Bạn sẽ trả lời như thế nào khi được hỏi: "Bao giờ lấy chồng?"
Dịp Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian đặc biệt trong năm. Nhưng ngoài việc sum vầy, được tụ họp người thân gia đình bạn bè thì một vài đối tượng cũng khá đau đầu khi phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa. Để giữ cho không khí Tết luôn ấm cúng và tránh những tình huống khó xử, dưới đây là một số mẹo đối đáp linh hoạt và thông minh mà bạn có thể tham khảo.
Khi chúng ta về thăm họ hàng và bạn bè, rất có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với những câu hỏi như: "Bao giờ lấy chồng (lấy vợ)?", "Bao giờ có em bé?" hay "Lương tháng bao nhiêu?". Câu hỏi nghe qua có vẻ đơn giản nhưng lại chứa đựng rất nhiều tầng ý nghĩa và có lúc khiến chúng ta cảm thấy khó xử.
Trước hết, điều quan trọng là bạn cần giữ tâm trạng thoải mái và tôn trọng người hỏi. Dù câu hỏi có thể thiếu tế nhị nhưng hãy nhớ rằng trong nhiều trường hợp, người đặt câu hỏi không có ý xâm phạm đến quyền riêng tư hay gây áp lực cho bạn, mà đơn thuần chỉ là sự quan tâm thể hiện qua lời hỏi thăm.
Ảnh minh họa
Đối với những câu hỏi về mối quan hệ cá nhân như "Bao giờ lấy chồng/lấy vợ?" , một số cách đối đáp thông minh có thể là:
Trả lời hài hước hoặc hơi “gắt” 1 chút: "Cháu/Em ế rồi, làm gì có ai mà lấy”, “Em không có ý định lấy chồng/lấy vợ ạ, lấy xong như anh/chị thì khổ lắm”, “Câu trả lời của cháu vẫn như năm ngoái”, “Bao giờ lấy cháu sẽ báo, bác yên tâm”…
Đáp trả một cách nhẹ nhàng: "Cảm ơn bác/cô/chú/anh/chị đã quan tâm. Cháu sẽ lấy khi thấy sẵn sàng và phù hợp với cháu”, “Cháu ế lắm, bác có ai giàu, đẹp, tốt tính giới thiệu cho cháu với”, “Cháu sắp rồi, tháng sau mà năm nào thì chưa xác định được”.
Trả lời gián tiếp: " Hiện tại cháu đang tập trung làm giàu nên khi nào giàu đã rồi cháu tính tiếp”, “Cháu bận nhiều việc lắm, giờ lấy chồng đẻ con xong cũng không chăm được khổ chồng con ra”…
Phản hồi mạnh mẽ: "Năm mới anh/chị đừng hỏi câu cũ được không, nghe em trả lời xong lại mất vui”.
Cách đơn giản: Lảng ngay sang chuyện khác.
Nếu được hỏi về kế hoạch đời sống gia đình như "Bao giờ có em bé?”, “Đứa đầu lớn rồi đẻ tiếp đi chứ còn gì nữa” … bạn có thể đáp lại một cách thông minh bằng cách sử dụng các phương pháp sau:
Giữ thái độ tích cực và hài hước : "Cháu/em có tự đẻ được đâu”, “Đang nghèo lắm, cháu đẻ gửi bác nuôi nhé”, “Chồng cháu chưa cho đẻ”, “Cháu đang chửa rồi, nó đạp ầm ầm đây này”…
Trả lời nhẹ nhàng : "Lúc nào bọn cháu tính toán ổn định thì mới đẻ không con nó khổ lắm, thời buổi bây giờ không trời sinh voi trời sinh cỏ được”.
Phản hồi mạnh mẽ nhưng lịch sự : "Chuyện con cái là chuyện cá nhân riêng tư không nên bàn tán trong dịp năm mới đông người thế này”…
Tránh né một cách tinh tế : " Nói chuyện khác đi cho vui nhỉ”, “Thế bao giờ chị đẻ đứa thứ 3, thứ 4… đẻ nữa đi cho vui cửa vui nhà”…
Ảnh minh họa
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng chiến thuật "trả lời bằng câu hỏi". Ví dụ như với câu “Lấy chồng đi 27, 28 tuổi rồi” thì đáp “ Ngày xưa chị lấy chồng sớm nhỉ, năm ấy em còn đang cày phim xuyên đêm”. Với câu “Cưới xong mà không đẻ đi cho ông bà bế cháu” thì đáp “Bác trông cháu cả ngày thế có mệt không ạ, cháu thương bố mẹ cháu lắm?”. Với câu “Có con gái rồi thì đẻ lấy thằng cu nữa cho đủ nếp đủ tẻ” thì đáp “Đủ nếp tẻ để làm gì ạ, con chứ có phải cơm để ăn được đâu”.
Trong mọi tình huống, hãy nhớ rằng bạn không bắt buộc phải trả lời mọi câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến đời tư cá nhân. Đôi khi, một nụ cười kèm theo câu "Cảm ơn nhưng cho phép em/cháu không trả lời ạ” cũng đủ để làm dịu đi sự tò mò của người khác mà không làm mất lòng ai.
Cuối cùng, dù bạn chọn cách đáp trả nào, điều quan trọng là phải giữ cho tinh thần Tết - tinh thần của sự đoàn viên, vui vẻ và hòa thuận được lan tỏa. Chúc bạn có một cái Tết thật ấm áp và tràn đầy yêu thương cùng gia đình và bạn bè!
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/top-cau-tra-loi-thong-minh-bao-ngau-khi-bi-hoi-chuyen-lay-chong-sinh-con-trong-dip-tet-nguyen-dan-20240117183554918.chn