5 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng có thể chứa chất độc mãn tính mà nhiều người không biết
Tuy nhiên không có một thực phẩm nào là hoàn hảo toàn diện, ngay cả một số loại thực phẩm chúng ta cho là tốt cho sức khỏe cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu bạn ăn quá nhiều hoặc nếu chúng không được chế biến đúng cách.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ rõ những thực phẩm lành mạnh nhưng vẫn có thể ẩn chứa độc tố, nếu ăn không đúng cách có thể gây hại hơn có lợi. Với một số người đang mang thai hoặc suy giảm miễn dịch, tác động tiêu cực có thể còn nghiêm trọng hơn.
1. Gạo lứt
Gạo lứt có thể được coi là một loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất dinh dưỡng và được sử dụng trong nhiều chế độ ăn kiêng lành mạnh hay giảm cân. Tuy nhiên, loại lương thực chứa đầy chất xơ này cũng có thể chứa asen vô cơ. Theo Consumer Reports ( tổ chức người tiêu dùng phi lợi nhuận của Mỹ), việc tiếp xúc thường xuyên với asen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tuýp 2, cũng như ung thư da, bàng quang và gan.
"Asen tích tụ ở các lớp vỏ bên ngoài giàu chất xơ chất chống oxy hóa của hạt gạo lứt", chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Tammy Lakatos Shames cho biết. Các lớp này bị loại bỏ khỏi gạo trắng trong quá trình chế biến nhưng gạo lứt thì không. Vì vậy gạo lứt có lượng asen vô cơ trung bình cao hơn 80% so với gạo trắng. Chuyên gia Tammy cho biết thêm là asen cũng có thể được tìm thấy trong ngũ cốc, mì ống, bánh làm từ gạo lứt.
Cách để tiêu thụ gạo lứt và các sản phẩm làm từ gạo lứt mà không phải lo lắng về asen đó là tiêu thụ một lượng vừa phải và điều độ.
Chuyên gia Tammy khuyên: "Gạo lứt tốt cho sức khỏe hơn gạo trắng nhưng bạn không nên lạm dụng. Vì asen có khả năng tích tụ ngày càng nhiều nếu bạn uống sữa gạo và ăn gạo lứt mỗi ngày".
2. Động vật có vỏ
Trai, sò, nghêu, cua, tôm và các loại thủy hải sản có vỏ có thể gây ra mối đe dọa cho sức khỏe của bạn tùy thuộc vào việc chúng đã ăn những gì khi sống ở sông, biển. Nguy cơ ô nhiễm đặc biệt phổ biến ở động vật có vỏ sống ở vùng biển nhiệt đới. Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cảnh báo rằng độc tố thường có trong các sinh vật biển nhỏ và chúng là nguồn thức ăn cho các loại động vật có vỏ ở dưới biển.
Các triệu chứng ngộ độc động vật có vỏ có thể bao gồm viêm dạ dày ruột, chóng mặt, mất phương hướng, mất trí nhớ ngắn hạn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn là khó thở, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.
3. Một số loại quả có hạt chứa độc tố
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Manaker từng đạt giải thưởng Chuyên gia dinh dưỡng xuất sắc của năm 2020 cho biết anh đào và các loại trái cây có hạt khác như đào, mơ và mận có thể gây độc vì chúng mang các hợp chất xyanua mà cơ thể bạn có thể chuyển đổi thành hydro xyanua độc hại.
Tùy thuộc vào lượng bạn ăn, chúng có thể tạo ra tới gần 1 mg hydro xyanua trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm độc xyanua là do ăn phải các loại hạt của những loại quả trên và phải ăn khá nhiều hạt mới đạt đến mức nguy hiểm. Vì vậy, khả năng bạn bị ngộ độc xyanua là tương đối nhỏ trừ khi bạn cố gắng nhai và nuốt từ 3 đến 9 hạt anh đào, điều mà các chuyên gia chắc chắn không khuyến khích.
4. Mật ong
Mặc dù mật ong có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng khi chưa được khử trùng, chất làm ngọt này có thể chứa các alkaloid độc có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Nó cũng có thể chứa chất grayanotoxins, có thể dẫn đến tê liệt và thậm chí tử vong. Mật ong cũng có thể dễ bị nhiễm kim loại nặng từ asen, thủy ngân, cadmium và chì.
Riêng đối với trẻ sơ sinh, mật ong rất nguy hiểm. Bởi vì mật ong có chứa một loại vi khuẩn gọi là C.botulinum có thể tạo ra độc tố trong ruột của trẻ, gây ra một căn bệnh hiếm gặp nhưng chết người gọi là ngộ độc ở trẻ sơ sinh. Đó là lý do tại sao Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) không khuyên dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi.
5. Rau mầm
Mặc dù rau mầm nổi tiếng là một loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất đồng thời ít natri, chất béo và calo, nhưng những loại rau non này có thể gây độc nếu không được rửa kỹ trước khi ăn.
Điều kiện ấm áp, ẩm ướt cần thiết để mầm rau mọc cũng là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh phát triển. Ăn rau mầm sống hoặc chưa nấu chín kỹ, chẳng hạn như cỏ linh lăng, đậu hoặc bất kỳ loại rau mầm nào khác, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn salmonella, E.coli hoặc listeria. Việc nấu chín kỹ rau mầm sẽ giết chết vi trùng có hại và giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/5-thuc-pham-tot-cho-suc-khoe-nhung-co-the-chua-chat-doc-man-tinh-co-loai-nhieu-nguoi-an-thay-com-trang-moi-ngay-c131a546454.html