Ba hành động cha mẹ làm thường xuyên sẽ khiến trẻ ngày càng kém thông minh
Đó là kết quả được nghiên cứu bởi Đại học Harvard, khi các giáo sư hàng đầu của ngôi trường này đã tiến hành nghiên cứu và theo dõi quá trình trưởng thành của những đứa trẻ. Kết quả chỉ ra nếu cha mẹ thường làm 3 hành động dưới đây, con cái có thể giảm chỉ số IQ và ngày càng kém thông minh đi.
1. Gán những hình ảnh tiêu cực lên con
Cuối tháng 11, một ông bố ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã gây sốt với bài phát biểu trong buổi họp phụ huynh khi có con trai học kém nhất lớp. "Thành tích học của con tôi không tốt, nhưng tôi vẫn luôn tin con sẽ có tương lai tươi sáng phía trước".
Nhiều người bày tỏ sự khâm phục với người cha này vì ngay trong tình huống có thể gây xấu mặt nhất, ông vẫn bình tĩnh phát biểu và khiến nhiều người tin tưởng vào cậu con trai.
Sau đó, người cha còn tự giải thích thêm về việc học kém của cậu bé.
"Thứ nhất, tuy học không giỏi nhưng cháu vẫn ăn và ngủ đầy đủ. Tôi thực sự ngưỡng mộ con ở điểm này. Là cố vấn tâm lý cấp cao nhưng tôi phải thừa nhận rằng tâm lý con mạnh hơn tôi. Thứ hai, đứa trẻ có thể vượt qua kỳ thi nếu có sự đồng hành của các giáo viên bộ môn. Cha mẹ nên tin rằng con mình sẽ tiến bộ từng ngày".
Bài phát biểu vừa cảm động, cũng đầy tình cảm đã thực sự gây được ấn tượng và nhận về nhiều tràng pháo tay của các phụ huynh khác. Qua vài câu nói, người cha không chỉ bảo vệ lòng tự trọng và sự tự tin của con trai, ông còn ngầm động viên và ghi nhận những nỗ lực của đứa trẻ.
Chân dung người cha gây sốt khi phát biểu trong buổi họp phụ huynh
Mặc dù có con bị coi học kém nhất lớp, song người cha không gán cho trẻ những từ như "con hư", "con không ngoan". Thay vào đó, ông nhìn thấy những điểm sáng của con là có tâm lý mạnh và luôn biết tiến về phía trước.
Người cha này đã thể hiện một quan điểm giáo dục đúng đắn: Cha mẹ thực sự khôn ngoan khi biết chấp nhận những điểm yếu của con.
Thực tế, nếu cha mẹ áp đặt con cái một cách mù quáng và dán nhãn tiêu cực sẽ chỉ khiến đứa trẻ tự phủ nhận chính mình. Bởi dù có giỏi giang hay cố gắng thế nào, trẻ cũng không nhận được sự công nhận từ những người thân thiết. Về lâu dài, chúng có xu hướng tuyệt vọng và "từ bỏ" những thành tích của chính mình.
2. Hạn chế cho con vui chơi
Mới đây, một cậu bé 10 tuổi ở TP Thạch Gia Trang (Trung Quốc) đã mất tích trong 12 giờ. Mẹ cậu bé vô cùng hốt hoảng, vội báo với giáo viên khi phát hiện con không trở về nhà sau buổi dạy kèm vào buổi chiều. Nhiệt độ ngoài trời khi đó chỉ -16 độ khiến gia đình càng lo lắng hơn.
Sau đó, hơn 200 cảnh sát cùng đội cứu hộ đã tìm kiếm xuyên đêm giải cứu bé trai. Đến 7h sáng hôm sau, họ phát hiện cậu bé nằm co ro bên ngoài cửa nhà hàng xóm, khuôn mặt đỏ ửng vì giá rét. Khi đó, bé trai đã bị lạnh cóng suốt đêm và phải nhập viện cấp cứu. May mắn thay, cậu bé đã tỉnh lại và dần ổn định sức khoẻ.
