Bảo mẫu sát nhân ở thành phố Perth
Bảo mẫu Alice Mitchell
Hầu hết những em nhỏ được gửi là con của các ông bố, bà mẹ đơn thân. Đã có ít nhất 37 bé tử vong sau khi phải chịu đựng cách “chăm sóc” khắc nghiệt của bảo mẫu giả danh.
Alice Mitchell đến từ thành phố Perth. Người này không có kiến thức hay kinh nghiệm trong công việc điều dưỡng, y tá. Tuy nhiên, đạo luật Y tế bang Tây Úc năm 1898 không yêu cầu điều đó đối với việc mở trung tâm trông trẻ. Nhờ lá thư giới thiệu từ tiến sĩ Coventry, một bác sĩ y tế địa phương có uy tín, bà Mitchell dễ dàng được Ủy ban Y tế thành phố Perth công nhận.
Năm 1901, bà thành lập một trung tâm chăm sóc trẻ tại phố Edward, Perth. Hầu hết những em nhỏ được gửi là con của các ông bố, bà mẹ đơn thân. Họ không có thời gian cho con và càng ít có tiếng nói trong cộng đồng. Những người cha, người mẹ này yên tâm giao con cho Alice Mitchell mà không ngờ rằng hành động của họ chẳng khác nào "giao trứng cho ác". Các em bé được đưa vào trung tâm cứ lần lượt chết đi một cách không rõ ràng.
Ngày 5/2/1907, cảnh sát O’Halloran đến trung tâm chăm sóc trẻ ở phố Edward theo yêu cầu của chính bà Alice Mitchell vì một phụ nữ tên Maud Brown gửi con ở đây đã không thanh toán tiền trong nhiều tháng. Sau khi ghi nhận sự việc, ông O’Halloran yêu cầu được gặp mặt em bé.
Đứa trẻ mà bà ta ôm ra cho cảnh sát O’Halloran được quấn trong một chiếc chăn mỏng, trên người bé chỉ được quấn một miếng tã vải bẩn thỉu. Khi trông thấy bé Brown với khuôn mặt xanh xao, mắt sưng húp, cơ thể gầy quắt, ông O’Halloran quyết định tìm hiểu vì sao em bé này lại bị như vậy.
Bà Mitchell chối rằng bé Brown chỉ đang "mắc chứng biếng ăn" và "mọc răng". Bà ta nói thêm rằng mình từng đưa bé tới bác sĩ 3 lần nhưng đều bị từ chối khám vì không đủ tiền. Rồi bà ta thúc giục cảnh sát tìm đến mẹ của em bé đòi tiền gửi trẻ. Tuy nhiên, ông O’Halloran không tin và quay trở lại cùng bác sĩ Thomas Davy, một nhân viên y tế của chính phủ.
Trong lúc chờ, hai người đàn ông tìm ra một em bé khác trong một căn phòng bẩn thỉu và có mùi khó chịu. Cũng như Brown, em bé này có vẻ hốc hác và yếu ớt. Bé bị bỏ mặc nằm trong nôi với ruồi nhặng bu kín mắt.
Bác sĩ Davy nhanh chóng kiểm tra và đau lòng nhận định bé không thể sống qua 10 ngày. Em bé này tên là Ethel Booth. Vẫn như lần trước, Alice Mitchell giải thích cho tình trạng của Ethel Booth là do "đang mọc răng".
Nghĩa trang ở phía Đông thành phố Perth, nơi chôn cất một số trẻ em từng được Alice Mitchell chăm sóc
Sau khi xem xét tình trạng của cả Brown và Booth, bác sĩ Davy yêu cầu hai bé cần được đưa đến bệnh viện. Sau buổi kiểm tra, bé Brown được đưa đến bệnh viện nhưng bé Ethel Booth vẫn ở với bà Mitchell. Cảnh sát O’Halloran đã bí mật thông báo cho mẹ của bé là Elizabeth Booth theo địa chỉ ông tìm được ở trung tâm của Mitchell.
Tiếp theo, cảnh sát O’Halloran yêu cầu Alice Mitchell cho ông xem sổ đăng ký của trung tâm. Sau khi xem kỹ, ông nhận ra rằng hồ sơ bắt đầu vào tháng 12/1902 nhưng không có gì được ghi lại kể từ năm 1904. Bà Mitchell trả lời rằng sổ không có ghi chép nào đáng kể do bà ta chỉ chăm sóc hai em bé kể từ đó là Booth và Brown.
Bản sao sổ đăng ký của Mitchell cũng bị thu giữ. Sau khi cộng các số liệu, ông kinh hoàng nhận ra rằng tất cả 13 đứa trẻ đầu tiên được bà Mitchell liệt kê trong sổ đăng ký của mình đều đã chết. Ngoài ra, 19 trong số 23 em bé khác được gửi vào trung tâm của bà ta cũng đã thiệt mạng một cách không rõ ràng.
Trước con số đáng sợ đó, ông O’Halloran nhanh chóng mang ghi chú của mình đến văn phòng của cơ quan Đăng ký Khai sinh, Tử vong và Hôn nhân để tìm kiếm các trường hợp trẻ thiệt mạng được đăng ký trong 6 năm trước đó. Tại đây, ông phát hiện thêm một số trường hợp khác được đăng ký tại các địa chỉ có liên quan đến Alice Mitchell. Quyết tâm vạch trần tội ác, cảnh sát O’Halloran đã kiên trì tìm kiếm bằng chứng.
Phiên tòa chấn động
Ngày 11/2/1907, mẹ của bé Ethel Booth tìm đến trung tâm của Mitchell và đưa con đến bệnh viện nhưng đã quá muộn, em bé qua đời chỉ một ngày sau đó. Giám đốc bệnh viện là tiến sĩ Herbert Tymms đã tiến hành khám nghiệm tử thi cho bé trước sự chứng kiến của bác sĩ Davy. Tất cả bằng chứng thu thập được từ kết quả khám nghiệm và điều tra của cảnh sát O’Halloran được trình lên cơ quan chức năng. Đến ngày 15/2/1907, Alice Mitchell bị bắt giữ vì tội giết hại Ethel Booth.
Qua các tài liệu thu thập được, cảnh sát ghi nhận 43 em bé được gửi tới trung tâm của Alice Mitchell trong vòng 6 năm hoạt động, trong đó có 37 bé đã chết. Những cái chết này đã không được điều tra kịp thời, vì vậy, không thể xác định nguyên nhân chết của các bé, cũng như không có đủ bằng chứng để buộc tội Alice Mitchell. Tại phiên tòa xét xử vụ việc của bé Ethel Booth, Alice Mitchell chỉ bị kết tội ngộ sát và bị kết án 5 năm tù.
Bản án này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sự kiện này đã thúc đẩy chính quyền bang Tây Úc và chính phủ Australia đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về việc chăm sóc trẻ em. Sau phiên tòa xét xử, chính phủ Australia đã thiết lập luật mới về bảo vệ trẻ em; quyền lợi của những bố, mẹ đơn thân cũng được quan tâm hơn.
Cấy ghép imlant, răng sứ thẩm mỹ, trám răng.
Article sourced from phunuvietnam.vn.