Bầu cử Pháp: Cơ hội nào cho phe của ông Macron?
Kết quả bầu cử quốc hội Pháp cho thấy liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) dẫn đầu với 183 ghế. Liên minh trung dung cầm quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về thứ hai với 163 ghế và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành được 143 ghế.
Không phe nào vượt mốc 289 trong 577 ghế, đồng nghĩa không phe nào có thể thành lập chính phủ đa số và sẽ cần ủng hộ từ những bên khác để thông qua luật. Nói cách khác, một "quốc hội treo" gồm ba khối đối lập với những cương lĩnh khác biệt và không có truyền thống làm việc cùng nhau sẽ hình thành.
Tổng thống Emmanuel Macron tại Paris hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Phe cánh tả có thành lập được chính phủ?
NFP có thể thành lập chính phủ thiên tả bằng cách kết liên minh với đảng khác. Tuy nhiên, NFP gặp trở ngại do Pháp không quen với kiểu xây dựng liên minh cầm quyền thường thấy ở các nước khác như Đức hay Hà Lan.
Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI), bên dẫn đầu trong NFP, loại trừ khả năng xây dựng một liên minh gồm các đảng mang lập trường khác nhau. Ông nói Tổng thống Macron có nhiệm vụ phải chọn thủ tướng từ phe cánh tả và để phe này lập chính phủ.
Trong khi đó, chính trị gia cánh tả ôn hòa Raphael Glucksmann, nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu, ủng hộ thiết lập liên minh. Ông nhấn mạnh để ổn định xã hội, giới chính trị Pháp sẽ phải "hành động như những người trưởng thành".
Ở phe trung dung, người đứng đầu đảng của Tổng thống Macron, Stephane Sejourne, cho hay ông sẵn sàng làm việc với các đảng chủ lưu (đảng mang quan điểm phổ biến, không thiên về hướng cực đoan) nhưng loại trừ bất kỳ thỏa thuận nào với đảng cực tả LFI.
Trong khi đó, LFI từ lâu đã tuyên bố rằng họ chỉ tham gia chính phủ để "thực thi các chính sách của chúng tôi chứ không phải của ai khác".
Cơ hội nào cho phe của ông Macron?
Một cơ hội cho phe của ông Macron là cố gắng thành lập chính phủ trung - tả bằng cách lôi kéo các đảng cánh tả trong NFP có quan điểm ôn hòa hơn như đảng Xã hội và các đảng Xanh (tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường và công bằng xã hội), nhằm cô lập đảng cực tả LFI.
Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy NFP sẽ tan rã. Giới chuyên gia cũng đánh giá liên minh kiểu này sẽ khó xây dựng do quan điểm khác nhau về những vấn đề như thuế, lương hưu hay đầu tư xanh. Nó cũng có thể dễ bị tổn thương trước các động thái cản trở từ LFI hay RN.
"Trên lý thuyết, đó là một ý tưởng hay nhưng có một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết và thực tế", Bertrand Mathieu, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Sorbonne ở Paris, nhận xét.
Bế tắc nếu không phe nào kết được liên minh
Nếu các phe không đạt được thỏa thuận, đây sẽ là điều chưa từng có đối với Pháp. Hiến pháp quy định tổng thống không thể triệu tập một cuộc bầu cử quốc hội mới trong vòng 12 tháng nữa.
Thủ tướng Gabriel Attal đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống vào ngày 8/7, nhưng ông thêm rằng sẵn sàng tiếp tục vai trò "nếu được yêu cầu", đặc biệt trong bối cảnh Pháp ba tuần nữa sẽ khai mạc Thế vận hội.
Tổng thống Macron sau đó yêu cầu Thủ tướng Attal tiếp tục giữ ghế "trong thời điểm hiện tại", động thái nhằm trấn an cộng đồng quốc tế và thị trường rằng chính phủ Pháp hiện tại vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi bế tắc chính trị được giải quyết.
Hiến pháp quy định Tổng thống Macron là người chỉ định thủ tướng. Nhưng bất cứ ai mà ông chọn đều phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội. Điều này đồng nghĩa ông cần chỉ định người được đa số các nghị sĩ chấp thuận, điều khó hơn bao giờ hết ở thời điểm hiện tại.
Chính phủ kỹ trị?
Thay vì cố gắng thành lập một chính phủ liên minh, Tổng thống cũng có thể xem xét thiết lập một chính phủ kỹ trị, kiểu quen thuộc với các nước như Italy.
Chính phủ kỹ trị là thuật ngữ dùng để chỉ nội các gồm các chuyên gia như nhà kinh tế, công chức cấp cao, học giả, nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc công đoàn. Họ không liên kết với bất kỳ đảng phái hoặc liên minh chính trị nào.
Hà Lan gần đây đã thiết lập "chính phủ kỹ trị một phần" sau nhiều tháng bế tắc. Các bộ trưởng trong nội các thuộc 4 đảng của liên minh cầm quyền, trong khi Thủ tướng Dick Schoof, cựu quan chức tình báo 67 tuổi, là người phi đảng phái.
Pháp chưa từng có chính phủ như vậy. Theo Jean-Philippe Derosier, chuyên gia về hiến pháp tại Đại học Lille, Pháp không có bất kỳ định nghĩa thể chế nào về kiểu chính phủ nêu trên, vì vậy, đây sẽ là một "chính phủ có khả năng tự do hành động theo ý muốn, miễn là họ được quốc hội ủng hộ".
Dù với bất kỳ kịch bản nào, Pháp đối mặt một thời kỳ bế tắc chính trị kéo dài với nguy cơ các vấn đề lập pháp bị trì trệ.
"Pháp đã chặn được đà trỗi dậy của phe cực hữu. Nhưng kết quả này cũng mang đến sự bế tắc và tê liệt", Mujtaba Rahman, chuyên gia từ công ty tư vấn Eurasia Group, bình luận.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tuong-lai-chinh-truong-phap-sau-chien-thang-cua-phe-canh-ta-4767236.html