Khi tỉnh lại, cậu bé càng khiến người lớn bàng hoàng khi thú nhận lý do bỏ nhà ra đi. Hoá ra, cậu bé có thành tích học rất tốt, được cha mẹ kỳ vọng nên bắt tham gia rất nhiều lớp phụ đạo. Bé trai luôn trong trạng thái tuyệt vọng vì không có thời gian vui chơi hay giải trí. Đứa trẻ không muốn đối mặt với phụ huynh và những áp lực học tập đè nặng trên vai nên đã thà chịu đói rét còn hơn quay về nhà.
Camera ghi lại cảnh đứa trẻ bỏ nhà ra đi vì bị bắt học quá nhiều, không có thời gian vui chơi
Câu chuyện của gia đình trên cũng thể hiện phần nào hiện thực ngày nay. Nhà văn Trần Mỹ Linh (bà mẹ có 3 cậu con trai đều đỗ đại học Stanford) chia sẻ: "Việc vui chơi rất quan trọng với trẻ. Điều này không chỉ nuôi dưỡng sự tò mò và trí sáng tạo, đồng thời còn rèn luyện sức khoẻ cho bé".
Phụ huynh nên nhớ rằng: Vui chơi không phải lãng phí thời gian. Đây là hoạt động giúp bé hiểu hơn về thế giới xung quanh, tạo ra năng lượng tích cực và niềm hạnh phúc.
Hầu hết trẻ em đều mong muốn được vui chơi và khám phá thế giới. Sự tò mò thôi thúc bé liên tục thử và khám phá nhiều điều thú vị xung quanh. Ngoài ra, sự vui chơi cũng cũng giúp trẻ hoà đồng hơn với người khác thông qua các hoạt động tương tác, nhờ thế tăng khả năng giao tiếp.
Hơn thế nữa, vui chơi cũng giúp giải toả căng thẳng cho con sau những giờ học tập căng thẳng. Do đó, các chuyên gia đánh giá việc được tự do vui chơi sẽ giúp hỗ trợ quá trình trưởng thành của bé, đồng thời có thể khám phá ra những tiềm năng khác.
Ảnh minh hoạ
3. Thường xuyên khiến bé mất tập trung
Trong chương trình của Đài Truyền hình Giang Tô (Trung Quốc), một cô bé 4 tuổi đã tự mình hoàn thiện bức tranh xếp hình "Đêm Đầy Sao" của danh hoạ Van Gohn. Khi đó, đứa trẻ phải xếp hình liên tục trong hơn 10 tiếng mới xong bức tranh - một thử thách yêu cầu sự tập trung cao độ mà ngay cả người lớn cũng khó hoàn thành.
Năng lực đặc biệt của bé gái khiến nam MC phải thốt lên: "Sao con làm được vậy?".
Được biết, bé gái có sở thích xếp hình ở nhà và có thể ngồi suốt 7 tiếng đồng hồ ghép tranh, đến nỗi quên cả ăn uống. Khi nói về bí quyết rèn luyện sự tập trung cho con, mẹ bé gái cho biết: "Tôi để con tự do làm việc của mình".
Ảnh minh hoạ
Các chuyên gia Harvard chỉ ra: Khi con đang học tập và vui chơi, cha mẹ không nên ngắt lời hay làm hành động gián đoạn sự tập trung của bé. Nếu người lớn thường can thiệp vào hành động của con, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc khám phá sở thích, còn gây giảm sự tập trung của trẻ.
Khi con vui chơi, đừng quá lo lắng việc con đói hay khát. Khi con học, đừng liên tục nhìn bài và nhắc "trả lời sai rồi", "viết chữ xấu quá".
Mọi sự can thiệp của cha mẹ đều có thể làm giảm sự tập trung cho đứa trẻ. Do đó, nếu trẻ không yêu cầu giúp đỡ, phụ huynh nên đứng ngoài và cho con quyền tự khám phá những điều mới mẻ.
Nguồn: Sohu
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/dai-hoc-harvard-phat-hien-3-hanh-dong-cha-me-lam-thuong-xuyen-se-khien-tre-ngay-cang-kem-thong-minh-202312261846513.chn