Ai mới là người khiến mẹ không yên tâm nhất khi trông trẻ?
Cách đây không lâu, một người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội. Người mẹ tên là Tiểu Lâm, sau khi đi làm về vô cùng bận rộn nên đã nhờ em trai đang học cấp 2 giúp trông con.
Trong mắt cô, đứa em tuy không phải quá trưởng thành nhưng ít nhất cũng biết giúp chị làm việc nhà, và đương nhiên, việc trông cháu cũng không quá khó khăn gì. Vì vậy, hôm đó, cô Lâm vừa về đã loay hoay vào bếp nấu ăn rồi giao con gái cho cậu em chăm sóc.
Ai ngờ, “ông cậu” lại là đứa trẻ mê chơi game, cậu cầm điện thoại di động, vừa bấm vừa cười, cô cháu kế bên cũng muốn cười tham gia. Thế nhưng, khi nghe cô cháu cười, cậu sợ bị ảnh hưởng đến tâm trạng chơi game, nên đã quay lại bỏ cháu gái vào chiếc túi ni lông rồi treo lên tay cầm của cánh cửa.
Thấy cậu treo mình lên, đứa trẻ không những không khóc mà còn cười rất tươi, và vẫn nhìn cậu chơi một cách say sưa. Sau khi cô Lâm nấu cơm xong và bước vào bế con thì chết lặng trước cảnh tượng này, và đương nhiên cô đã dạy cho cậu em một bài học về cách trông cháu.
May mắn thay, không có chuyện gì xấu xảy ra, và sau sự việc này cô Lâm không còn tin tưởng em trai mình nữa.
Dù các mẹ luôn có ấn tượng rằng, những ông bố là người chăm con nguy hiểm nhất nhưng trên thực tế, những ông chú, ông cậu nhỏ tuổi khi chăm trẻ lại có nhiều sự nguy hiểm hơn, có 3 lý do:
Thứ nhất, về vấn đề an toàn
Trước hết, những thanh thiếu niên dù có ý thức an toàn nhất định nhưng vẫn là những đứa trẻ chưa lớn hẳn, không thường xuyên chăm sóc trẻ em, vì vậy khó có thể chắc chắn rằng họ sẽ đem lại sự an toàn cho bọn trẻ. Chưa hết, những thanh thiếu niên này còn hoạt bát, nghịch ngợm, và chúng sẽ chủ động đưa trẻ vào môi trường nguy hiểm. Xét cho cùng, độ tuổi này còn khá nhỏ, suy nghĩ còn non nớt nên khó có thể kiểm soát hành động của mình.
Thứ hai, thanh thiếu niên quá ham chơi
Không ít những “ông cậu”, “ông chú” ở tuổi ăn tuổi lớn vẫn là những đứa trẻ rất ham chơi. Nếu như các bậc cha mẹ để em mình chăm sóc bọn trẻ, thì rất có thể sẽ gặp phải tình huống như cô Lâm. Khi chúng đang rất vui vẻ trong thế giới của mình, thì sẽ bỏ qua sự tồn tại của trẻ em bên cạnh. Việc đưa trẻ cho chúng chăm sóc vô tình làm tăng nguy cơ mất an toàn cho trẻ, một khi sự cố xảy ra thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Thứ ba, có sự chênh lệch về nhận thức
So với người lớn, chắc chắn những đứa trẻ chưa trưởng thành sẽ không có kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, chúng có những sai lệch về nhận thức, sẽ không thể xử lý nếu như lỡ gặp bất trắc gì đó.
Trước đây, có một câu chuyện như thế này xảy ra ở Nam Ninh, Trung Quốc. Người mẹ vào bếp nấu ăn, còn bố thì đi tắm, chỉ còn lại chị gái 3, 4 tuổi ở phòng khách chơi với cậu em trai vừa tròn 1 tháng tuổi. Tưởng chừng chị em hòa thuận nhưng không lâu sau, chị gái lấy một món đồ chơi cứng và bắt đầu nhét vào miệng đứa em.
May mắn thay, mẹ đã chạy đến phòng khách kịp thời sau khi nghe tiếng khóc của đứa con trai nhỏ và ngăn hành động của con gái lớn kịp lúc, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.
Chăm sóc con cái không phải là việc dễ dàng, bố mẹ không nên nghĩ đến chuyện "tiện", dù sao thì sự an toàn của con là điều cần phải đặt lên hàng đầu, nếu đứa trẻ có chuyện gì thì bố mẹ sẽ ân hận cả đời.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/giao-con-cho-em-trai-trong-ho-nguoi-me-cam-nin-khi-nhin-thay-canh-tuong-tren-cua-va-loat-bai-hoc-canh-tinh-ma-bo-me-can-luu-tam-20210526170851336.chn