Bê bối cưỡng hiếp ở Quốc hội: Thủ tướng Scott Morrison lộ yếu điểm
Tuy nhiên, hơn hai tuần qua, thủ tướng Australia không thể thay đổi một câu chuyện theo ý muốn của mình. Vấn đề đó cũng làm lộ ra điểm yếu của chính phủ Australia: phụ nữ.
Ông Morrison đang phải cố gắng áp chế cơn giận ngày càng mạnh mẽ của công chúng về cách chính phủ xử lý cáo buộc hiếp dâm ở quốc hội, văn hóa làm việc và cách đối xử với phụ nữ trong nghị viện.
Ông không thể phân tán sự chú ý khỏi các vấn đề được Brittany Higgins, cựu cố vấn truyền thông từng làm việc trong quốc hội, đưa ra. Cô Higgins cáo buộc mình bị một đồng nghiệp trong văn phòng bộ trưởng cưỡng hiếp vào tháng 3/2019.
Ban đầu, vấn đề được xử lý nội bộ. Cô Higgins được đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên, những người có thẩm quyền cũng lưu ý với cô vào thời điểm đó rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra chỉ trong vài tuần nữa.
Tòa nhà quốc hội Australia là tâm điểm của các cáo buộc hiếp dâm trong vài tuần qua. Ảnh: ABC News. |
Higgins, khi đó 24 tuổi, đã phải kể lại câu chuyện của mình với bộ trưởng trong chính căn phòng xảy ra vụ hiếp dâm. Người phụ nữ này nói cô cảm thấy mình bị buộc phải lựa chọn giữa “công việc mơ ước” và báo cáo vụ việc với cảnh sát.
Higgins chọn tiếp tục làm việc cho chính phủ Australia. Song, trong suốt thời gian đó, cô bị những chuyện đã xảy ra dằn vặt.
Hai năm sau, cô Higgins nhìn thấy Thủ tướng Morrison chụp ảnh với Grace Tame, một nhà vận động cho các nạn nhân bị tấn công tình dục.
Higgins không thể chịu được nữa, cô quyết định lên tiếng vì cảm thấy mình đã bị chính phủ "bịt miệng".
Higgins nghỉ việc, trao đổi với Cảnh sát Liên bang Australia về khả năng lật lại vụ án của mình và công khai câu chuyện. Người phụ nữ này đã gây ra một cơn chấn động cho chính phủ của ông Morrison.
Cho đến nay, chính phủ Australia vẫn chưa tìm ra cách phản ứng thích đáng với vụ việc của cô Higgins.
Gần hai tuần sau khi cô Higgins lên tiếng, chính phủ Australia, và cụ thể là Thủ tướng Morrison, vẫn đang thất bại trong việc giải quyết vấn đề.
Thủ tướng biết điều gì?
Ông Morrison khẳng định văn phòng của ông không biết về các cáo buộc của cô Higgins cho đến hôm 12/2, 3 ngày trước khi câu chuyện được công khai. Bản thân thủ tướng cũng chỉ biết chuyện khi News Corp lần đầu tiên đưa tin về vụ việc vào ngày 15/2.
Vì sao ông Morrison không biết, và vì sao không ai nói với thủ tướng việc này, là vấn đề gây thiệt hại nặng nhất cho Thủ tướng Morrison nếu không được giải quyết hợp lý.
Ông Morrison, một người am hiểu truyền thông, khiến công chúng khó hiểu khi nói mình không biết gì về các cáo buộc của cô Higgins. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhân viên bên dưới Thủ tướng Morrison được xác định là biết về cáo buộc của cô Higgins, dựa vào vai trò của họ trong chính phủ Australia.
Chánh văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold là một trong những người đầu tiên cô Higgins kể lại vụ việc. Cô Higgins đã bị thẩm vấn sau khi nhân viên an ninh phát hiện cô bán khỏa thân trên ghế trong văn phòng của bộ trưởng.
Bên cạnh đó, một người đồng nghiệp cũ của cô Higgins cũng biết chuyện. Người này nói đã nêu vấn đề với một nhân viên trong văn phòng thủ tướng. Nhân viên đó cảm thấy "xấu hổ" và muốn giúp đỡ cô Higgins.
Cứ mỗi ngày trôi qua, công chúng Australia lại biết thêm một người đã nghe về vụ việc của Higgins. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison vẫn khẳng định ông chỉ biết chuyện khi truyền thông đưa tin.
Điều này nghĩa là vị thủ tướng am hiểu về truyền thông không có cơ sở vững chắc để đối phó với hậu quả của vụ việc.
