những cơn bão ở phía nam và phía bắc, đến cùng lúc.. chúng tôi đã đo được những con sóng cao tới 30m. Tàu càng to, thiệt hại càng lớn”, tiến sỹ Simon Boxall, nhà hải dương học dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nói với báo Sun.
Trong khi vẫn tồn tại nhiều giả thuyết, các nhà khoa học bắt đầu chú ý đến giả thuyết sóng sát thủ khi năm 1995, vệ tinh chụp được một con sóng sát thủ cao 18,5m.
Sóng sát thủ xuất hiện khi các con sóng lớn bất thường va đập vào nhau giữa đại dương. Các con sóng thông thường cao khoảng 12m có sức công phá 8,5 psi (trọng lượng/diện tích). Các con tàu hiện đại được thiết kế để chịu đựng 21 psi, nhưng sóng sát thủ có sức công phá 140psi, đủ sức quật đổ con tàu vững chãi nhất.
Vậy còn những chiếc máy bay? Các nhà khoa học của đại học Arizona (Mỹ) cho rằng những đám mây lục lăng trải rộng trên diện tích 1,3 triệu km2 của Tam giác Bermuda có thể tạo ra các “quả bom không khí” và những vụ nổ do nó gây ra có thể gây đổ cây, lật tàu và làm rớt máy bay.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh về tinh của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và thấy những đám mây hình lục lăng ngoài khơi Florida, trong khi mây thường không có hình thù như vậy.
Với những hình lục lăng có cạnh 32-88km, vị trí của chúng ở phần phía tây Tam giác Bermuda có thể giải thích cho sự biến mất của nhiều máy bay và cả tàu thuyền. Những đám mây này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các đợt sóng sát thủ.
Sóng độc hay còn gọi là sóng sát thủ (tiếng Anh: rogue wave, freak wave hoặc monster wave) là một loại sóng xuất hiện bất ngờ và đơn độc trên biển với kích thước khổng lồ, chiều cao có thể hơn 20-30m. Với chiều cao này, sóng độc trở thành mối hiểm họa không thể lường trước ngay cả với những tàu biển có trọng tải lớn. Cần phân biệt sóng độc với sóng thần - loại sóng sinh ra từ địa chấn và chỉ xuất hiện ở những vùng nước nông - gần bờ.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2291215