6 món ăn ‘nặng mùi’ nhưng nức tiếng của ẩm thực Việt
Người dân tộc các vùng núi Tây Bắc thường ăn thắng cố trong các dịp chợ phiên và thường dùng kèm với rượu ngô.
Thắng cố
Nhiều người ví, lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố thì coi như vẫn chưa thấy được nét đặc trưng của văn hóa và con người nơi đây.
Từ thắng cố là biến âm của “thoảng cố” – theo tiếng Mông có nghĩa là “nồi nước”. Thắng cố được chế biến tương đối đơn giản, nhưng để nấu cho ngon và đúng vị thì người đầu bếp vẫn cần có những bí quyết riêng. Nguyên liệu chính để làm thắng cố là toàn bộ phần nội tạng, xương, phần đầu và tứ chi của trâu, bò, ngựa hay dê được làm sạch, cắt miếng, ướp gia vị, hạt tiêu, ớt, thảo quả. Sau đó, đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước, ninh kĩ trong nhiều giờ.
Tuy là một đặc sản của vùng Tây Bắc nhưng không phải du khách nào cũng có thể thưởng thức được món ăn này, bởi ngay từ hương vị, màu sắc cho đến cách các nguyên liệu kết hợp với nhau đều không tạo sự hấp dẫn hay khơi gợi trí tò mò. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra ngần ngại khi ngửi thấy mùi “đặc biệt” của thắng cố.
Hình ảnh những chảo thắng cố nghi ngút bên bếp lửa trong sớm lạnh vùng cao đã trở nên quen thuộc với các du khách.
Nhưng những người đã từng thưởng thức món ăn này thì cho rằng, một khi đã ăn tô thắng cố nóng cùng với mèn mén, nhấp vài chén rượu ngô, chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy bị cuốn hút lạ thường. Vị béo ngậy cộng với vị ngọt bùi của thắng cố sẽ xua tan đi cái lạnh vùng cao, tạo cho món ăn một dư vị không thể nào quên.
Thịt thối
Có lẽ chỉ cần nghe tên thôi, nhiều người đã phải nhăn mặt, vội từ chối món ăn kì lạ này. Nhưng ít ai biết rằng, thịt thối được xếp vào hàng tứ đại đặc sản của người đồng bào dân tộc Thái mạn Mường La (Sơn La).
Món thịt thối không hề hấp dẫn về mùi hương và màu sắc.
Món này được chế biến bằng cách: lợn hoặc bò sau khi được xẻ thịt sẽ chọn những phần ngon nhất đem phơi nắng. Qua một vài nắng, miếng thịt tự nhiên khô lại, thịt tiếp tục được tẩm với nước của một loại rau thơm cho ngấm vào bên trong, sau đó đem bỏ vào chum và rắc lên đó một ít muối.
Thịt được ủ kín, vì không được ướp với nhiều muối nên thịt sẽ phân huỷ, phần thịt ngon bị chín bởi ánh nắng sẽ không tan mà đóng cục. Khi ủ thịt được khoảng 10 ngày, người ta mở ra và cho vào đó một ít thảo dược. Nếu có khách quý, món thịt thối sẽ được lấy ra nấu chín cùng rêu suối, cơm nguội và ăn kèm với lá sung.
Nậm pịa
Xét về độ khó ăn và mùi khó ngửi thì nậm pịa còn hơn cả thắng cố. Là đặc sản của người Thái ở Tây Bắc, món ăn này được làm từ tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò gọi là “pịa”.
Người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả được băm nhỏ rồi đun sôi lên đến khi sánh, sền sệt lại là được.
Trong các món ăn của người Thái ở Sơn La, nậm pịa độc đáo và khó ăn nhất nhưng có hương vị ấn tượng nhất.
Khi chế biến xong, nậm pịa thường có màu nâu không bắt mắt, mùi khó chịu và vị đắng. Không phải du khách nào, nhất là người nước ngoài, cũng dám thử món ăn độc đáo này.
Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa thường ăn kèm với rau chuối và bạc hà.
Nước mắm
Trong bữa cơm hàng ngày của gia đình người Việt có một thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu là nước mắm. Chén nước mắm luôn được đặt chính giữa mâm cơm, có thể dùng để tăng hương vị cho mọi món ăn. Nước mắm nguyên chất có mùi nồng khá “nhức mũi” bởi được làm từ cá và muối biển.
Loại gia vị nổi tiếng của Việt Nam này có mùi vị đặc trưng.
Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam chưa quen với mùi nồng nồng, đặc trưng của nước mắm thì có vẻ e ngại, nhưng khi đã ăn rồi lại nghiền lúc nào không hay. Với sự khéo léo của người Việt, nước mắm được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác như tỏi, ớt, dấm, đường,.. tạo nên sự phù hợp cho từng món ăn.
Cách dùng nước mắm của người Việt cũng đa dạng và phong phú. Ở mỗi vùng miền, mỗi món ăn lại có một loại nước chấm phù hợp. Miền Bắc thì thường thích dùng nước mắm nguyên chất, nếu có pha thì rất ít thích ngọt, còn miền Nam thì luôn thích pha nước mắm kiểu chua ngọt. Nhất là trong các món gỏi, món cuốn, nước mắm đã được biến tấu theo nhiều sở thích khác nhau.
Mắm tôm
Nhiều người Việt cũng không ăn được mắm tôm vì không chịu nổi mùi vị của món ăn này.
Nhắc đến các món ăn “nặng mùi” trong ẩm thực Việt, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến mắm tôm. Được nhiều người Việt Nam yêu thích nhưng mắm tôm lại khiến các du khách nước ngoài phải nín thở bởi mùi quá đậm.
Người Việt hay ăn mắm tôm và dùng mắm tôm cho rất nhiều món, từ bún đậu, thịt luộc đến chả cá Lã Vọng, cà pháo, … Mắm tôm thường pha với đường, chanh, có nơi còn cho ít dầu ăn, đánh lên cho nổi bọt mới ngon. Chưa kể, khi nấu các món ăn, người ta cũng hay cho mắm tôm vào để món ăn thêm đậm vị.
Sầu riêng
Sầu riêng là loại quả phổ biến ở vùng Đông Nam Á, được coi là một trong những món khách Tây không thể bỏ qua khi đến Việt Nam. Tuy có vị ngon độc đáo, nhưng sầu riêng có mùi khá khó ngửi với những ai không ăn được hay mới thấy lần đầu. Có những người vừa thoáng thấy mùi sầu riêng đã tỏ ra khó chịu, buồn nôn và so sánh nó với mùi của… tất, rác thải và mùi thịt thối.
Sầu riêng là trái cây với mùi vị cực đặc trưng mà nhiều kẻ yêu nhưng cũng lắm người ghét.
Đối với những người “ghiền” sầu riêng, phần cùi của nó có vị béo giống như bơ và rất thơm ngọt. Vị ngon ngọt đặc trưng đó không có loại trái cây nào có thể sánh bằng và cũng chính vì thế, sầu riêng đã được xếp vào danh sách “vua của các loại trái cây”.
Sầu riêng chứa nhiều chất thiamin – một loại vitamin B và vitamin B6, có tác dụng giúp ăn ngon miệng và sản xuất axit hydrochloric, tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Sầu riêng còn chứa vitamin B6- vitamin đóng vai trò như một loại dưỡng chất thiết yếu trong việc sản xuất serotonin – một loại hóa chất truyền dẫn thần kinh, tác động đến tâm trạng con người.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1787818