Chính phủ Australia không thể làm chệch hướng các câu hỏi bằng cách khẳng định vấn đề đang được điều tra vì cảnh sát xác nhận họ đang không làm như vậy.
Nhà chức trách cũng không thể tránh né các câu hỏi để bảo vệ quyền riêng tư của cô Higgins. Chính người phụ nữ này công khai lên tiếng và nói rằng các bộ trưởng không phải lo ngại khi nói về vụ việc của mình.
Hình ảnh "người cha bình dị"
Ông Morrison thất bại trong việc thể hiện hình ảnh là “một người chồng, một người cha bình dị” khi nói vợ ông, bà Jenny, đã giúp ông "làm rõ" vấn đề. Thủ tướng cũng cho biết bà Jenny đã thúc giục ông nghĩ về vụ việc dưới góc nhìn của con gái mình.
Phát biểu của ông Morrison nhanh chóng vấp phải chỉ trích. Nhiều người cho rằng một người đàn ông không cần phải làm cha, hoặc có con gái, để đồng cảm với chuyện cô Higgins trải qua.
Trong khi đó, cô Higgins cáo buộc Thủ tướng Morrison có những lời nói “đổ lỗi cho nạn nhân” và cố gắng giành quyền kiểm soát truyền thông.
Để giải quyết vụ việc, ông Morrison cho thực hiện 4 cuộc điều tra về văn hóa làm việc trong nghị viện và tạo ra quy trình khiếu nại của nhân viên. Tuy nhiên, những động thái này, cùng với câu trả lời về thời điểm văn phòng ông Morrison biết chuyện của cô Higgins, đều khiến thủ tướng bị chỉ trích.
Hình ảnh "người ca bình dị" của ông Morrison đang bị lung lay sau những phát ngôn của ông về vụ việc của cô Higgins. Ảnh: Getty. |
Dù đang cố gắng khắc phục sự cố, chính phủ Australia không cam kết sẽ công bố tất cả báo cáo liên quan đến vụ việc. Họ cũng viện dẫn quy định của nội các. Điều này nghĩa là chính phủ sẽ có toàn quyền quyết định về những thông tin được công khai và công chúng không thể yêu cầu xem các tài liệu đó.
Ông Morrison cố gắng làm dịu tình hình trong bài phát biểu hôm 25/2 tại một sự kiện về Ngày Quốc tế Phụ nữ. Thủ tướng Australia đã 42 lần nhắc đến “sự tôn trọng” trong bài phát biểu ngắn của mình.
Nhà lãnh đạo này cũng hứa “tôn trọng, bảo vệ và suy nghĩ về” phụ nữ. Tuy nhiên, ông không đưa ra giải pháp hay công nhận các vấn đề trong bộ máy mà phụ nữ nêu ra trong hai tuần qua.
Cô Higgins đã yêu cầu cảnh sát lật lại vụ án của mình. Song, như người phụ nữ này đã nói vào tuần trước, cô muốn chính phủ cải cách mạnh mẽ hơn.
“Ngay từ đầu, tôi làm vậy vì muốn đảm bảo rằng không người nào phải trải qua những tổn thương mà tôi chịu đựng trong thời gian ở quốc hội”, cô Higgins nói.
“Tôi đã nhiều lần phải thất vọng, nhưng giờ tôi đã có tiếng nói của mình và tôi quyết tâm sử dụng nó để đảm bảo rằng chuyện này không bao giờ xảy ra với một nhân viên khác nữa”, cô Higgins cho biết.
Ngày càng nhiều phụ nữ lên tiếng, nhưng ông Morrison vẫn chưa thể đưa ra lời lẽ phù hợp để xoa dịu họ. Điều này khiến những lời kêu gọi cải cách trở nên mạnh mẽ hơn.
Và ngày 26/2, một bộ trưởng nội các bị cáo buộc cưỡng hiếp thiếu nữ 16 tuổi vào năm 1988. Việc này làm áp lực buộc ông Morrison phải hành động gia tăng hơn nữa.
Tuy nhiên, đến ngày 1/3, thủ tướng đã bác bỏ những lời kêu gọi đình chỉ bộ trưởng này, khiến sự tức giận của công chúng ngày càng lớn thêm. Thủ tướng nói rằng bộ trưởng trên "kịch liệt bác bỏ" cáo buộc, trong khi sự việc hiện do cảnh sát xử lý. Tên của bộ trưởng này không được công khai, và 16 trong số 22 thành viên nội các của ông Morrison là đàn ông.
Article sourced from Zing.