Bắc Cực trở thành đấu trường cạnh tranh quyền lực toàn cầu
Tàu phá băng nguyên tử của Nga
Đấu trường cạnh tranh quyền lực toàn cầu
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, nhiệt độ ở Bắc Cực sẽ tăng từ 3 đến 5 độ C. Như vậy, các nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ được khai thác dễ dàng hơn, Hiện Bắc Cực có tầm quan trọng lớn về thương mại.
Tuyến đường biển phía Bắc của Nga qua Bắc Cực cho phép vận chuyển các loại hàng hóa từ Đông Á, Đông Nam Á đến châu Âu và quay trở lại nhanh chóng, hiệu quả.
Trong khi đó, theo các chuyên gia địa chất Mỹ, Bắc Cực chứa khoảng 1,67 nghìn tỷ mét khối khí đốt và 90 tỷ thùng dầu. Điều này có nghĩa là Bắc Cực chiếm 13% trữ lượng dầu và 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được khai thác của thế giới. Ngoài ra, vùng đất băng giá này còn có cả urani, kim loại đất hiếm, vàng và kim cương.
Với tiềm năng đó, Bắc Cực thu hút nhiều quốc gia tới đây. Tuy nhiên, Nga, Mỹ và Trung Quốc vẫn là các đối thủ chính. Ngày 7-5-2019, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bắc Cực ở Phần Lan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhắc lại rằng, Nga chiếm gần một phần ba diện tích Bắc Cực và mục tiêu chiến lược của nước này ở Bắc Cực vẫn là đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực theo 3 khía cạnh: kinh tế, môi trường và xã hội…
Còn theo Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo, Bắc Cực đang trở thành đấu trường cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng, cách hành xử quyết liệt của Trung Quốc ở các khu vực khác cho thấy nước này sẽ hành động như thế nào ở Bắc Cực. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố chống lại sự can thiệp vào các vấn đề Bắc Cực của những quốc gia không tiếp giáp khu vực này. Lời công kích rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.
Năm 2014, Nga thành lập Bộ Tư lệnh chiến lược Bắc Cực. Kể từ đó, theo Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan, Nga đã xây dựng các căn cứ và sân bay mới ở Bắc Cực, được trang bị nhiều loại thiết bị mới. Trong khi Nga có hơn 40 tàu phá băng, Mỹ chỉ có 2 chiếc được chế tạo vào những năm 1970.
Cuộc chạy đua sẽ căng thẳng hơn
Nga đang sở hữu hạm đội tàu phá băng nguyên t..ử. Dự kiến vào nửa cuối của những năm 2020, nước này sẽ đưa vào vận hành 3 chiếc tàu phá băng nguyên t..ử lớp Lider có lượng giãn nước 72.000 tấn, phá được lớp băng dày 4m và tạo thành lối đi phía sau rộng 60m. Ngoài ra, tàu phá băng thuộc Dự án 23550 của Nga còn mang theo hệ thống phóng tên lửa Calibr, pháo 100mm, máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27 và 2 tàu cao tốc Raptor. Chiếc tàu đầu tiên sẽ được sử dụng vào năm 2023.
Mỹ cũng thực hiện bước đi quan trọng. Tháng 4-2019, nước này quyết định đóng 3 tàu phá băng hạng nặng cho Lực lượng bảo vệ bờ biển. Những chiếc tàu này có lượng giãn nước 17,7 nghìn tấn, có thể phá được lớp băng dày 3m. Con tàu đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2024.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố mình là quốc gia cận Bắc Cực và muốn cùng các bên xây dựng Dự án “Con đường tơ lụa vùng cực”. Nước này còn dự định thiết lập tuyến giao thông đường biển xuyên vùng cực, qua trung tâm Bắc Cực, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nga.
Trung Quốc đang tăng cường đầu tư xây dựng các cảng, khai thác tài nguyên ở những nước tiếp giáp Bắc Cực và tham gia nghiên cứu Bắc Cực tại Svalbard, Na Uy. Tàu phá băng hạng nặng Xuelong 2 của nước này sẽ được xuất xưởng trong năm 2019. Và, cuộc chạy đua giành tài nguyên ở Bắc Cực của các “ông lớn” sẽ căng thẳng hơn trong những năm tới đây…
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2535239