Ba Lan tiến hành tập trận phòng không, Nga giật mình lo ngại
Hình ảnh trong cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan
Cuộc tập trận nói trên diễn ra ở thị trấn ven biển Ustka, phía bắc Ba Lan. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các lực lượng quân sự đã tiến hành bắn một loạt tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không Newa SC – một phiên bản nâng cấp của hệ thống S-125 Neva/Pechora được chế tạo từ thời Xô-viết. Hệ thống vũ khí này được NATO gọi là SA-3 Goa.
Các binh sĩ Ba Lan còn diễn tập bài tập bắn hạ những chiếc máy bay do thám không người lái từ khẩu đại bác phòng không cỡ nòng 23-mm. Cuộc tập trận phòng không ở phía bắc Ba Lan là một phần của cuộc tập trận lớn hơn mang tên Dragon 17 được khai hỏa từ hôm 20/9.
Mặc dù, các cuộc diễn tập ban đầu được thiết kế như là cuộc tập trận riêng của Ba Lan nhưng giới chức quốc gia Đông Âu sau đó đã mời hơn một chục nước thành viên NATO và các nước đang muốn gia nhập NATO tham gia, biến nó thành cuộc tập trận đa quốc gia. Các nước thành viên NATO Mỹ, Anh, Đức, Lithuania, Latvia, Slovakia, Italia, Bulgaria, Rumania cùng với hai nước đang muốn gia nhập NATO - Gruzia và Ukraine , đã tham gia vào cuộc tập trận rầm rộ lần này với mục đích được tuyên bố là nhằm để thử thách và nâng cao khả năng phối hợp giữa quân đội Ba Lan và các lực lượng NATO khi họ phải đối mặt với thách thức chung mang tên “mối đe dọa từ Nga”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Michal Dworczyk cho hay.
Cuộc tập trận Dragon 17 đã vượt xa cuộc tập trận chung Nga-Belarus Zapad 2017 về quy mô. Cuộc tập trận Zapad vừa kết thúc và từng khiến NATO lo lắng đến “mất ăn mất ngủ”. Cuộc tập trận Dragon 17 của NATO ở Ba Lan có sự tham gia của khoảng 17.000 binh sĩ và 3.500 đơn vị thiết bị quân sự, Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.
Trong khi đó, cuộc tập trận Zapad 2017 từng gây ra cơn cuồng chống Nga ở phương Tây có sự tham gia của 12.700 binh sĩ và chỉ 70 máy bay quân sự, 10 tàu chiến và 680 phương tiện bộ binh.
Mặc dù cuộc tập trận Zapad 2017 nhỏ hơn rất nhiều về quy mô và giới lãnh đạo Nga cũng như Belarus đã tìm mọi cách để minh bạch hóa cuộc tập trận này bằng việc mời khoảng 90 quan sát viên nước ngoài đến từ 60 quốc gia để giám sát, cuộc tập trận Nga-Belarus vẫn khiến phương Tây sôi sục. Nó cũng là lý do khiến NATO tiến hành hàng loạt màn dương oai diễu võ để răn đe Nga.
Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo bày tỏ, bà “rất lo ngại” về các cuộc tập trận của Nga. Trước đó, Trung tướng Ben Hodges – Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Châu Âu, đã nói rằng, cuộc tập trận Zapad 2017 có thể là “con ngựa thành Troy” để Nga tìm cách đưa binh sĩ và vũ khí đến đóng cố định tại Belarus.
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite thậm chí còn dành phần lớn bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vừa rồi để nói về cuộc tập trận của Nga, cảnh báo rằng “điện Kremlin đang diễn tập các kịch bản gây hấn, xâm lược nhằm vào các nước láng giềng”.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
NATO được cho là cũng thổi phồng về cái gọi là mối đe dọa mang tên Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga lo ngại, lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Các nước này còn ra sức kêu gọi NATO triển khai sự hiện diện quân sự lâu dài và cố định trên lãnh thổ của họ với niềm tin rằng, điều đó sẽ thể hiện cam kết của liên minh với an ninh của họ và đó sẽ là một sự răn đe đối với Nga.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1911333